Sáng 24/4, 12 chiếc máy bay tư nhân chở theo giới siêu giàu Ấn Độ đã hạ cánh xuống Dubai ngay trước khi UAE cấm các chuyến bay từ quốc gia Nam Á này, theo Business Insider.
Trước đó một ngày, 8 chiếc máy bay tương tự cũng đã khởi hành từ New Delhi và hạ cánh xuống London chỉ vài tiếng trước khi Anh chính thức đưa Ấn Độ vào "danh sách đỏ".
Ấn Độ vỡ trận giữa "sóng thần" Covid-19. Ảnh: QZ. |
Số người bệnh, người tử vong lớn đến mức bệnh viện, nhà xác và bãi hỏa thiêu đều quá tải. Tình trạng khan hiếm oxy y tế nghiêm trọng khiến nhiều bệnh nhân phải dùng chung máy thở, một số người không qua khỏi ngay trước cửa bệnh viện.
Theo Fortune India, đại dịch đã nghiêm trọng đến mức tầng lớp siêu giàu - những người chưa từng bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, thiên tai - giờ đây cũng không còn được an toàn.
Chạy trốn ra nước ngoài trên những chuyến bay tư nhân đắt đỏ được coi là cách khả quan nhất. Còn nếu bị kẹt lại vì các chuyến bay đã tạm dừng, biên giới đóng cửa, nhiều người dần nhận ra giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ này, tiền bạc cũng không giúp họ mua được những đặc quyền giống trước đây.
Khi tiền không mua được oxy
Nói về cuộc tháo chạy của giới siêu giàu những ngày gần đây, nhà báo, nhà sử học Hindol Sengupta liên tưởng đến những vấn đề sâu xa hơn trong xã hội Ấn Độ: chênh lệch giàu nghèo và người giàu chỉ lo vun vén cho cuộc sống của mình.
“Thói quen xấu lâu đời ở Ấn Độ là chỉ cần giữ cho ngôi nhà của mình sạch sẽ, bạn có thể đổ rác ra ngay trước cửa. Thời điểm rác ở bên ngoài, nó đã là vấn đề của người khác. Ai quan tâm đến những người nghèo phải giải quyết hậu quả của nó khi mà những người khá giả vẫn có thể trốn trong nhà?”, ông Sengupta nói.
Trong những năm qua, người giàu đang ngày một giàu hơn nhưng sự phát triển, tiến bộ xã hội lại sụt giảm. Thay vì vận động cải thiện các dịch vụ công phục vụ mọi người dân, giới thượng lưu Ấn Độ và tầng lớp trung lưu đã tìm ra một con đường dễ dàng hơn: chi tiền mua các dịch vụ tư nhân.
Làn sóng Covid-19 khiến các bệnh viện ở Ấn Độ quá tải, cạn kiệt oxy. Ảnh: AFP. |
“Không cần quan tâm đến những gì xảy ra với phần còn lại của đất nước, họ thoải mái với những đặc quyền của riêng mình”.
Bất kể khủng hoảng là gì, điện nước, đường sá hay ô nhiễm không khí, người giàu chỉ cần vung tiền. Nếu ô nhiễm nghiêm trọng, họ mua bộ lọc không khí tại nhà và văn phòng. Thành phố thiếu an toàn, họ có thể thuê nhân viên bảo vệ riêng 24/7. Hệ thống y tế kém, họ tìm đến các bác sĩ tư nhân hoặc nhanh chóng ra nước ngoài điều trị…
“Giới nhà giàu Ấn Độ đã không hiểu được rằng không phải tư nhân hóa mọi thứ, xã hội ổn định, nơi đảm bảo những điều cơ bản nhất như sức khỏe, giáo dục cho mọi người, mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững”, ông Sengupta nói.
Thời điểm cứu rỗi
“Sóng thần” Covid-19 đang diễn ra được cho là một bước ngoặt. Giờ đây, ngay cả những bệnh viện độc quyền và đắt tiền nhất cũng cạn kiệt một thứ cơ bản như oxy.
Giới thượng lưu dần nhận ra họ không còn có thể bỏ tiền để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này và cũng không còn nơi nào để bay đến bởi vì hầu hết quốc gia như Canada, UAE, Thái Lan, Maldives, Anh đều lần lượt hạn chế du khách từ Ấn Độ.
Giới siêu giàu Ấn Độ chạy trốn ra nước ngoài trên máy bay tư nhân. Ảnh: Shutterstock. |
Nhà học thuật Abhinav Prakash cho rằng đây là thời điểm mà người dân Ấn Độ nhận thức sâu sắc hơn về sự bất bình đẳng trong xã hội và hướng đến những giải pháp cụ thể.
“Bảo hiểm y tế không thể giúp gì trong cuộc khủng hoảng sức khỏe nếu không có cơ sở hạ tầng. Cho dù bảo hiểm y tế của bạn có đắt tiền đến đâu, nó cũng vô nghĩa nếu bệnh viện hết giường, thiếu trang thiết bị, cạn kiệt oxy”, ông Prakash nói.
Ấn Độ và quan trọng nhất là tầng lớp trung lưu giàu có đang không ngừng phát triển cần nhận ra rằng các dịch vụ công mới là xương sống cho một xã hội thống nhất.
“Bạn có thể vứt rác ra bên ngoài, nhưng mùi hôi của rác vẫn xâm nhập vào cửa ra vào và cửa sổ đã đóng của bạn. Nó sẽ khiến bạn nghẹt thở.
Sự thay đổi lớn đến từ những thời điểm như bây giờ. Nếu những người giàu và tương đối giàu ở Ấn Độ nhận ra rằng tương lai của họ gắn liền với một hệ thống dịch vụ công tốt hơn, thì đây có thể là thời điểm cứu rỗi đất nước này”, nhà báo Sengupta viết.