Nỗi đau kéo dài
Theo lời giới thiệu của cán bộ xã Hồng Đức (Ninh Giang - Hải Dương), chúng tôi tìm đến nhà anh Bùi Văn Xuân.
Đến thăm anh vào một ngày giữa thu, trong khi trong xóm ngoài làng đâu đâu cũng thấy không khí tưng bừng, náo nhiệt chuẩn bị cho ngày tết trung thu thì trong ngôi nhà nhỏ phía cuối làng có một người đàn ông vẫn hàng ngày, hàng giờ nằm im trên chiếc giường của ngôi nhà tình thương với một nỗi buồn sâu thẳm ẩn giấu sau những nụ cười.
Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng gần như lúc nào cũng đông người ra vào trò chuyện giúp anh quên đi nỗi buồn. |
Trong ngôi nhà nhỏ chỉ chừng 20m2 nhưng có khá đông người ngồi, và từ bên trong vọng ra những tiếng nói cười vui vẻ. Họ là những người anh em, xóm làng sang trò chuyện, tán gẫu cùng anh mong giúp anh xua đi nỗi buồn, nỗi cô đơn.
Không khó khăn gì để nhận ra anh trong số những người có mặt trong ngôi nhà nhỏ. Anh nằm trên chiếc giường với thân hình bé nhỏ. Cả cơ thể anh từ đôi tay, đôi chân đều bị teo nhỏ lại và co quắp. Hình ảnh đầu tiên về anh hiện ra trước mắt khiến chúng tôi cũng cảm thấy thương xót cho số phận éo le của anh. Năm nay anh đã 47 tuổi nhưng thân hình thì nhỏ bé với cân nặng ước chừng chưa đến 20kg.
Thời thơ ấu, tuy nhà nghèo nhưng anh cũng được bố mẹ nuôi ăn học và là học sinh giỏi. 14 tuổi, khi anh còn đang học kỳ 1 của lớp 4 (tương đương lớp 8 hiện nay) thì bất chợt cơn cảm, sốt kéo đến khiến các khớp xương bị sưng tấy. Gia đình có đưa anh đi khám tại bệnh viên đa khoa huyện thì được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm đa khớp toàn thân. Nhà nghèo lại thêm thời buổi kinh tế khó khăn, y học chưa phát triển nên anh đành ôm bệnh trong người từ đó. Đến nay bệnh đã thành tật và cơ thể anh cứ teo dần đi như chỉ còn da bọc xương khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng động lòng thương cảm.
Bản thân anh cũng vô cùng đau khổ và phải mất rất nhiều thời gian để có thể quen dần với sự thật đau lòng rằng anh sẽ mãi mãi mất đi khả năng tự di chuyển trên đôi bàn chân của mình để chấp nhận nằm một chỗ đến suốt cuộc đời.
Một bác hàng xóm tâm sự: “Chỉ ốm vài ngày thôi mà đã cảm thấy khó chịu lắm rồi, thế mà nằm suốt một chỗ hơn 30 năm nay thì cháu biết thế nào rồi đấy”.Anh phải nằm nghiêng người về bên phải do vậy mà nửa người bên phải của anh từ ngực đến hết sườn cũng bị bẹp hơn so với bên còn lại. Thấy phía dưới ngực và đùi anh lúc nào cũng phải có tấm kê, tôi tò mò hỏi thì anh chia sẻ: “Không kê như vậy thì mỏi lắm, đau nhức hết các khớp xương. Chân bị liệt không thể cử động được, mùa hè nóng bức mà không có tấm kê này thì dễ bị loét ra lắm”. Nằm trên giường thi thoảng anh lại nhấc nhẹ phần đầu để chỉnh lai tư thế một chút cho đỡ mỏi. Đôi chân tuy đã bị liệt không thể cử động nhưng vẫn còn cảm giác. Do vậy mà đôi lúc anh lại phải dùng tay đẩy chiếc gậy nhỏ để giúp vận động đôi bàn chân cho đỡ cảm giác nhức mỏi.
Đã hơn 30 năm nay anh nằm im trên chiếc giường với cơ thể đáng thương. |
Anh nằm liệt không thể tự mặc áo, hơn nữa cơ thể lại co quắp nên mùa đông cũng như mùa hè anh đều cởi trần. Đông đến thì anh đắp thêm chiếc chăn. Thấy vậy, vài người ngồi chơi đùa anh: “Cứ như anh Xuân thì tiết kiệm được bao nhiêu chi phí mua quần áo, thế này các công ty may mặc đóng cửa hết”. Thế là cả căn nhà nhỏ lại được một trận cười sảng khoái.
Động lực sống từ những điều giản dị
Ngồi cùng anh, thấy anh và những người hàng xóm chuyện trò vui vẻ, thi thoảng trên khuôn mặt anh lại xuất hiện những nụ cười tươi tắn, điều đó khiến tôi thấy mừng và khâm phục nghị lực sống của anh. Khi anh mắc bệnh chưa được bao lâu thì mẹ anh cũng ra đi mãi mãi. Anh chỉ biết nằm một chỗ mà khóc thương mẹ. Rồi bố anh cũng qua đời năm 2001, các anh, chị, em cũng lần lượt đi lập gia đình, còn lại mình anh sống trong ngôi nhà tình thương được xây trên mảnh đất của anh trai.
Có lẽ động lực lớn nhất chính là tình yêu thương, sự đồng cảm, quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh dành cho anh. Anh tâm sự: “Căn nhà tuy bé nhỏ này nhưng đã thành chỗ chơi quen thuộc của mọi người rồi. Ban ngày thì anh, em, hàng xóm sang chơi, tối đến thì thanh niên trong làng tới hát hò. Từ sáng tới tầm 10h đêm gần như lúc nào nhà cũng có người đến chơi, thế nên cuộc sống cũng đỡ tủi”. Chỉ mỗi buổi sáng ở nhà anh mà chúng tôi để ý phải có hơn 10 người ra vào hỏi han, trò chuyện cùng anh. Đến trưa còn có người phụ nữ đi xe qua hỏi vọng vào xem có người cắm cơm hộ anh chưa để chị vào giúp nhưng có người cháu đã giúp anh cắm nồi cơm. Còn thức ăn anh đã nhờ người đi chợ mua từ sáng.
Do không thể di chuyển nên gần như mọi việc trong nhà đều do anh em, hàng xóm giúp đỡ. |
Do không thể đi lại nên gần như mọi việc trong nhà anh đều phải nhờ tới sự giúp đỡ của những người đến chơi hay cả những người quen qua đường. Cũng may mắn cho anh là mọi người đều biết và đồng cảm với số phận của anh nên nhiệt tình giúp đỡ. Những lời đồng viên, chia sẻ, sự giúp đỡ của tất cả mọi người chính là sức mạnh, là động lực để anh vui vẻ sống.
Người ta hay nói “mất cái này thì được cái kia”. Anh mất đi khả năng di chuyển và nhận lại là khả năng vẽ tranh và thơ văn khiến ai cũng phải cất lời khen ngợi. Anh từng vẽ giúp cho các cháu học sinh, giúp làm báo tường, vẽ đồ họa… Nhiều người xem xong tranh anh vẽ thì tấm tác khen và nhận xét nhìn như thật. Nhưng có lẽ so với “cái được” thì “cái mất” vẫn quá lớn. Gần đây mắt anh cũng kém dần và đôi tay bị run nên không còn vẽ như trước đây.
Với nụ cười tươi trên môi, anh Xuân tâm sự: “Bệnh là vậy nhưng cứ phải sống vui vẻ đến khi tim ngừng đập, phổi ngừng thở nữa thì thôi”. Anh chỉ mong sao cho anh và những người không may mắn như anh luôn nhận được sự đồng cảm, quan tâm, giúp đỡ của cả xã hội, nhất là những người xung quanh để có thể xua đi được nỗi đau sâu thẳm trong lòng.
Mọi giúp đỡ của độc giả xin gửi về địa chỉ anh Bùi Văn Xuân, thôn Đông lạc, xã Hồng Đức (Ninh Giang - Hải Dương).