Ông Lê Huyền, Chủ tịch huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), cho biết huyện vẫn đang họp bàn để thống nhất giống cây trồng chuyển đổi cho người dân sản xuất tại khu vực bị cắt nước để thu hồi đất thuộc xã Nhị Hà.
Người dân vẫn đang ngóng chờ nước để sản xuất khi vụ Đông - Xuân sắp kết thúc. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Theo đó, khu vực trên đang được tổ chức triển khai xử lý những vi phạm theo quyết định thanh tra của tỉnh. Toàn bộ diện tích phải xử lý là 610 ha. Huyện đã giao xã phải hoàn thành trong quý I/2018, sau đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày kết hợp với cây dài hạn.
Ông Huyền nói nếu huyện chủ động mở nước đưa vào sản xuất thì những hộ lấn chiếm lợi dụng để cải tạo đất, thay đổi hiện trạng và canh tác dẫn đến khó khăn cho việc xử lý.
“Chúng tôi đã chỉ đạo xã nhanh chóng họp bàn để xác định giống cây trồng chuyển đổi cho người dân, sau đó sẽ có kế hoạch điều tiết nước sản xuất. Lãnh đạo huyện sẽ làm việc trực tiếp với xã để đôn đốc việc này”, ông Huyền cho biết.
Ruộng đồng thiếu nước khô cằn. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Tuy nhiên, trong khi chính quyền vẫn chưa xác định được giống cây trồng chuyển đổi, hàng chục hộ dân nơi đây đang ngóng chờ nước để sản xuất. Theo kinh nghiệm của người dân, thời điểm xuống giống vụ Đông - Xuân bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 12 âm lịch. Nếu xuống giống trễ, hoa màu sẽ khó sống vì nắng gắt và năng suất sẽ rất thấp.
“Chúng tôi vẫn chưa thấy chính quyền mở nước để sản xuất, trong khi đã gần hết vụ, nếu để qua Tết thì làm sao cây trồng sống nổi mà xuống giống”, ông Trần Kỳ Thái, người dân xã Nhị Hà, bức xúc.
Trước đó, Zing.vn đã phản ánh việc huyện Thuận Nam cắt nước kênh Nam hồ Sông Biêu để thu hồi đất bị lấn chiếm, làm hàng trăm ha đất của người dân nơi đây bị bỏ hoang. Cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn, một số hộ dân phải lượm phân bò mưu sinh.
Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận đã yêu cầu Huyện ủy Thuận Nam báo cáo, làm rõ nội dung mà Zing.vn phản ánh.
Người dân xã Nhị hà tiếp tục kêu cứu vì không có nước sản xuất. Ảnh: Google Maps. |