Nhiều trường hợp gặp biến chứng do thẩm mỹ cấp tốc tại những cơ sở không uy tín. Ảnh: Việt Nam. |
Bệnh nhân tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp gần nhà. Sau tiêm, bệnh nhân nhận thấy có dấu hiệu bất thường nhưng tiếp tục chăm sóc vùng tiêm theo hướng của nhân viên spa.
Một tuần sau đó, vùng mũi của người này có dấu hiệu sưng tấy, viêm nhiễm, vùng được tiêm tím đen. Lúc này, bệnh nhân mới vội vàng đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhân có tình trạng mũi bị chảy dịch nhầy, filler tràn xuống cánh mũi, mũi nổi mụn, sưng tấy, thâm tím và phồng rộp. Do đến khám và điều trị quá muộn, mũi của nam bệnh nhân không thể phục hồi lại như trước.
Theo số liệu thống kê từ Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam, có 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù không được phép.
Mỗi năm, Việt Nam có tới 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó, khoảng 25.000-35.000 ca gặp biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%. Một trong những vấn đề đáng ngại và phổ biến nhất hiện nay là tiêm filler bừa bãi, dẫn đến biến chứng nặng nề.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các ca tai biến thường xảy ra ở cơ sở thẩm mỹ không phép, nơi không có đủ điều kiện can thiệp, nhân viên không được đào tạo bài bản.
Bệnh nhân thường bị biến chứng ở vùng bụng, mũi, mặt hoặc cấy mỡ ở mông, ngực hỏng, thuyên tắc mạch, thậm chí có thể tử vong. Dù khi làm đẹp tại các spa này, chi phí thường rẻ hơn, việc điều trị biến chứng, tai biến thẩm mỹ cho những trường hợp trên lại cao gấp hàng chục lần. Không những thế, bệnh nhân còn phải gánh chịu tổn hại về sức khỏe, thậm chí lâu dài.
Trong cộng đồng hiện có nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo làm không đau, không để lại sẹo… Tuy nhiên, thực tế là từ những kỹ thuật nhỏ nhất như khâu mí mắt, nhấn mí cũng đã là phẫu thuật.
Trong trường hợp này, nếu kỹ thuật viên không có chuyên môn, việc khâu nhầm vào mạch máu là chuyện thường xuyên xảy ra. Khi không được đào tạo bài bản, những kỹ thuật nhỏ như tiêm filler vào mũi, môi cũng có thể gây ra nhiễm trùng môi, mũi, thậm chí tai biến mạch máu não, mù mắt.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.