Li Xianbi, 31 tuổi, sống tại tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, nổi tiếng với khả năng bắt chước tiếng kêu của nhiều loài động vật như ngựa, bò, cừu, gà, vịt, lợnvà đặc biệt là tiếng chó. Anh hiện sở hữu hơn 3,4 triệu người theo dõi trực tuyến, kiếm sống nhờ phát trực tiếp các buổi biểu diễn và bán đồ ăn nhẹ trên nền tảng video ngắn, theo SCMP.
Xuất thân là một quân nhân, Li đã dành hơn một năm học kouji - nghệ thuật bắt chước âm thanh truyền thống Trung Quốc - từ nghệ nhân Niu Yuliang. Kouji là loại hình nghệ thuật sử dụng các bộ phận như miệng, môi, răng, lưỡi, cổ họng và mũi để mô phỏng âm thanh tự nhiên và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh tiếng động vật, Li còn có thể tái hiện các âm thanh đời thường như tiếng cửa mở, vật rơi, máy bay hay nhạc cụ. Anh cho biết mình có sự nhạy cảm với âm thanh từ nhỏ và luôn cảm thấy gắn bó với thế giới động vật.
![]() |
Gương mặt của Li Xianbi được cư dân mạng nhận xét "giống hệt" khỉ mặt vuông Dazhuang ở vườn thú tại Hợp Phì, An Huy. Ảnh: SCMP composite/Baidu/Douyin. |
Gần đây, cư dân mạng nhận thấy ngoại hình của Li rất giống với chú khỉ mặt vuông có tên Dazhuang - "hiện tượng mạng" sống tại vườn thú ở Hợp Phì, tỉnh An Huy.
Với khuôn mặt vuông, biểu cảm sinh động cùng khả năng sử dụng công cụ như dùng đá đập vỡ quả óc chó, Dazhuang trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc với hơn 20 triệu lượt xem và tạo cảm hứng cho rất nhiều meme trên internet.
Người trông coi sở thú cho biết Dazhuang là một trong số ít loài khỉ có khả năng sử dụng công cụ, thường dùng đá để đập vỡ quả óc chó.
Mặc dù nhút nhát và hiền lành, thường trốn tránh người lạ, nhưng chú rất tình cảm với bạn tình và thích thể hiện kỹ năng bẻ quả óc chó của mình với du khách. Ngoài ra, các nhân viên vườn thú cho hay đối với loài khỉ, khuôn mặt vuông được coi là hấp dẫn vì nó biểu thị sức khỏe tốt.
Nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ sự thích thú với sự tương đồng giữa Li và Dazhuang. Một số bình luận hài hước cho rằng họ trông như anh em ruột.
Đáp lại, Li nói rằng anh không thấy phiền nếu những lời đùa không mang tính xúc phạm và nếu điều đó khiến mọi người vui vẻ, thì đó là điều tốt.
![]() ![]() |
Khỉ Dazhuang ở Hợp Phì đang là hiện tượng mạng được nhiều người yêu thích bởi gương mặt vuông vức, biểu cảm sinh động. Ảnh: HK01. |
Được cộng đồng mạng khuyến khích, ngày 6/5, Li đã lái xe 3 giờ đến Hợp Phì để gặp Dazhuang. Anh đăng tải một đoạn video ghi lại khoảnh khắc hai "nhân vật" nhíu mày nhìn nhau, kèm dòng chú thích hài hước: "Tôi đến để gặp người họ hàng đã thất lạc từ lâu của mình".
Đoạn video nhanh chóng nhận được 350.000 lượt thích. Không dừng lại ở đó, Li tuyên bố sẽ thử bắt chước tiếng kêu của loài khỉ để "trò chuyện" với Dazhuang.
“Mọi người nói chúng tôi trông giống nhau, nhưng không ai tưởng tượng được nếu con khỉ có thể nói thì âm thanh sẽ như thế nào. Tôi muốn tìm hiểu”, anh chia sẻ với truyền thông.
Câu chuyện của Li thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Có người hào hứng bày tỏ hy vọng được thấy màn giao tiếp đặc biệt giữa người và khỉ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cảnh báo rằng việc nhìn chằm chằm hay làm phiền khỉ trong thời gian dài có thể khiến chúng phản ứng phòng thủ, đồng thời kêu gọi du khách tôn trọng không gian sống của động vật trong vườn thú.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'