Khi thế giới bước sang năm thứ 3 của đại dịch Covid-19, các nhà khoa học đứng trước mối lo mới về SARS-CoV-2. Họ lo ngại đây sẽ là virus không bao giờ biến mất với các biến chủng giỏi né tránh phòng thủ của cơ thể. Đặc biệt, người dân toàn cầu có thể đứng trước nguy cơ mắc bệnh hai, thậm chí 3 lần trong một năm.
Nguy cơ tái mắc đến suốt đời
Theo New York Times, nguyên nhân chính là nCoV đã thành thạo hơn việc tái tạo lại bên trong chính cơ thể con người. Hiện tại, những người bị nhiễm biến chủng Omicron gốc bắt đầu báo cáo về lần mắc Covid-19 thứ hai, thậm chí thứ 3. Chủng mà họ nhiễm sau đó là các biến chủng phụ mới của Omicron như BA.2, BA.2.12.1 tại Mỹ hoặc BA.4, BA.5 ở Nam Phi.
Các chuyên gia nhấn mạnh những người này có thể tiếp tục sẽ mắc Covid-19 lần thứ 3 hoặc 4, thậm chí chỉ trong năm nay. Không ít bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng triệu chứng kéo dài hàng tháng đến hàng năm không dứt. Đó chính là hội chứng hậu Covid-19 đang dần phổ biến.
Nhà dịch tễ học Juliet Pulliam, Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho biết: “Với tôi, có vẻ như đây sẽ là tình trạng lâu dài. Virus sẽ tiếp tục tiến hóa và ngày càng nhiều người tái mắc đi tái mắc lại, nhiều lần trong suốt cuộc đời họ".
Điều khó khăn hiện nay là không thể xác định tần suất chúng ta bị tái nhiễm là bao lâu. Một phần là nhiều ca bệnh hiện không được báo cáo. Theo tiến sĩ Pulliam và các cộng sự, khi thu thập dữ liệu ở Nam Phi, họ nhận thấy tỷ lệ nhiễm Omicron cao hơn nhiều so với các biến chủng trước đó.
Đây là điều đi chệch mọi dự tính của các nhà khoa học ban đầu. Các chuyên gia cho rằng miễn dịch do tiêm chủng hoặc lần Covid-19 trước đó sẽ ngăn chặn hầu hết ca tái nhiễm.
Nhưng Omicron đã dập tắt những hy vọng này. Không giống các biến chủng trước đó, Omicron và nhiều chủng phụ của nó dường như đã tiến hóa để né tránh một phần miễn dịch. Điều này khiến tất cả chúng ta - ngay cả những người đã được tiêm chủng nhiều mũi - cũng vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Nhà virus học Kristian Andersen, Viện nghiên cứu Scripps ở San Diego, Mỹ, cho biết: “Nếu chúng ta quản lý virus theo cách hiện tại, hầu hết người dân sẽ bị nhiễm nCoV ít nhất một vài lần trong một năm".
Một phụ huynh bế con gái đến trường ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Andy Wong/Associated Press. |
Vaccine Covid-19 có còn tác dụng?
Các biến chủng mới không làm thay đổi hiệu quả cơ bản của vaccine. Hầu hết người đã tiêm 3 hoặc thậm chí chỉ hai liều sẽ không mắc bệnh nặng đến mức cần phải nhập viện nếu họ nhiễm virus. Và liều tăng cường đã giúp giảm khả năng tái nhiễm, dù không nhiều.
Ngay từ đầu đại dịch, nhiều chuyên gia đã dựa trên kỳ vọng của họ về bệnh cúm khi đối mặt với nCoV. Họ dự đoán tương tự cúm, virus này sẽ gây ra một đợt bùng phát lớn mỗi năm, rất có thể là vào mùa thu. Cách để giảm thiểu sự lây lan của nó là tiêm phòng cho người dân trước mùa thu.
Nhưng SARS-CoV-2 lại không hoạt động như vậy. Nó hoạt động giống 4 anh em trong dòng họ corona. Chúng lây lan và gây cảm lạnh quanh năm. Khi nghiên cứu về virus corona gây cảm lạnh thông thường, nhà dịch tễ học Jeffrey Shaman, Đại học Columbia ở New York, Mỹ, phát hiện "những người bị nhiễm đi nhiễm lại bệnh trong vòng một năm".
Nếu hiện tượng tái nhiễm trở thành bình thường, SARS-CoV-2 "sẽ không đơn giản chỉ lây mạnh vào mùa đông mỗi năm một lần, nó sẽ không phải là virus chỉ gây bệnh nhẹ", vị chuyên gia nói thêm.
Tình trạng đột biến đã xuất hiện ở các biến chủng trước đó, gồm cả Delta, nhưng không thường xuyên. Theo TS Pulliam, từ tháng 9/2021, tốc độ tái nhiễm ở Nam Phi tăng vọt và đạt đỉnh vào tháng 11, khi Omicron xuất hiện.
Việc tái tiêm chủng ở Nam Phi, Mỹ, gây chú ý. Bởi nhiều người đã được tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh ít nhất một lần. Họ đặt câu hỏi về tác dụng của vaccine trong bối cảnh này.
Biến chủng Omicron có nhiều khác biệt so với Delta và bản thân Delta cũng đã thay đổi nhiều so với những phiên bản trước đó. Do vậy, các chuyên gia dự báo nguy cơ F0 bị tái nhiễm ngày càng nhiều hơn.
Song, Omicron dường như đang phát triển các dạng mới có khả năng xâm nhập vào hệ thống phòng thủ miễn dịch với tương đối ít thay đổi trong mã di truyền. Điều này khiến nhà virus học Alex Sigal, Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi khác ngạc nhiên: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ cần biến chủng hoàn toàn mới để thoát khỏi sự thống trị của Omicron. Nhưng trên thực tế, có vẻ điều này không xảy ra".
Clem Williams, 76 tuổi, được tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường ở Durham, New York, Mỹ, vào tháng 5. Ảnh: Veasey Conway/The New York Times. |
Lối thoát nào cho đại dịch?
Nhiễm Omicron tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn và có vẻ như nó sẽ nhanh chóng suy yếu so với các biến chủng trước đó. Xét từ góc độ miễn dịch, việc nhiễm biến chủng không có nhiều khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm chủng khác khiến nguy cơ chúng ta tái mắc sau 3-4 tháng là điều rất dễ xảy ra.
Tin tốt trong tình hình hiện nay là hầu hết người tái mắc đều không bị ốm nặng. Ít nhất ở thời điểm này, nCoV vẫn chưa có cách nào vượt qua được hoàn toàn hệ thống miễn dịch.
"Điều này có lẽ là tốt nhất trong thời điểm hiện tại. Nguy cơ lớn hơn có thể xảy ra khi biến chủng thay đổi", tiến sĩ Sigal nhận định.
Nhưng điều đáng lo hơn lúc này là mỗi lần mắc Covid-19 đều mang theo nguy cơ gặp di chứng cho người bệnh. Họ phải sống với hàng loạt triệu chứng có thể tồn tại nhiều tháng hoặc nhiều năm. Còn quá sớm để biết mức độ thường xuyên nhiễm Omicron có dẫn đến hậu Covid-19 hay không, đặc biệt là ở những người đã tiêm phòng.
Các chuyên gia khác cho rằng để bắt kịp với sự phát triển của virus, vaccine Covid-19 nên được cập nhật nhanh hơn, thậm chí phải nhanh hơn vaccine cúm hàng năm. Tiến sĩ Andersen chia sẻ: “Mỗi lần chúng ta nghĩ mình đã vượt qua được đại dịch, đang thắng thế trước virus thì nó lại có những mánh khóe mới. Chúng ta không thể kiểm soát nó bằng cách cho tất cả mắc bệnh và hy vọng điều tốt hơn sẽ đến".
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.