Người Hàn ngày càng nổi tiếng với mức độ chịu chi cho hàng hóa xa xỉ. Ảnh: Seunghoon Jeong/Hypebeast KR. |
Báo cáo của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley vào tháng trước cho thấy Hàn Quốc đã đánh bại châu Âu, Nhật Bản và Mỹ về mức chi tiêu bình quân đầu người cho hàng hóa xa xỉ.
Cụ thể, người Hàn Quốc đã chi 16,8 tỷ USD cho quần áo và túi xách hàng hiệu vào năm 2022, tăng 24% so với năm trước đó, được thúc đẩy bởi nền văn hóa coi trọng vật chất và nhu cầu phô trương sự giàu có trên mạng xã hội, theo Chosun Ilbo.
Các hãng xe sang vẫn đang chứng kiến sức mua mạnh mẽ của khách hàng Hàn Quốc.
Rolls Royce lập kỷ lục doanh số mới trong lịch sử 118 năm và cho rằng nhu cầu tăng cao ở Hàn Quốc là một trong những lý do. Tổng cộng có 234 chiếc xe của hãng được bán tại đây vào năm ngoái, mỗi chiếc có giá hơn 500 triệu won (khoảng 384.000 USD). Con số này tăng 37% so với năm 2021 và gần bằng với Nhật Bản, nơi 240 chiếc đã được bán.
Đối với Mercedes-Benz, Bentley và Lamborghini, Hàn Quốc vượt mặt Nhật Bản mặc dù dân số chỉ bằng một nửa.
Trung tâm thương mại cũng phản ánh xu hướng tương tự. Các cửa hàng bách hóa ở Hàn Quốc đang có doanh thu kỷ lục, trong khi những cửa hàng ở Nhật Bản đang lần lượt đóng cửa. Các cửa hàng bách hóa Tokyu, Odakyu đều đóng cửa những chi nhánh hàng đầu của họ ở Shibuya và Shinjuku của Tokyo vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, giàu có không đồng nghĩa với hạnh phúc.
Hàn Quốc xếp thứ 32 trong số 33 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về Chỉ số Cuộc sống Tốt đẹp, đo lường tình trạng phúc lợi. Hàn Quốc xếp cuối bảng trong một nghiên cứu tương tự của Liên Hợp Quốc và xếp cuối về chất lượng giấc ngủ.
Theo báo cáo do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố hôm 20/2, sự thỏa mãn về cuộc sống của người dân xứ kim chi năm 2021 là 6,3/10 điểm, nhỉnh 0,3 điểm so với năm trước.
Trong đó, những người thuộc nhóm thu nhập thấp kiếm được dưới 1 triệu won (772 USD)/tháng là 5,5 điểm, thấp hơn 0,8 điểm so với mức trung bình, theo The Korea Herald.
Xếp hạng của Hàn Quốc gần như đứng chót trong bảng thống kê với các quốc gia khác.
Theo báo cáo “Hạnh phúc thế giới” năm 2022 do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững thực hiện, điểm hạnh phúc của Hàn Quốc, đo lường mức độ mãn nguyện về cuộc sống nói chung, trung bình là 5,9 điểm từ năm 2019 đến 2021. Con số này kém hơn đáng kể khi so sánh với tiêu chuẩn của OECD là 6,7 điểm.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.