Ngày 23/4, cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc đưa ra các quy tắc mới để điều chỉnh ngành livestream bán hàng đang bùng nổ ở nước này, Global Times đưa tin.
Theo các quy tắc được đăng trên trang web của Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), người phát trực tiếp sẽ phải cung cấp tên thật cũng như số tín dụng xã hội cho các nền tảng livestream.
Những thông tin nhận dạng này sau đó phải được chuyển đến cơ quan thuế địa phương. Người livestream cần phải trên 16 tuổi trừ khi có sự giám sát của người lớn.
Ngoài ra, các nền tảng livestream được yều cầu đẩy mạnh giám sát nội dung phát trực tiếp và phải xử lý ngay lập tức thông tin bất hợp pháp và sai lệch.
Lý Giai Kỳ được mệnh danh là "ông hoàng son môi" ở Trung Quốc. Ảnh: Baike. |
Các hành vi như quảng bá cờ bạc hoặc giả mạo lượt xem đều bị cấm. CAC cũng sẽ thiết lập một danh sách đen gồm những người phát trực tiếp thường xuyên vi phạm.
Quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/5, được cho sẽ hạn chế các hành vi sai phạm của người livestream, quảng cáo sai sự thật và hàng giả đang tràn lan trong ngành công nghiệp phát trực tiếp ở đất nước tỷ dân.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bán hàng trực tuyến phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Theo nền tảng phân tích chyxx.com, ngành thương mại điện tử phát trực tiếp ước tính trị giá gần 971 tỷ NDT (149 tỷ USD) vào năm 2020, cao hơn gấp đôi so với quy mô 443,8 tỷ NDT vào năm 2019.
Tại Trung Quốc, Taobao của Alibaba, Douyin của ByteDance và Kuaishou do Tencent hậu thuẫn đang dẫn đầu các nền tảng thương mại điện tử phát trực tiếp. Hàng trăm nghìn người trên khắp cả nước đang bán mọi loại hàng hóa thông qua livestream.
Những người phát trực tiếp nổi tiếng như "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ và "nữ hoàng livestream" Viya có khả năng đạt doanh số hàng triệu NDT chỉ trong một buổi livestream.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang bị tàn phá bởi đại dịch, ngành công nghiệp phát trực tiếp đóng một vai trò tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, thúc đẩy nhu cầu trong nước cũng như xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đang bộc lộ mặt tối khi nhiều người tiêu dùng cáo buộc một số người phát trực tiếp đã quảng cáo sai sản phẩm hoặc thậm chí bán sản phẩm giả mạo.
CAC cho biết bằng cách tăng cường giám sát mọi khía cạnh của hoạt động livestream, các quy định mới có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều tiết thị trường Internet, duy trì quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.