Các đầu ngón tay của bệnh nhân vẫn còn vết thương do người vợ dùng lưỡi dao lam cắt vào để chữa đột quỵ. Ảnh: BSCC. |
Câu chuyện được PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), chia sẻ sáng 1/3.
Trước đó, người đàn ông 60 tuổi, ở Bình Dương, đột ngột liệt 1/2 người bên phải. Sau khi tham khảo thầy thuốc “online”, người vợ và cô em liền ”cấp cứu” cho chồng bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt.
Dù đã làm đúng quy trình được mách bảo, hai bàn tay bệnh nhân tứa máu nhưng tình trạng liệt vẫn không thay đổi.
Ngay sau đó, người vợ quyết định đưa chồng đến bệnh viện huyện và được chuyển tiếp ngay lên Bệnh viện Nhân dân 115.
"Thời điểm được chuyển đến với chúng tôi, cũng đã hơn 6 giờ kể từ lúc khởi phát triệu chứng. Bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa và được can thiệp ngay sau đó, may mắn vẫn được cứu kịp thời", PGS Thắng chia sẻ.
Ngày xuất viện, PGS Thắng cạnh bên, dặn dò bệnh nhân bỏ thuốc lá và uống thuốc thường xuyên. Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM khẳng định hiện không có phương pháp nào chữa đột quỵ bằng cách dùng dao lam cứa sâu vào các đầu ngón tay.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, đột quỵ có thể nhận biết. Nếu một người nhận biết được những triệu chứng của đột quỵ, có thể chẩn đoán được gần như 90%.
Hầu hết triệu chứng khởi phát là yếu, liệt nửa người cùng bên; đột ngột méo miệng, nói không rõ, đớ. Khi thấy bản thân hoặc người thân có 3 triệu chứng này, khả năng rất cao là đột quỵ.
Khi phát hiện người đột quỵ, người thân không nên can thiệp bất cứ điều gì mà chỉ cần đưa họ đến bệnh viện cấp cứu.
Đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa một cách hiệu quả nếu kiểm soát chặt chẽ và lâu dài các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, hút thuốc lá, béo phì...
“Một số người quan niệm đột quỵ là trời kêu ai nấy dạ, nếu xui thì bị. Điều này không đúng. Không phải tự nhiên mà một người bị đột quỵ, mà trên 90% bệnh nhân đột quỵ đều có nguyên nhân”, PGS Thắng nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ đang tăng nhanh ở cả 2 giới và các lứa tuổi. Y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ trong điều trị và cứu sống bệnh nhân, tuy nhiên, trên 50% người bị đột quỵ vẫn phải gánh chịu nhiều di chứng sau khi xuất viện.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.