Sau thời gian thử nghiệm, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai rộng rãi “Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025” trên toàn quốc. Mới đây, lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa đã được tổ chức. Đề án hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho ngành y tế, tuy nhiên vẫn chứa đựng nhiều khó khăn và thách thức.
Kế hoạch và sự lãnh đạo của Bộ Y tế
Chỉ trong 2 tháng, hơn 1.000 cơ sở y tế trên cả nước đã được kết nối trực tuyến để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Kết quả này thể hiện rõ năng lực và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế với các đơn vị phụ trách trong việc triển khai đề án Telehealth.
Tại sự kiện ngày 25/9, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, cho biết: “Trong thời gian tới, khi hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa được thực hiện, chúng ta sẽ cần thay đổi các quy chế để phù hợp với hình thức mới”.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - phát biểu tại 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa. |
Trong đề án này, các vấn đề về bảo mật cho người bệnh, y đức hay quy trình thực hiện gồm không gian hội chẩn, báo cáo dữ liệu cận lâm sàng, thông tin lịch sử điều trị của người dân đã nhận được quan tâm và đưa ra quy định chặt chẽ.
Ngoài ra, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính và kêu gọi các đơn vị bảo hiểm vào cuộc. Trong tương lai, viện phí thông qua hình thức Telehealth, hình thức thanh toán, chi phí bảo trì thiết bị… sẽ được giải đáp rõ ràng hơn.
Quan điểm y khoa và tinh thần sẵn sàng chuyển đổi
Theo đại diện đề án Telehealth, trước đây, hầu hết y bác sĩ đều làm việc trên quan đến “nhìn - sờ - gõ - nghe “, thực hiện thăm khám trực tiếp và chẩn đoán cho bệnh nhân. Phương pháp này giúp các bác sĩ nắm bắt chính xác triệu chứng của bệnh cũng như sức khỏe tổng quan của bệnh nhân.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện có đầy đủ nền tảng công nghệ điện tử, trang thiết bị giúp bác sĩ thực hiện những phương pháp kiểm tra và đánh giá toàn diện sức khỏe bệnh nhân.
Sự bỡ ngỡ ban đầu khi chuyển từ thói quen làm việc truyền thống sang hình thức khám, chữa bệnh từ xa có thể khắc phục khi các bác sĩ có thời gian làm quen, thực hành thuần thục. Qua đó, các bác sĩ sẽ dần hình thành những kỹ năng cần thiết khi áp dụng phương pháp mới này.
Đối với đội ngũ y tế ở tuyến dưới, Telehealth là cơ hội cải thiện kỹ năng thực tế cũng như kiến thức. Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả, bản thân các bác sĩ tại đây cần có tư duy mở và sẵn sàng học hỏi.
“Các thầy thuốc tuyến trên phải có trình độ cao hơn để hỗ trợ tuyến dưới. Các bác sĩ tuyến trung ương cần thường xuyên trau dồi kiến thức, sẵn sàng trí lực để hỗ trợ tuyến dưới xử lý kịp thời và hiệu quả mọi ca bệnh. Nếu thời gian làm việc theo quy định là 8 giờ, mỗi bác sĩ tuyến trên có thể dành một giờ để giúp tuyến dưới”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định.
Yếu tố công nghệ đóng vai trò quyết định
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Telehealth đã được triển khai cách đây khoảng 10 năm. Tuy nhiên, đề án này chưa đồng bộ và lan tỏa rộng rãi như hiện tại do nền tảng công nghệ chưa đủ đáp ứng. Một trong những quyết định tạo nên bước ngoặt thành công của Telehealth thời gian qua là Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ y tế.
Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn thực hiện ca mổ với sự hỗ trợ trực tuyến của các bác sĩ tại BV Trung ương Thái Nguyên thông qua giải pháp KCB từ xa. |
Bên cạnh nền tảng kết nối công nghệ thông tin, hiệu quả của Telehealth thực sự được phát huy nhờ những giải pháp chuyên sâu như Tele-ICU, Tele-ECG, CLAS Healthcare EMR, PACs… do VMED Group phát triển.
Trong đó, Tele-ICU - giải pháp hồi sức cấp cứu từ xa đã chứng minh hiệu quả khi giúp bác sĩ tại bệnh viện địa phương tận dụng thời điểm quan trọng trong cấp cứu, giúp bệnh nhân thoát cơn nguy kịch mà không phải chuyển tuyến. Cuối tháng 7 vừa qua, một bệnh nhân bị thủng dạ dày tại Côn Đảo đã được các bác sĩ cứu sống nhờ Tele-ICU.
Hệ thống Tele-ICU kết nối Trung tâm Y tế Côn Đảo và Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc VMED Group chia sẻ: “Điểm khác biệt nổi bật của giải pháp khám, chữa bệnh từ xa chuyên sâu nằm ở công nghệ chuyển tuyến số và kết nối dữ liệu bệnh nhân tuyến dưới đến trung tâm theo thời gian thực. Nhờ công nghệ này, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên, tuyến trung ương ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, với chi phí thấp hơn nhiều”.
Tele-ICU, Tele-ECG, CLAS Healthcare EMR, PACs… là những giải pháp khám, chữa bệnh từ xa chuyên sâu do VMED Group xây dựng và triển khai tại trung tâm khám, chữa bệnh từ xa. Các giải pháp này có thể áp dụng được cho nhiều đơn nguyên chuyên sâu như ICU-Hồi sức cấp cứu, tim mạch, ung bướu, ngoại, sản, nhi. Đây là công cụ hữu ích, giúp đội ngũ y bác sĩ dễ dàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, đồng thời hỗ trợ tích cực và liên tục cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bình luận