Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông sốt cao nhiều ngày do bị mò cắn

Bệnh nhân cho biết đã sốt 7 ngày liên tục, đau đầu, không nôn, mệt mỏi, ở nhà truyền dịch 3 ngày không đỡ.

Sốt mò là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Orientalis tsutsugamushi (thuộc họ Rickettsia). Ảnh: Depensez.

Khoa Nội Hô hấp - Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân nam 42 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, làm nghề nông dân vào viện vì sốt cao ngày thứ 7.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, đau ngực khi hít vào. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã sốt 7 ngày liên tục, đau đầu, không nôn, mệt mỏi, ở nhà truyền dịch 3 ngày không đỡ.

Sau khi nhập viện, người đàn ông này được chỉ định các xét nghiệm cấp cứu, chụp CT ngực không tiêm thuốc cản quang. Bệnh nhân tỉnh, thể trạng trung bình, da niêm mạc hồng, vùng hố nách bên phải có một vết loét đáy khô sạch màu đen kích thước 1 x 0,5 cm, sốt cao 38,5 độ C. Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết loét khô màu đen, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân sốt cao do mò cắn. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh cắt sốt, được ra viện.

Sốt mò là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Orientalis tsutsugamushi (thuộc họ Rickettsia) và lây sang người thông qua ấu trùng mò. Các loại ấu trùng mò này thường có ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, đặc biệt là loài chuột, chim hoặc gia súc, gia cầm.

Thời gian ủ bệnh là 6-20 ngày (trung bình 10 ngày). Khởi phát, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ, ho, tiêu chảy, đau bụng buồn nôn và nôn, có vết loét, nổi hạch vùng phát ban dát sẩn, đôi mắt đỏ. Trường hợp nặng có thể nhiễm khuẩn huyết, viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, thậm chí tử vong.

Bệnh sốt mò không lây từ người sang người, chỉ lây khi thông qua vết cắn của con bọ chét nhiễm tsutsugamushi. Ấu trùng là giai đoạn duy nhất có thể truyền bệnh cho người.

Bệnh có thể lây lan vào nhiều cơ quan thông qua các tế bào nội mô và đại thực bào, dẫn đến sự phát triển của biến chứng gây tử vong. Tỷ lệ tử vong là 6,1-25 % ở Đông Nam Á.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là không để ấu trùng mò cắn đốt, bằng cách tiêu diệt ổ dịch, phát quang bụi rậm. Người làm việc và sinh hoạt ở những nơi có nhiều lùm cây cần che chắn cẩn thận, thoa thuốc diệt côn trùng lên da và giặt sạch quần áo sau một lần sử dụng.

Nếu thấy có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt ve mò, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để tìm vết loét mò đốt đặc trưng. Ngoài ra, người dân cần lưu ý không được chủ quan chữa bệnh tại nhà. Sốt mò không chữa trị kịp thời sẽ gây suy đa tạng với các biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.

Người phụ nữ bị rắn lục cắn khi ra vườn

Khi vào viện, người bệnh tỉnh, bàn tay, cẳng tay bên trái sưng nề to, đau nhức nhiều.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm