Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chia sẻ hiện nhiều nam giới đã chủ động triệt sản (thắt ống dẫn tinh) nhằm tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn cho vợ.
Mới đây, bác sĩ Cường tiếp nhận bệnh nhân nam (29 tuổi, trú tại Hà Nội) tìm tới để triệt sản. Bệnh nhân còn khá trẻ và mới có một con. Điều đó khiến bác sĩ Cường rất bất ngờ.
Bệnh nhân kể cách đây 6 tháng, anh chứng kiến vợ suýt mất mạng vì vết mổ cũ trong lần thứ 2 mang thai. Để vợ không gặp nguy hiểm, anh đã đưa ra quyết định này.
Thạc sĩ Cường cho hay mỗi tháng, Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận khoảng 20 trường hợp triệt sản nam, độ tuổi 30-45, đa phần đã có 2-3 con. Thậm chí, nhiều tình huống vợ bắt chồng đi triệt sản vì tính lăng nhăng, tránh có con rơi.
Bác sĩ này cho biết trước đây, việc triệt sản nam diễn ra ồ ạt, thiếu khoa học và để lại nhiều tai biến. Hiện đây là biện pháp an toàn nếu được thực hiện ở bệnh viện chuyên khoa.
Mỗi tháng, Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận khoảng 20 trường hợp triệt sản nam. Ảnh: BSCC. |
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận - Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội), cũng khẳng định triệt sản hoàn toàn không ảnh hưởng đến ham muốn của nam giới.
"Về bản chất, khi phẫu thuật triệt sản ở nam, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bìu, kéo đoạn ống dẫn tinh ra, sau đó kẹp, cắt rời và buộc hoặc đốt ở 2 đầu", ông giải thích.
Theo bác sĩ Liên, ham muốn được quyết định bởi 2 hoạt chất trong cơ thể gồm nội tiết tố nam testosterone và chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Trong đó, testosterone chủ yếu được sản xuất tại tinh hoàn, phần nhỏ ở tuyến thượng thận và không bị ảnh hưởng bởi ống dẫn tinh.
Khả năng cương cũng không liên quan ống dẫn tinh. Nó là tình trạng huyết động liên quan yếu tố kích thích tại chỗ và tác động từ hệ thần kinh trung ương. Hiện tượng này được điều hòa bằng khả năng giãn các động mạch hang và cơ trơn của thể hang. Sau khi thắt ống dẫn tinh, tinh dịch lúc này sẽ không còn tinh trùng nên người phụ nữ không thể thụ thai.
Phương pháp triệt sản có tính chất vĩnh viễn. Nếu muốn có con trở lại, người đàn ông phải phẫu thuật nối ống dẫn tinh hoặc lấy tinh trùng từ mào tinh để thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo bác sĩ Liên, đối tượng chủ yếu có nhu cầu triệt sản là những người đã đủ con và không muốn sử dụng các biện pháp tránh thai khác.
Dù có hiệu quả tránh thai cao, phương pháp triệt sản ở nam vẫn có một số trường hợp chưa phát huy được hiệu quả. Chẳng hạn, khi "yêu" quá sớm sau phẫu thuật (khoảng 3 tháng) và không sử dụng biện pháp an toàn, tinh trùng vẫn tồn tại trong túi tinh dẫn đến mang thai.
Do đó, bác sĩ Liên khuyến cáo trong 3 tháng đầu sau triệt sản, nam giới nên sử dụng biện pháp tránh thai khác. Ngoài ra, ông nhấn mạnh nam giới có nhu cầu triệt sản nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa, uy tín để được khám và tư vấn kỹ lưỡng.