Lâm Đại Vũ (sinh năm 1990) và Huỳnh Hoàng Long (sinh năm 1993) - hai chàng trai chạy xe máy từ TP.HCM ra Hà Nội trong 28 giờ 30 phút hôm 27/2 - hẹn gặp Zing.vn sau khi trả lời phỏng vấn với một kênh truyền hình. Tôi đề nghị được ghi hình, nhưng cả hai từ chối vì "không muốn lộ mặt và dây dưa chuyện này thêm nhiều nữa". Với tâm lý ấy, họ bước vào cuộc phỏng vấn với đôi chút e dè.
Lâm Đại Vũ (trái) và Huỳnh Hoàng Long đi Ninh Bình ngay sau khi trả lời phỏng vấn. Cả hai chưa chắc có đi xe máy về TP.HCM hay không vì còn xem xét tình hình sức khỏe. |
Đi đêm giống như thói quen
Vừa trải qua chuyến đi mà thời gian trên đường gấp nhiều lần thời gian ăn ngủ, hai người cho biết điều này thực ra là một thói quen. Lâm Đại Vũ cho biết: "Hầu hết chuyến đi, mình đều đi đêm. Và trong hành trình, khi mệt mình đã dừng lại ngủ, đói thì nghỉ để ăn, hoàn toàn đảm bảo thể lực. Lái xe trên đường, cả hai đều giữ sự tỉnh táo, lấy tiêu chí an toàn lên hàng đầu, chứ mình không hề đày ải bản thân hay ép mình để vượt qua cột mốc thời gian nào".
Chị gái của vợ sắp cưới ở nước ngoài cũng trách
Trước câu hỏi về phản ứng của gia đình khi biết được chuyến đi này, cả hai chàng trai chỉ cười. Huỳnh Hoàng Long kể: "Chị gái vợ sắp cưới của mình đang ở nước ngoài cũng đọc được một số bài báo về hành trình này. Chị gửi bài báo đó cho vợ sắp cưới của mình và hỏi sao lại cho đi như thế, rồi khuyên không nên. Nhưng những chuyến đi đã quen thuộc với mình, và bạn gái khá tin tưởng, chỉ nhắc mình đi giữ an toàn".
Còn Đại Vũ cho rằng khi đã trưởng thành, mình tự phải biết điều gì nên làm hay không. Mỗi chuyến đi, anh đều biết giữ an toàn cho bản thân, ba mẹ không biết và anh cũng không muốn để bậc sinh thành phải lo lắng.
Lâm Đại Vũ từng đi nhiều cung đường với thời gian ngắn hơn mọi người thường nghĩ, nhờ đi đêm và đi đường ven biển - vừa rộng, lại vắng người. |
Lâm Đại Vũ tiết lộ đây không phải chuyến đầu tiên anh đi với tốc độ cao, thời gian ngắn hơn nhiều người vẫn đi. Anh từng thực hiện cung đường vịnh Vĩnh Hy (Khánh Hòa) - TP.HCM (khoảng 400 km) trong vòng khoảng 4 tiếng, và nhiều chuyến khác nữa.
Việc đi với thời gian ngắn, cường độ cao đã trở thành thói quen. Anh nói: "Mình đi vì đam mê và thử thách riêng của bản thân, chứ không quan tâm sự chú ý của dư luận".
Sẵn sàng chịu 'phạt nguội'
Cả Vũ và Long tuyên bố vẫn làm chủ được tay lái: "Khi đi trong đường thành phố, khu dân cư đông người thì mình vẫn đi với tốc độ 50 km/h. Tuy nhiên, mình thường tìm ra đường tránh và đường biển để đi. Đó là những đường khá thoáng và tốc độ hơn 100 km/h là có thể. Bình thường nếu đi đường vắng và đẹp thì mấy người mà không phóng nhanh hơn?", Hoàng Long đặt câu hỏi.
Khi biết nhiều người muốn yêu cầu cảnh sát "phạt nguội" mình vì đi quá tốc độ cho phép, Đại Vũ khá bất ngờ. Nhưng anh vẫn cho rằng nếu có chuyện đó xảy ra, anh sẵn sàng chịu phạt, vì "mình làm sai thì mình nhận và phải chịu trách nhiệm".
Không khởi nguồn phong trào
Khi nhận được câu hỏi "Cả hai bạn nghĩ sao nếu bắt đầu từ mình mà những chuyến đi nhanh tới khó tin mới bắt đầu rộ lên?", cả Huỳnh Hoàng Long và Lâm Đại Vũ đều lắc đầu: "Không hề!"
Lâm Đại Vũ khẳng định: "Việc đi với tốc độ cao và rút ngắn thời gian đi đường không phải bây giờ mới có. Những người đi nhiều giống tụi mình chắc cũng biết nhiều người chạy cung tương tự với khoảng thời gian tương đương. Điều quan trọng là họ đi và rất kín tiếng với báo chí, nên ít người biết. Mình không tạo ra phong trào, và cũng không muốn nó trở thành phong trào. Nếu bạn hỏi những người đi xe phân khối lớn thì việc họ đi tốc độ cả trăm km/h và chinh phục những cung đường dài trong thời gian ngắn hơn thông thường không lạ".
Kết thúc cuộc trò chuyện cũng như trong suốt cuộc phỏng vấn này, cả Đại Vũ và Hoàng Long đều nhắc đi nhắc lại: "Mình không khuyên hay cổ vũ cho bất cứ ai đi giống mình. Mỗi người tình trạng thể lực, sức khỏe, khả năng xử lý tình huống, không phải ai cũng có thể đi như thế. Khi đã trưởng thành, chúng ta phải biết điều gì là có thể hay không thể. Mình đi như thế nào cũng phải tâm niệm đi để trở về an toàn và không ảnh hưởng đến người khác".