Trưa 25/8, Lê Duy Thảo, 26 tuổi, cư dân phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) bất chợt nhận được cuộc điện thoại từ số lạ.
"Chị Thảo phải không? Mời chị ra ngoài nhận thực phẩm nhé", đầu dây bên kia dõng dạc nói.
Ngay khi mở cửa, Thảo ngạc nhiên khi thấy một chiến sĩ bộ đội và một dân quân đứng trước nhà, tay xách vài túi rau củ, thịt cá mà cô đặt theo chương trình đi chợ hộ ở địa phương.
"Tôi nghĩ phải vài ngày nữa mới nhận được thực phẩm, không ngờ chỉ mất gần một ngày đã được giao tới", Thảo chia sẻ với Zing.
Số thực phẩm được giao đến nhà Thảo. |
Bất ngờ khi được bộ đội "đi chợ hộ"
Trước đó, tối 24/8, Thảo tham gia nhóm Zalo "Đi chợ giúp dân" do Phòng Kinh tế quận Tân Phú thành lập. Cô cho biết quy trình đặt hàng khá đơn giản, chỉ cần điền đầy đủ thông tin cá nhân, lựa chọn combo hàng hóa mình muốn là hoàn tất.
"Tôi mua combo có giá 473.000 đồng, gồm thịt cá, rau củ đủ ăn trong vòng 10 ngày. Vài hôm trước, tôi không ra ngoài tích trữ vì lo ngại dịch bệnh. Giờ có đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm rồi nên tôi thấy yên tâm ở nhà hơn", Thảo nói.
Chiến sĩ bộ đội và dân quân mang thực phẩm đến nhà Thảo. |
Thảo cho biết điều khiến mình ngạc nhiên nhất là hàng hóa được giao tới tận nhà khá nhanh chóng.
"Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, tôi cứ tưởng phải 3-4 ngày sau mới được nhận hàng. Thế mà chỉ một ngày, tôi đã được các chiến sĩ giao đến thực phẩm tận nhà, tôi thấy vui lắm", cô kể.
Hoá đơn được gửi đến mẹ Phương cùng túi thực phẩm. |
Lan Phương (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cũng có trải nghiệm tương tự.
Khi thành phố quyết định siết chặt biện pháp phòng dịch, cô khá lo lắng cho ba mẹ và em gái hiện sống ở phường 7, quận Gò Vấp, sợ cả nhà thiếu thực phẩm.
Vì thế, tối 24/8, Phương tham gia vào nhóm chat do siêu thị trên địa bàn phường 7 thành lập và đăng ký mua hàng giùm ba mẹ.
Ngay chiều hôm sau, hàng hóa được giao tới tận nhà.
Phương càng bất ngờ hơn được biết người sắp xếp đơn hàng cho gia đình mình chính là các chiến sĩ bộ đội.
Giảm nhu cầu cá nhân trong dịch
Khoảng 3 tháng nay, gia đình 4 người nhà chị Bảo Ngọc (42 tuổi, ngụ ở phường 15, quận Bình Thạnh) chỉ ở yên trong nhà, hạn chế ra đường nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Khi biết tin người dân không được ra ngoài đi chợ 2 lần/tuần như trước đây, chị không quá bất ngờ mà bình tĩnh tìm hiểu thông tin về hoạt động "đi chợ hộ".
"Dịch bệnh hoành hành nên nhiều thứ bất tiện. Dù vậy, tôi nghĩ việc siết chặt giãn cách là cần thiết, mỗi người chịu khó một chút thì mới sớm dập dịch được. Dịch dã kéo dài, ai cũng khổ", chị nói với Zing.
Trước đó, gia đình chị cũng chuẩn bị đủ thực phẩm dùng trong vòng 2 tuần, song rau xanh, trái cây khá khó bảo quản.
Chị Bảo Ngọc giảm thiểu nhu cầu ăn uống trong dịch. |
Gia đình chị được phát phiếu đăng ký đi chợ hộ vào tối 23/8. Ngay sáng hôm sau, chị lập tức đặt thử, gửi phiếu cho tình nguyện viên địa phương và nhận được hàng ngay trong chiều hôm đó.
Nhằm chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, chị đặt 10 kg gạo và bột mì, tuy nhiên chỉ nhận được gạo.
"Tôi nghĩ do khó tìm nguồn hàng nên chỉ có gạo, nhưng như vậy là đủ rồi. Mùa dịch khó khăn, mỗi người tự giảm nhu cầu của mình xuống, đợi lúc bình thường rồi mua sắm thoải mái sau”, chị nói.
Trước ngày thành phố thực hiện quy định người dân không được tự đi chợ, chị Nguyễn Quyên (phường Tân Thới Hiệp, quận 12) cũng đã dự định tích trữ nhiều thực phẩm trong nhà.
Tuy nhiên, chị cho biết do các siêu thị đều quá đông đúc, chị lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh nên không ra đường. Ngoài ra, chị cũng nhận thông tin rằng địa phương có chương trình đi chợ giúp dân nên đặt kỳ vọng vào đây.
"Ngày 25/8, tôi đặt mua thực phẩm thông qua Hội phụ nữ phường. Khi đó, phường tôi vẫn nhận đi chợ hộ theo đơn đặt hàng riêng của từng gia đình.
Tôi gọi điện đến số điện thoại được hướng dẫn, đăng ký mua khoảng 15 loại thực phẩm bao gồm rau cải bẹ, cải ngọt, gạo nếp, chuối, bún, khoai mỡ, bột năng… Nhưng khi các chị tình nguyện viên của phường đến siêu thị, đa số mặt hàng tôi cần đều đã hết", chị kể.
Chị Quyên chia sẻ mình rất bất ngờ khi thấy đội đi chợ của phường mua sắm rất nhanh.
Chỉ khoảng hơn 1 tiếng sau khi đặt hàng, chị đã được giao thực phẩm đến tận nhà bao gồm thịt heo, trứng và khoai lang. Nhìn hóa đơn, chị thấy rằng giá cả không có nhiều biến động so với trước dịch.
"Dù các chị cán bộ phường chỉ mua được 1/3 số mặt hàng theo đơn của tôi nhưng họ rất nhiệt tình và chu đáo. Khi ở siêu thị, thấy các mặt hàng tôi cần đã hết, họ đã đưa điện thoại để nhân viên siêu thị gọi điện cho tôi, báo về tình trạng hết hàng và gợi ý mua món đồ khác thay thế", chị cho hay.
Mâm cơm của gia đình chị Quyên nấu từ thực phẩm được Hội phụ nữ đi chợ hộ. |
Chị chia sẻ trong tuần sau, chị sẽ tiếp tục nhờ phường đi chợ giúp. Theo chị, phường Tân Thới Hiệp đã có kế hoạch chuyển sang hình thức đi chợ theo combo, chị cho rằng những combo này không phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, tuy nhiên vẫn sẽ đăng ký.
"Đăng ký theo combo là cách làm thuận tiện. Tôi mong phường và siêu thị có thể thiết kế nhiều loại combo đa dạng hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình", chị nói.
Từ ngày 23.8, người dân tại TP.HCM được lực lượng chức năng giúp "đi chợ hộ", đây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP.HCM thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ" do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố...), công an, quân đội với tần suất 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp đến người dân và người dân trả tiền.