Theo nội dung vụ án, trưa hơn 10 năm trước, con gái bà Hoàng Thị Kim Ái bất ngờ phát hiện mẹ mình bị sát hại tại nhà riêng trên đường Lạc Long Quân, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM. Hiện trường vụ án tại phòng ngủ của bà Ái bị xáo trộn, người thân trong gia đình cho biết đã mất một số tài sản gồm tiền và vàng.
Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kết luận đây là một vụ án giết người, cướp tài sản. Quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra Công an TP.HCM phát hiện bên trong hộc tủ gỗ đựng tài sản có một dấu vân tay. Dấu vân tay trên trùng khớp với dấu vân tay của ông Trương Bá Nhàn.
Từ tình tiết trên, ngày 3/1/2002, ông Trương Bá Nhàn (40 tuổi) bị bắt và bị khởi tố điều tra về tội Giết người, Cướp tài sản. Suốt quá trình điều tra, truy tố, ông Nhàn liên tục kêu oan, ông cũng được một số nhân chứng thừa nhận bằng chứng ngoại phạm là vào thời gian xảy ra vụ án ông có mặt ở một nơi khác.
Thế nhưng tất cả lời kêu oan của ông và bằng chứng ngoại phạm đều không được chấp nhận. VKSND TP.HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và ra cáo trạng truy tố ông Nhàn với 2 tội danh trên với mức án cao nhất lên đến tử hình. Quá trình thụ lý hồ sơ vụ án, TAND TP.HCM nhận thấy còn nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ, chưa đủ cơ sở kết luận ông Nhàn có hành vi giết người, cướp tài sản nên đã trả hồ sơ vụ án để điều tra lại.
Quá trình điều tra lại, ngày 8/6/2006, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM đã ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn vì không chứng minh được ông phạm tội. Nội dung quyết định xác định đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can nên đình chỉ điều tra. Ông Nhàn được trả tự do sau hơn 4.000 ngày ngồi tù oan.
Về lý do vướng vòng lao lý, ông Nhàn từng cho biết ông là anh em họ của gia đình bà Ái nên thỉnh thoảng vẫn lui tới chơi ở căn nhà này. Trước khi xảy ra vụ án ít ngày, ông đến đây chơi và được chủ nhà nhờ lên phòng ngủ kê lại chiếc tủ gỗ. Ông không ngờ chính lần kê lại tủ trên để lại dấu vân tay của ông và cũng là nguyên nhân dẫn ông vướng vào vòng lao lý suốt hơn 4.000 ngày.
Ông Trương Bá Nhàn. |
Tháng 9/2006, ông Nhàn đã nộp đơn đến VKSND TP.HCM yêu cầu Cơ quan này trực tiếp xin lỗi công khai tại nơi tôi cư trú, đăng báo cải chính và bồi thường thiệt hại tổng cộng 5 khoản với số tiền 947 triệu đồng cho ông theo quy định.
Chiều 15/1, sau gần 8 năm chờ đợi, ông Nhàn được VKSND TP.HCM mời đến làm việc, thương lượng bồi thường oan sai. Tại buổi làm việc, ông Lê Anh Minh - Phó trưởng phòng 1A VKSND TP.HCM cho biết, sau khi nhận đơn của ông Nhàn, VKS đã có tờ trình với Ban chỉ đạo thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Sau khi xem xét đơn của ông, Ban chỉ đạo thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước chấp nhận khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại thông qua việc công khai xin lỗi trong hoạt động tố tụng hình sự; bồi thường thiệt do tổn thất về tinh thần với tổng số tiền hơn 225 triệu đồng.
Đối với các yêu cầu bồi thường 684,6 triệu đồng bao gồm các khoản mất thu nhập thực tế, thiệt hại về sức khỏe và các thiệt hại khác 29,4 triệu đồng, Ban chỉ đạo đề nghị ông Nhàn bổ sung các chứng từ, căn cứ chứng minh trong thời hạn 7 ngày tính từ ngày 19/1 tới.
Sau khi nghe VKSND phát biểu, ông Nhàn và luật sư đồng ý khôi phục danh dự như đã nêu trong đơn và chấp nhận thời hạn tạm giam (tính từ ngày 3/1/2012 đến ngày 9/9/2005) và thiệt hại do bị khởi tố, truy tố mà không bị tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, luật sư của ông Nhàn không đồng ý số ngày ông Nhàn bị giam oan là 4.038 đã tính mà phải xác định lại là 4.113 ngày mới đúng.
Sau khi thương lượng, ông Nhàn chấp nhận không yêu cầu các khoản thiệt hại về sức khỏe và một số khoản khác. Đối với thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, ông Nhàn cho biết ông không chứng minh được vì thời gian đã lâu không còn chứng từ. Do vậy, với khoản này ông yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước là mức lương tối thiểu 1,15 triệu đồng.
Như vậy, sau hơn 4.000 ngày ngồi tù oan và khoảng thời gian dài chờ đợi, đến nay yêu cầu của ông Trương Bá Nhàn mới được giải quyết. Đây cũng là một trong những vụ án oan được dư luận quan tâm với tên gọi vụ án dấu vân tay oan nghiệt.