Theo dữ liệu từ Statistics Korea, số lượng người Hàn Quốc làm cùng lúc nhiều công việc ở mức cao kỷ lục 629.610 người vào tháng 5, tăng khoảng 65% so với thời kỳ trước đại dịch hồi tháng 1/2020.
Một nhân viên văn phòng tại công ty tầm trung cho hay anh không có lựa chọn nào khác ngoài kiếm thêm một công việc để trang trải chi phí sinh hoạt ngày một tăng cho gia đình 3 người.
"Tôi hiếm khi chi tiêu cho bản thân, song tiền lương hàng tháng của tôi không còn đủ để nuôi gia đình trong thời điểm lãi suất cho vay thế chấp và nhiều vật giá đang tăng chóng mặt.
Hiện, tôi tận dụng khả năng tiếng Anh để gia sư sau giờ làm. Ngoài ra, tôi tiếp tục tìm kiếm những công việc phụ trả lương cao và tốn ít thời gian khác để có thêm thu nhập ổn định trong những năm tới", người đàn ông ở độ tuổi 40 nói với Korea Times.
Bão giá khiến nhiều người Hàn Quốc phải tiết kiệm, tìm việc làm thêm. Ảnh: Yonhap. |
Chật vật trong bão giá
Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng ở Hàn Quốc đã tăng 6,3% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/1998, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Trong bối cảnh này, ngay cả những người ở độ tuổi 50, 60 cũng đang phải tìm thêm những công việc phụ mang lại nguồn thu ổn định.
"Tôi làm lái xe theo cặp với bạn. Người bạn có xe hơi và đón tôi sau khi tôi chở khách vào ban đêm, chúng tôi chuyển đến một địa điểm khác và làm công việc tương tự. Thế hệ trẻ phải đối mặt thách thức từ giá nhà đất tăng cao và lạm phát nhưng thế hệ già cũng phải tìm nguồn thu nhập ổn định ngay cả khi đã nghỉ hưu do đất nước đang già hóa", người đàn ông trong độ tuổi 50, đang chuẩn bị nghỉ việc văn phòng, nói.
Trong khi đó, một số người chọn thắt lưng buộc bụng hơn là làm thêm việc vì tin rằng chi tiêu ít hơn cũng tương tự việc kiếm nhiều tiền hơn.
"Nhiều người mở rộng nguồn thu bằng cách làm nhiều việc hơn nhưng tôi lại thích tiết kiệm thông qua việc cắt giảm chi phí sinh hoạt không cần thiết và giảm tần suất tụ tập bạn bè. Tôi từng làm thêm các công việc phụ như nhiều người khác nhưng giờ thì không. Thay vào đó, tôi nghiên cứu nhiều hơn về các khoản đầu tư mang lại thu nhập ổn định", một nhân viên văn phòng 35 tuổi chia sẻ.
Cuộc sống ngày càng chông chênh với người thu nhập trung bình, thấp ở Hàn Quốc. Ảnh: Heo Ran/Reuters. |
Trong khi đó, nhiều người trẻ xứ kim chi lại tìm cơ hội mới thông qua làm video đăng lên YouTube, ví dụ như ghi lại cuộc sống cá nhân hoặc chia sẻ mẹo vặt.
"Dù rất khó để một người bình thường kiếm được nhiều tiền từ YouTube nhưng một số người vẫn tiếp tục làm video về điều bản thân yêu thích và làm tốt, hy vọng nó trở thành một trong những nguồn thu nhập trong tương lai", một giảng viên tiếng Anh ngoài 30 tuổi cho hay.
Dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy số lượng người kinh doanh tự do cũng đang giảm trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Con số này đạt khoảng 5,63 triệu vào năm 2018 song giảm còn 5,51 triệu vào năm 2021. Triển vọng đối với nhóm này vẫn ảm đạm do đại dịch, giá cả tăng và lãi suất cao.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Hàn Quốc, tính đến cuối quý I, tổng số tiền người kinh doanh tự do vay được là 960,7 nghìn tỷ won. Con số này tăng 40,3% so với cuối năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát và gây ảnh hưởng kinh tế toàn cầu.
"Hầu hết chủ doanh nghiệp nhỏ đang cắt giảm chi phí cố định bằng cách giảm số lượng nhân viên. Đây như một phần của nỗ lực chống chọi lại triển vọng kinh tế ảm đạm", một chủ quán cà phê ở độ tuổi 40 nhận định.