Sáng 24/12, ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, nhận định điều này tại buổi họp báo nhằm chuẩn bị cho Chương trình Chuyển đổi số Y tế Quốc gia 2020 (diễn ra vào 29-30/12).
Theo ông Đức, website ncov.moh.gov.vn là sản phẩm đầu tiên của công nghệ thông tin được ứng dụng.
"Trong những tháng đầu năm khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân rất hoang mang cùng nhiều câu hỏi về căn bệnh này. Nhận thức được nhu cầu đó, chúng tôi đã xây dựng nền tảng truyền thông với website này để giải quyết mọi thắc mắc của người dân. Tất cả thông tin liên quan phòng dịch, giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ đều có mặt trên trang", ông Đức cho hay.
Ông Hà Anh Đức trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: QT. |
Bên cạnh đó, các ứng dụng truy vết như khai báo y tế trực tuyến, phần mềm bluezone…, góp phần quan trọng trong việc phát hiện các trường hợp nghi nhiễm. Hiện Bộ Y tế cũng trong quá trình phát triển một bản đồ về mức độ an toàn của Covid-19 và phần mềm quản lý toàn diện người nhập cảnh.
Trả lời về vấn đề tiếp cận với người dân tại vùng sâu, vùng xa, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, thừa nhận có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã xây dựng hệ thống chuyển đổi số và thường xuyên đề xuất các chính sách liên quan nhóm đối tượng này.
Theo đó, chúng ta đã đẩy mạnh ứng dụng thông tin ở tuyến cơ sở - nơi gần người dân nhất. Văn phòng Bộ Y tế phối hợp các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tại đây và xây dựng mỗi trạm tại các xã có phần mềm quản lý tổng thể người dân. Bộ Y tế cũng triển khai thông kê y tế điện tử xuất phát từ y tế cơ sở tới huyện, tỉnh và Trung ương.
“Chúng tôi đã xây dựng thống kê y tế điện tử trên 36 tỉnh, thành. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tại toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước”, ông Tường nói.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang hướng đến triển khai sáng kiến “mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với sự hỗ trợ của hồ sơ sức khỏe điện tử và hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Dù có nhiều giải pháp để tiếp cận, ông Tường cũng nêu ra vấn đề lớn là người dân tại một số địa phương thậm chí chưa có mạng hay điện thoại thông minh để quá trình ứng dụng công nghệ trong y tế thành công.
“Theo báo cáo của y tế cơ sở, chỉ còn 66/114.000 xã chưa có mạng Internet. Chúng tôi đang xây dựng chính sách để mỗi người dân có một điện thoại thông minh. Với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, chúng ta có thể phát hoặc bán giá rẻ smart phone cho người dân tại vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng để lại nhiều câu hỏi khi chưa thể xác định người dân có sử dụng đúng mục đích khám, chữa bệnh hay không”, ông Tường cho hay.
Nhằm giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng nếu ngành y tế có những nội dung tốt, người dân được giải đáp thông qua các ứng dụng, họ sẽ tin tưởng, nhận thức được tác dụng của nó, qua đó sử dụng điện thoại đúng mục đích.
Ngoài ra, ông Tường còn nêu ra một số khó khăn nhất định của chuyển đổi số y tế nói chung như thể chế dành cho lĩnh vực này chưa đầy đủ, yếu tố tài chính với kinh phí cho công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập. Đặc biệt, ông nhấn mạnh về khó khăn trong thay đổi thói quen làm việc từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.