Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông nôn ra máu, suýt chết sau 5 ngày uống rượu triền miên

Mới đây, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, vừa cứu sống bệnh nhân bị toan chuyển hóa máu sau 5 ngày uống rượu liên tục.

Bệnh nhân T.Q.K. (33 tuổi, Long Biên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng kích thích, nôn nhiều, đau bụng thượng vị, khát, đòi uống nước liên tục.

Qua thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ nhận thấy tình trạng có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Anh K. nhanh chóng được lọc thận nhân tạo cấp cứu, bổ sung dịch bằng nhiều đường truyền và gửi mẫu máu lên tuyến trên làm xét nghiệm rượu cồn công nghiệp. 

Sau 2 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân giảm kích thích, đỡ khát, nôn, bắt đầu có nước tiểu. 12 giờ sau, sức khỏe anh K. đã ổn định. Kết quả xét nghiệm methanol là âm tính.

non ra mau vi uong ruou anh 1
Bệnh nhân K. được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân K. cho biết 5 ngày gần đây uống rượu liên tục, không ăn uống. Nửa đêm tỉnh giấc, anh cũng uống rượu rồi ngủ tiếp. Sau khoảng 3-4 ngày, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nôn khi uống. Ngày thứ 6, chân tay anh run, không tự chủ được bản thân, nôn ra dịch lẫn máu.

Bệnh nhân cũng cho hay có tiền sử nghiện rượu, chảy máu dạ dày mới khỏi.

Bác sĩ Trần Thị Oanh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, cho biết bệnh nhân uống rượu nhiều sẽ có các triệu chứng như nôn, loạn thần, mất nước, dẫn đến suy thận chức năng, rối loạn toan kiềm… Những trường hợp như của bệnh nhân K. cách xử trí nhanh nhất là tích cực truyền dịch, cân bằng toan - kiềm, an thần. Bên cạnh đó, tùy theo tình trạng bệnh nhân và các kết quả xét nghiệm máu sẽ có hướng điều trị tiếp theo.

Cho đến nay, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe. Nguy cơ và hậu quả của rượu đến sức khỏe phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, đặc tính sinh học của từng cá thể. Người lạm dụng rượu có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cấp tính và lâu dài.

'Thuốc giải rượu' - bảo vệ gan hay chỉ là chiêu quảng cáo?

Hiện nay, nhiều loại dược phẩm được giới thiệu là "thuốc giải rượu", giúp bảo vệ và phục hồi gan. Liệu chúng có tác dụng như lời quảng cáo?


Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm