Sáng 27/5, sân bay Incheon tại Hàn Quốc ngập tràn cánh phóng viên. Họ không phải đến chào đón Kristen Stewart, mà đang chờ đợi bộ đôi Bong Joon-ho - Song Kang-ho chuẩn bị đáp xuống, dù cả ba hạ cánh gần như cùng lúc.
Trước đó khoảng hai ngày, Parasite - tác phẩm đánh dấu lần thứ tư cộng tác giữa đạo diễn Joon-ho và nam diễn viên Kang-ho - mới được xướng tên thắng giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019. Đó mới là lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc giành được giải thưởng danh giá, và nó xảy ra vào đúng năm xứ kim chi kỷ niệm ngành công nghiệp điện ảnh tròn 100 tuổi.
Câu chuyện về hai gia đình giàu - nghèo cách biệt trong xã hội Hàn Quốc hiện đại sớm được trình chiếu tại quê nhà từ 29/5. Và sau gần một tháng trình chiếu, Parasite đã bán hơn 9 triệu lượt vé tại riêng thị trường quê hương.
Mối quan hệ giữa hai tầng lớp giàu - nghèo
Parasite cũng mới được khởi chiếu tại Việt Nam từ 21/6. Bộ phim là câu chuyện về một gia đình nghèo khó, sống trong căn nhà ở tầng bán hầm của một khu chung cư cũ kỹ. Nơi ở của gia đình Ki-taek (Song Kang-ho) chật chội, hôi hám, và họ thường xuyên phải chứng kiến cảnh người ta tè bậy trên phố thông qua khung cửa sổ.
Nhưng bước ngoặt xảy ra khi cậu con trai cả Ki-woo (Choi Woo-sik) có cơ hội đi làm gia sư tiếng Anh cho con gái (Jung Ji-so) một gia đình giàu có. Chứng kiến căn biệt thự nguy nga của ngài Park (Lee Sun-kyun) và nhận thấy tính cách vô tư của vợ ông (Cho Yeo-jeong), cậu bắt đầu tìm cách giúp cả nhà “thâm nhập”, bòn rút gia đình của vị CEO công ty công nghệ kia.
Khán giả dễ cho rằng gia đình nghèo nhà Ki-taek chẳng khác nào loài "ký sinh trùng". Nhưng theo Bong Joon-ho, đó là nhận định nguy hiểm. |
Theo dõi bộ phim, khán giả không khó để cảm nhận rằng những cá nhân nghèo khó trong phim như gia đình Ki-taek chẳng khác nào “loài ký sinh” như tựa đề bộ phim.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với trang The National, Bong Joon-ho cho rằng: “Nhìn qua thì bộ phim giống như góc nhìn châm biếm về cách các gia đình nghèo khó ăn bám người giàu. Nhưng đó là một nhận định nguy hiểm”.
Để đến ngôi nhà của ngài Park, Ki-woo hay từng thành viên trong gia đình cậu phải đi qua một cầu thang rất cao, dù thực tế khoảng cách địa điểm giữa hai nơi là không quá xa.
Từ cô em gái (Park So-dam), bố Ki-taek, và mẹ cậu (Jang Hye-jin) đều có cơ hội băng qua cầu thang ấy, rồi đường hoàng xuất hiện trong căn nhà hiện đại kia dưới các tư cách khác nhau.
Bong Joon-ho giải thích: “Trong phim, gia đình giàu có chính là những người kéo gia đình nghèo khổ ra khỏi tổ ấm. Họ chẳng thể tự mình làm gì, mà phải phụ thuộc vào người khác để rửa bát, lái xe, làm các công việc lặt vặt… Xét trên góc độ sức lao động, người giàu cũng là một dạng ký sinh trùng”.
Theo Bong Joon-ho, người giàu trong Parasite cũng là một dạng "ký sinh trùng". |
Nhà làm phim 49 tuổi muốn khán giả để ý tới từng chi tiết, lời thoại nhỏ trong phim, như lúc Ki-taek đùa rằng một vị trí bảo vệ có thể nhận tới 500 đơn xin việc cùng lúc. “Chuyện đó từng được đưa tin trên báo Hàn Quốc cách đây vài năm, chứ không phải do tôi bịa ra”, Joon-ho tiết lộ.
Như vậy, với tựa đề Parasite, Bong Joon-ho muốn kể câu chuyện châm biếm về cả người giàu lẫn người nghèo, chứ không đơn thuần dừng lại ở mỗi nhóm nhân vật nhà Ki-taek. Bức tranh thu nhỏ của xã hội hiện đại Hàn Quốc cứ thế hiện ra một cách đầy ám ảnh thông qua tác phẩm mới của ông.
Luôn đem tới những bộ phim đau đáu
Bong Joon-ho thực tế nằm trong nhóm “top” các nhà làm phim của điện ảnh Hàn Quốc hiện đại. Trước Parasite, lần lượt Barking Dogs Never Bite (2000), Memories of Murder (2003), The Host (2006), Mother (2009), Snowpiercer (2013) và Okja (2017) của ông từng nhận vô số lời khen ngợi từ giới phê bình.
Một đặc điểm chung của nhóm tác phẩm là chúng không bó hẹp trong một thể loại nhất định. Joon-ho phát biểu: “Khi ghi hình hay dựng phim, tôi không bao giờ nghĩ đến một thể loại cụ thể. Người ta hỏi tôi liệu Parasite thuộc dòng gì, hài ‘đen’, đả kích xã hội, hay giật gân kịch tính? Tôi cho rằng là tất cả”.
Minh chứng cụ thể hơn nằm ở Memories of Murder và The Host. Trong bộ phim năm 2003, bên cạnh nội dung hình sự - phá án, tác phẩm còn đề cập đến nhiều nỗi đau lịch sử của xứ Nam Hàn trong quãng thời gian nhiễu nhương cuối thập niên 1980. Và hậu quả lớn nhất chính là việc vụ án giết người hàng loạt đến nay vẫn chưa được hóa giải.
Các bộ phim của Bong Joon-ho thường không bị bó buộc trong một thể loại nhất định, và đem tới nhiều thông điệp đáng suy nghĩ cho người xem sau khi khép lại. |
Hay như với The Host, được quảng bá là bộ phim quái vật, nhưng tác phẩm thực tế còn động chạm đến nhiều vấn đề gây tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc cách đây 13 năm, như chuyện Mỹ can thiệp đến những quyết định chính trị sở tại, hay thông điệp về bảo vệ môi trường.
Và Bong Joon-ho còn chỉ ra một điểm chung nữa trong sự nghiệp làm phim trước đây của mình. “Toàn bộ nhóm tác phẩm trước kia của tôi, chúng đều xoay quanh người nghèo, những người sống trong thiếu thốn. Các câu chuyện đều được kể dưới góc nhìn của họ”, ông nói.
“Nhưng với Parasite, đây là lần đầu tiên tôi ghi hình những nhân vật giàu có, trong một căn nhà tiện nghi, sang trọng”, nhà làm phim nói thêm.
Để chuẩn bị cho tác phẩm mới, Bong Joon-ho đã tham khảo một số tác phẩm hình sự hồi thập niên 1970 của Claude Chabrol bởi chúng luôn chứa đựng những nhân vật giàu có, cũng như The Servant (1963) của Joseph Losey - nơi những bậc cầu thang là một hình ảnh ẩn dụ quan trọng.
Cầu nối giữa Cannes và Netflix
Các tác phẩm đến từ Bong Joon-ho thường đặt ra những tình huống hết sức éo le, và hai bộ phim gần nhất của ông - Okja và Parasite - cũng mang đến một câu chuyện éo le ngoài đời thực.
Nhiều thành viên của ban tổ chức Liên hoan phim Cannes không mặn mà gì với Netflix, và có ý kiến cực đoan cho rằng dịch vụ chiếu phim trực tuyến sẽ sớm “giết chết” điện ảnh. Tuy nhiên, Okja của Bong Joon-ho chính là tác phẩm đầu tiên do Netflix phát hành mà có cơ hội tranh giải Cành cọ vàng.
Bong Joon-ho và Song Kang-ho cùng nhau ăn mừng giải thưởng Cành cọ vàng tại Cannes năm nay sau khi Parasite giành chiến thắng. |
Sự xuất hiện của bộ phim “siêu lợn” cách đây hai năm gây ra tranh cãi cực lớn từ vùng bờ biển nước Pháp, cho tới quê hương Hàn Quốc của nhà làm phim. Mùa hè 2017, nhiều chuỗi rạp lớn tại xứ kim chi đã từ chối trình chiếu Okja của Joon-ho.
Trở lại sau hai năm với một dự án được phát hành theo kiểu truyền thống, Bong Joon-ho lập tức ẵm giải Cành cọ vàng. Cá nhân nhà làm phim mong muốn giữa Cannes và Netflix sớm tìm được tiếc nói chung.
“Tôi không suy nghĩ quá nhiều, nhưng mong là cả hai bên có thể hòa giải. Xem phim trực tuyến là một cách thưởng thức điện ảnh. Nhưng dĩ nhiên là để thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm, khán giả cần ra rạp. Có lẽ Netflix cần đưa ra những chính sách thoáng hơn trong việc phát hành phim của mình ngoài rạp, còn hiệp hội chiếu phim tại Pháp cũng nên có những cân nhắc cởi mở hơn”, ông chia sẻ.
Bong Joon-ho đồng thời chỉ ra một trường hợp thành công mới đây. Đó là Roma - tác phẩm của đạo diễn Alfonso Cuarón do Netflix phát hành, nhưng được đón nhận nồng nhiệt tại Liên hoan phim Venice, rồi trở thành “ông kẹ” trên đường đua Oscar 2018-2019 sau đó.
Xét cho cùng, chỉ cần có những bộ phim hay, thì khán giả chắc chắn sẽ đón nhận, dù là tại nhà hay ngoài rạp.