Đoàn giám sát do ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn đã nghe các cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng báo cáo về việc tiếp nhận, xử lý hàng nghìn vụ án hình sự từ năm 2012-2014. Trong đó, Công an Sóc Trăng khởi tố 2.758 bị can và 1.895 người bị tạm giam.
Theo Công an Sóc Trăng, 3 năm qua toàn tỉnh có 40 vụ án được đình chỉ điều tra (52 bị can), 241 vụ tạm đình chỉ điều tra (206 bị can) và 89 vụ bị VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đối với cơ quan công tố, thời gian qua VKSND tỉnh Sóc Trăng truy tố 2.752 bị can, truy tố sai tội danh và khung hình phạt 11 người (6 vụ).
Ông Nguyễn Đình Quyền (trái), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng ngày 8/1. |
Một trong những vụ làm oan người vô tội mà dư luận đặc biệt quan tâm được các cơ quan tố tụng Sóc Trăng nêu ra là 7 người ở huyện Trần Đề. Vụ này 2 thiếu nữ giết lái xe ôm để cướp tài sản nhưng 6 thanh niên vô tội bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Giết người và một cô gái vướng lao lý vì bị cho là Không tố giác tội phạm.
"Lý do làm oan là kiểm sát viên thụ lý không thực hiện đúng quy chế kiểm sát điều tra. Khi có 2 người không nhận tội, kiểm sát viên không trực tiếp lấy lời khai, không tiến hành một số hoạt động điều tra, không phát hiện oan sai nên đề xuất phê chuẩn khởi tố, tạm giam 7 bị can", báo cáo của VKS nêu.
Còn báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng thì cho rằng quá trình điều tra vụ án này đã áp dụng sai quy định của pháp luật, tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra. Từ đó dẫn đến sơ xuất, chủ quan, nóng vội, áp lực điều tra án, không xem xét hết các tình tiết gỡ tội cho các nghi can.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Trần Khắc Tâm (đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho biết vụ án oan ở huyện Trần Đề có 2 điều tra viên bị khởi tố về hành vi Dùng nhục hình là Triệu Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Quân. Từ đó vị đại biểu Quốc hội này kiến nghị đoàn giám sát rút hết hồ sơ mà 2 người này tham gia điều tra để làm rõ xem có thêm người nào bị dùng nhục hình hay không.
Liên quan vụ án oan, ngoài ông Quân và ông Hưng còn có nguyên kiểm sát viên Phạm Văn Núi bị khởi tố nhưng được tại ngoại về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với ngành công an, có 25 cán bộ, chiến sĩ bị kiểm điểm, kỷ luật.
Thạch Sô Phách kể bị điều tra viên dùng nhục hình nên anh không phạm tội phải khai giết người. |
Hơn một năm trước, ngày 6/7/2013, người dân xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề phát hiện thi thể xe ôm Lý Văn Dũng nằm chết trên đường. Quá trình truy tìm thủ phạm, công an Sóc Trăng bắt tạm giam các nghi can Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Văn Đỡ, Trần Cua, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc (cùng ngụ huyện Trần Đề) để điều tra hành vi Giết người. Bạn gái của Đỡ là Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, nhân viên quán nhậu) cũng bị bắt về hành vi Không tố giác tội phạm.
Khi vụ án sắp kết thúc điều tra thì tháng 12/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến cơ quan công an tại TP.HCM đầu thú. Người này thừa nhận đã thông đồng với Phan Thị Kim Xuyến (16 tuổi, ngụ huyện Trần Đề) để giết ông Dũng để cướp tài sản.
Sau khi di lý cả 2 về Sóc Trăng điều tra làm rõ, VKSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với 7 bị can đã bắt trước đó và tất cả được đình chỉ điều tra.
Ngày 19/8, Xuyến bị TAND tỉnh Sóc Trăng phạt 12 năm tù về tội Giết người và Cướp tài sản. Đối với Duyên, lúc xảy ra vụ án người này chưa đủ 14 tuổi nên quan tố tụng ở Sóc Trăng đưa vào trường giáo dưỡng.