Người này thông tin do tình trạng đau lưng kéo dài, điều trị tại cơ sở y tế địa phương không khỏi, ông nghe hàng xóm, đến thầy lang cắt lể bằng dao lam. Thế nhưng, ông không khỏi mà còn bị nặng hơn.
Sau khi bệnh khởi phát 5 ngày, ông được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
ThS.BS Lê Viết Thắng, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng, sốt, lạnh run, khô môi, lưỡi đơ, kèm hội chứng chèn ép tủy như đau lưng lan hai chân, tê, liệt và mất phản xạ hai chân, bí tiểu.
Bệnh nhân còn được ghi nhận áp xe ngoài màng cứng trong ống sống ngực, thắt lưng, chèn ép tủy sống ngực và áp xe rải rác cơ thắt lưng chậu, cơ cạnh sống hai bên.
Người đàn ông bị nhiễm trùng, tê liệt hai chân sau khi cắt lể. Ảnh: Nam Phương. |
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu giải ép tủy sống. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy dịch mủ cột sống để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Kết quả cho thấy dịch mủ có tụ cầu vàng, loại vi trùng thường gây nhiễm trùng ngoài da.
Sau hơn 10 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện. Hiện tại, bệnh nhân được chuyển về địa phương tiếp tục điều trị theo phác đồ và tập vật lý trị liệu trong khoảng 6-12 tháng.
Bác sĩ Thắng cho biết đây là trường hợp đầu tiên diễn tiến nhiễm trùng nặng trước khi nhập viện do tự ý cắt lể. Hiện tại, chưa có chứng minh rõ ràng về tính hiệu quả của phương pháp cắt lể.
Tại các vùng nông thôn, cắt lể được xem là một trong những phương thức chữa bệnh dân gian. Tuy nhiên, phương pháp cắt lể hoặc đắp thuốc là việc làm hết sức nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm gan, HIV, chảy máu không cầm.
Nghiêm trọng hơn, nó có thể gây nhiễm trùng, hoại tử chi, xuất huyết não, áp xe cột sống, thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.