Tuần qua, các bác sĩ của khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 36 tuổi, tới khám do phát hiện khối sưng và cảm giác đau tức vùng bẹn trái.
Trước đó, người này đã lập gia đình và có 3 con. Tuy nhiên, bệnh nhân cho biết ông đã không có tinh hoàn bên trái từ nhỏ.
"Tôi tự tìm hiểu và biết bản thân bị ẩn một bên tinh hoàn trái. Tuy nhiên, do khá ngại và có phần chủ quan nên tôi chưa từng đi khám hay điều trị", người đàn ông này cho hay.
Tuy nhiên, 2 tuần gần đây, ông bắt đầu có cảm giác đau tức, nổi khối cứng ở vùng bẹn trái. Khối cứng này sau đó tăng dần kích thước, buộc ông phải đi khám.
Hình chụp X-quang khối u tinh hoàn của bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị khuyết một bên tinh hoàn trái, xuất hiện một khối cứng chắc, ấn đau tức vùng bẹn trái. Các xét nghiệm, hình ảnh chụp cộng hưởng từ sau đó cho thấy khối sưng này chính là tinh hoàn đã bị ung thư hóa.
Đáng nói hơn, khối u đã di căn tới nhiều vị trí vùng chậu và ổ bụng. Do đó, ông được chỉ định phẫu thuật cắt u tinh hoàn, nạo vét hạch và phải phối hợp điều trị hóa chất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hoài Bắc, khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ẩn tinh hoàn là bệnh lý bẩm sinh, xuất phát từ việc tinh hoàn không di chuyển xuống vị trí bình thường tại bìu. Thay vào đó, chúng nằm bất thường ở nhiều vị trí khác như ống bẹn, đùi, trước xương mu, trong ổ bụng, trước bàng quang,....
Ẩn tinh hoàn là bệnh lý khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 3-5% ở trẻ đủ tháng và 30-45% với trẻ sinh non.
Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng ẩn tinh hoàn là rối loạn nội tiết tố, bất thường di truyền hay cấu trúc giải phẫu, sinh non, thiếu cân,....
"Tinh hoàn ẩn nếu không được can thiệp phẫu thuật hạ xuống bìu sớm trước 18 tháng tuổi có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như teo, xoắn hay chấn thương tinh hoàn, ảnh hưởng tới tâm lý và rất nguy hiểm với nguy cơ tinh hoàn ẩn tiến triển thành ung thư cao gấp 10 lần người bình thường", tiến sĩ Bắc nói.