Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người ghép tạng nên khám hậu Covid-19 sớm

Bác sĩ khuyên người ghép tạng cần tiêm đủ liều vaccine, dùng thuốc kháng virus theo chỉ định, kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết tỷ lệ người bệnh tử vong sau ghép tạng do Covid-19 trước đây cao (khoảng 20-30%). Tuy nhiên, với tác dụng của vaccine cùng thuốc điều trị Covid-19 (Molnupiravir, Favipiravir, kháng thể đơn dòng) tỷ lệ bệnh nhân tử vong giảm rõ rệt.

Tại Trung tâm Ghép tạng, các bác sĩ ghi nhận 200 bệnh nhân sau ghép nhiễm nCoV, ít người phải thở máy, không có ca tử vong.

Theo vị này, bệnh nhân ghép tạng nhiễm nCoV được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, khuyến cáo chung trên thế giới, trong đó, giảm liều thuốc ức chế miễn dịch, ức chế tăng sinh (mycophenolat/azathioprine) là biện pháp quan trọng.

Kham hau Covid-19 sau ghep tang anh 1

Các bác sĩ thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Qua quá trình điều trị, nhiều chuyên gia nhận định SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương phổi, thận, hệ tiêu hóa,… Một số bệnh nhân không có triệu chứng nhưng khi chụp X-quang, cắt lớp kiểm tra phổi vẫn phát hiện tổn thương.

Vì vậy, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người bệnh cần tiêm đủ liều vaccine, dùng thuốc kháng virus theo chỉ định, lưu ý kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 sớm để kịp thời phát hiện, điều trị các biến chứng có thể xảy ra, thường xuyên tập thể dục nâng cao sức đề kháng của cơ thể tránh nguy cơ tái nhiễm nCoV.

Với người ghép tạng mắc Covid-19, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân, chỉ định biện pháp điều trị cụ thể. Sau khi hết triệu chứng, bệnh nhân cần làm xét nghiệm xác định virus, tuân thủ cách ly theo quy định.

Cách giảm suy nhược, kiệt sức hậu Covid-19

Sau thời gian chiến đấu với Covid-19, nhiều người gặp phải tình trạng kiệt sức, suy nhược kéo dài, gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày.

Minh Thuý

Bạn có thể quan tâm