“Một ngày nào đó, con sẽ bỏ cả thế giới này lại phía sau, vậy nên hãy sống một cuộc đời thật đáng nhớ”.
Đó là câu hát Nguyễn Hữu Quyên (Quyên Javi, 34 tuổi, quê Đà Nẵng), hiện sinh sống và làm lập trình viên tại Nhật Bản, đặc biệt yêu thích trong MV The Nights của Avicii. Giống như chàng trai trong video, anh mong ước tuổi trẻ của mình được ghi dấu ở khắp nơi trên Trái Đất.
Ở tuổi 25, sau 3 năm đi làm và có công việc ổn định, Quyên xin nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh.
Lý do anh nói với sếp là muốn đi du lịch vòng quanh thế giới.
“Để thực hiện được ước mơ đó, tôi cần có nhiều tiền hơn. Tôi xác định mình phải làm việc ở nước ngoài mới có cơ hội”, anh nhớ lại.
Với số tiền dành dụm được, cộng với nhận công việc bán thời gian, Quyên dành một năm để đi học, sáng tiếng Nhật, chiều IELTS. Đến tối, anh mày mò thêm về marketing online, photoshop.
Sau 8 tháng nỗ lực, Quyên vượt qua vòng phỏng vấn của công ty ở Nhật và Mỹ. Anh chọn điểm đến là xứ sở hoa anh đào vì đây là nơi bản thân từng nhận được suất học bổng trao đổi sinh viên tại Đại học ShinShu, tỉnh Nagano.
Hơn nữa, làm việc cho công ty chuyên về dữ liệu bản đồ cũng là điều khiến chàng IT thấy thú vị vì liên quan đến sở thích xê dịch.
Ngày ra sân bay, tài khoản của Quyên vừa lúc cạn kiệt. Nhưng hành trình của anh chỉ mới bắt đầu.
Hữu Quyên sinh sống và làm việc ở đất nước Mặt Trời mọc 7 năm nay. |
Anh IT đi quanh Trái Đất
Ngay khi sang Nhật Bản làm việc, Quyên vạch ra mục tiêu đặt chân đến 5 châu lục trong vòng 5 năm. Tính đến năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, anh đã hoàn thành điều ấp ủ này.
Cụ thể, anh ghé thăm 27 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á (Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ), châu Âu (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp, Italy, Vatican, Nga), châu Mỹ (Mỹ, Mexico, Cuba), châu Đại Dương (Australia, New Zealand), châu Phi (Ai Cập). Đặc biệt, vào năm 2018, anh đặt chân tới các địa điểm thuộc 5 châu lục.
Ban đầu, thấy Quyên đi du lịch liên tục, mọi người thường thắc mắc “Tiền đâu mà đi nhiều vậy?”. Chàng trai bật cười khẳng định mình không phải con nhà giàu, cũng không có mức lương “khủng”. Điều duy nhất anh có là can đảm dốc cạn túi cho đam mê.
Ngoài ra, phương châm “tự xách vali, đi máy bay giá rẻ” giúp chàng IT không tốn nhiều chi phí.
Quyên cũng được nhiều người hỏi “Làm việc ở Nhật thì thời gian đâu mà đi?”, bởi lẽ trong suy nghĩ của họ, xứ Phù Tang thường gắn với văn hóa làm việc khắc nghiệt, tăng ca là điều hiển nhiên.
Thực tế, những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản cố gắng cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Thậm chí, trong chính sách, nếu nhân viên không dùng đủ ngày nghỉ phép, cấp trên sẽ bị phạt.
Theo Quyên, thời gian nghỉ ở Nhật khá thoải mái, quan trọng là bản thân sắp xếp được lịch trình và trình bày trước với sếp để thu xếp công việc.
“Ở Nhật, mỗi tháng thường có ít nhất một ngày nghỉ quốc gia, cộng với kỳ nghỉ hè 5 ngày, thêm lịch nghỉ công ty là tổng cộng tôi có 20 ngày nghỉ. Có 3 kỳ nghỉ lớn, mỗi đợt kéo dài một tuần, rơi vào dịp Giáng sinh đến Tết Dương lịch, tháng 4 (Golden Week) và tháng 8 (Obon). Mỗi lần như thế, tôi lại lấy thêm 5 ngày phép để có chuyến du lịch nửa tháng. Như vậy, ít nhất một năm, tôi sẽ có 3 chuyến đi lớn, mỗi chuyến 17-19 ngày”, anh kể.
Để thuận tiện di chuyển, Quyên thường sắp xếp đi theo cung như châu Mỹ (Mỹ, Mexico, Cuba), Địa Trung Hải (Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập), Tây Âu (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy), phía Bắc (Nga), Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Indonesia hoặc Việt Nam, Lào, Thái Lan).
Hữu Quyên tận dụng 3 kỳ nghỉ lớn trong năm để đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. |
Dù từng đi khắp nơi, Quyên không có thói quen lên kế hoạch hay hành trình cụ thể. Anh thường chỉ tìm hiểu một điểm đến có gì thú vị rồi quyết định đặt vé máy bay.
“Mỗi thành phố, tôi dừng chân khoảng 3 ngày và không lên lịch trình chi tiết. Ở từng địa điểm, tôi sẽ lên mạng tìm các điểm ‘must see’ (phải ngắm), những việc ‘must do’ (phải làm) hoặc “landscape” (cảnh đẹp) và chốt. Thời gian còn lại, tôi dành để trải nghiệm văn hóa địa phương”, anh kể.
Với Quyên, tiêu chí cho một hành trình rất đơn giản, chỉ là đến nơi có cảnh đẹp, tìm ngôi nhà nào đó hay ho, quan sát cuộc sống về đêm thế nào, khu chợ ra sao và kết bạn với nhiều người.
Trong đó, không nơi nào khác ngoài các hostel (nhà nghỉ) dành cho dân du lịch balo có thể mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, bất ngờ.
Nhiều lần, Quyên không lên kế hoạch trước mà đến tận nơi trò chuyện với chủ nhà. Họ thật sự là những “chuyên gia” có kiến thức sâu về du lịch địa phương, am hiểu hơn ai hết nên đi đâu, làm gì và mùa đó có nét đặc trưng nào. Bên cạnh đó, những người bạn ở cùng dorm (phòng kiểu ký túc xá dành cho khách du lịch) cũng là nguồn tham khảo hay để hoàn thiện lịch trình.
Nói về chuyến đi đáng nhớ, Quyên có thể ngồi kể cả ngày cũng không hết chuyện.
Đó là chuyến du lịch nước ngoài tự túc chi phí đầu tiên năm 24 tuổi, Quyên cùng bạn đồng hành rong ruổi 9 ngày qua 3 nước Lào, Thái Lan, Campuchia. Hai người thường ngủ trên xe buýt đêm vì kinh phí hạn hẹp. Đổi lại là nhiều trải nghiệm khó quên, giúp anh thấy mình đang ở đâu, cần làm gì và muốn đi ra thế giới thì phải cố gắng nhiều thế nào. Đây cũng là động lực mạnh mẽ để hơn một năm sau, anh đặt chân tới Nhật Bản.
Đó là lần Quyên một mình ở châu Âu suốt nửa tháng để học quen với cuộc sống của dân đi bụi thế giới.
Hay đó là lần đầu Quyên thử thách bản thân với bộ môn skydiving và bungee tại trung tâm trò chơi mạo hiểm thế giới Queenstown (New Zealand). Tiêu tốn 5.000 USD cho cả chuyến đi, nhưng với anh, đó là trải nghiệm đáng đến từng xu.
Hữu Quyên có cảm xúc khó quên khi lần đầu trải nghiệm nhảy bungee ở trung tâm trò chơi mạo hiểm của thế giới ở New Zealand. |
Hãy cứ đi khi còn trẻ
“Nếu cứ chờ ai đó để đi du lịch cùng, có khi bạn sẽ đợi cả đời”, Quyên mỉm cười nói về lý do luôn đi du lịch một mình.
“Tôi nghĩ rất khó để chờ đợi người nào đó mà họ tương đồng với mình cả về kế hoạch, thời gian, tiền bạc, sở thích. Do đó, đi một mình sẽ có nhiều cái lợi. Thứ nhất, tôi sẽ thực hiện được điều bản thân mong muốn. Thứ hai, tôi có thể thoải mái về thời gian, địa điểm vui chơi, ăn uống, dễ thay đổi lộ trình. Thứ ba, nhiều cơ hội kết bạn mới, khiến cho hành trình càng thú vị. Bởi độc hành buộc bản thân phải năng động hơn, dễ dàng bắt chuyện với mọi người hơn”, anh kể.
Theo Quyên, nhiều người không dám độc hành vì sợ không an toàn, không ai chụp ảnh cho, không thích đi ăn một mình. Tất nhiên, đó là điều không ngoại lệ với anh, nhưng bản thân luôn phải chủ động, sẵn sàng tâm lý, thích nghi.
“Khi đi độc hành, cần có những kỹ năng đặc biệt để thấy hài lòng với chính mình. Với tôi, chỉ cần đem theo chiếc máy ảnh, tôi có thể đi vào rừng một mình lúc 3-4h sáng để khám phá khu bảo tồn gấu ở California, Mỹ. Tôi không khoán cho mình phải có bức ảnh đẹp, mà được thỏa mãn niềm đam mê cũng đủ là niềm vui”.
Hữu Quyên không sợ việc độc hành đến những nơi xa xôi của thế giới. |
Nhưng hành trình của Quyên không phải chỉ có vui vẻ và hào hứng. Đôi khi, đó còn là cảm xúc đan xen của nỗi sợ, sự thất vọng hay cảm động trong cùng một chuyến đi.
Với thôi thúc tận mắt chiêm ngưỡng và khám phá về nền văn hóa Maya, Quyên gạt đi sợ hãi để tới Mexico - quốc gia được khuyến cáo là nguy hiểm đối với khách du lịch bởi tỷ lệ tội phạm cao. Nhưng vừa bước chân xuống sân bay, anh lập tức bị kẻ xấu lừa mua vé xe buýt và bị vòi thêm tiền trên chuyến taxi trở về nơi nghỉ.
Vì bị “tụt mood” quá sớm, cả ngày hôm đó, Quyên không dám ra ngoài, chỉ chờ đến hôm sau để đi tour với sự háo hức đã vơi đi đáng kể. Nhưng như thể được bù đắp, anh lại gặp những người tốt bụng sau trải nghiệm không vui trước đó.
Trên chuyến xe đi vào rừng, một cặp đôi trẻ đến từ Mexico City chủ động bắt chuyện với Quyên bằng tiếng Anh. Điều này khiến anh ngạc nhiên vì ban đầu không dám mở lời vì nghĩ rằng họ giao tiếp tiếng Tây Ban Nha.
Trước khi chia tay, hai người đưa cho Quyên nhiều lời khuyên chân thành, cùng với đó là trấn an anh đang ở một tỉnh rất an toàn, không lo bị lừa đảo.
Trên đường trở về từ Kim Tự Tháp Chichen Itza, do lỡ chuyến xe đưa đón của khách sạn, Quyên quyết định đi bộ từ giữa rừng về. Bất ngờ, một gia đình người địa phương chủ động dừng xe cho anh đi nhờ.
“Vì không biết tiếng Anh, họ cố gắng ra hiệu và nói với tôi ‘Go, go, go’ (Lên xe đi). Cả nhà rất đông nhưng sẵn lòng ngồi chồng lên nhau để nhường chỗ cho người xa lạ như tôi. Tình cảm đó khiến tôi rất xúc động và quên đi câu chuyện không vui lúc đầu”, anh kể.
Sau khi hoàn thành mục tiêu đến 5 châu lục, Quyên học lặn biển và lấy bằng Scuba Diving PADI tại El Nido Philippines, để mong chạm tay vào 4 đại dương. Kế hoạch của anh bị gián đoạn khi đại dịch ập đến.
Chàng IT quê Đà Nẵng từng có cơ hội lặn biển ở Philippines và Nha Trang. |
Vì không thể ra nước ngoài, Quyên quyết định đặt chân tới toàn bộ 47 tỉnh, thành của Nhật Bản khi công ty cho work from home (làm việc tại nhà) và chính sách đi lại khá dễ dàng.
Mở Excel lên và liệt kê tất cả nơi từng đi qua, anh IT phát hiện mình mới chỉ đặt chân tới chưa đầy 15/47 tỉnh, thành tại Nhật trong hơn 3.000 ngày sinh hoạt tại đây. Vậy là một kế hoạch lớn được đặt ra, những cung đường Kyushu, Shikoku, Kansai, Kanto, Tohoku với những tinh túy nhất của từng vùng được vạch ra, chưa bao giờ Quyên muốn tìm hiểu về nước Nhật một cách ráo riết đến vậy.
Tới tháng 7/2021, anh đã check-in hết địa điểm lớn trên tấm bản đồ.
Không để lãng phí thời gian, Quyên còn học thêm tiếng Trung với mong muốn dắt lưng vốn ngoại ngữ này kha khá, đủ để có thể du lịch vòng quanh Trung Quốc khi hết dịch.
Bên cạnh đó, Quyên đặt mục tiêu đi tất cả quốc gia theo bảng chữ cái tiếng Anh, với khoảng 4/26 nước nữa là hoàn thành.
Bắt đầu đi ra ngoài thế giới từ năm 24 tuổi, Quyên tiếc nuối vì không thể làm điều đó sớm hơn. Vì vậy, anh mong các bạn trẻ nên đi khi có thời gian, sức khỏe và đủ điều kiện, không cần quá dư dả, để không ai thắc mắc “Sức đâu mà đi?” như anh được hỏi lúc này.
“Học - làm việc - sắp xếp thời gian ngay khi còn trẻ. Một quy trình ai cũng có thể làm được bằng cách chăm chỉ, có mục tiêu và quyết tâm thực hiện nó từng bước một”, anh nói.
Trong hơn 2 năm không thể du lịch nước ngoài vì dịch, Hữu Quyên dành thời gian khám phá 47 tỉnh, thành của Nhật Bản. |
Với Quyên, du lịch cũng như một ngôn ngữ lập trình, cụ thể là “Hello World” - chương trình code đầu tiên mà hầu hết lập trình viên được học.
“Một chuyến đi, dù có qua năm châu bốn bể với người xách vali và những chiếc vé hạng thương gia hay buổi dạo phố để xem quanh khu mình ở có gì hay với chi phí 0 đồng, đều có điểm chung là bắt đầu với chỉ một bước chân.
Chỉ cần có thể bước ra khỏi nhà, chào thế giới bên ngoài cánh cửa, ai cũng có thể tự tìm cho mình chuyến đi thú vị trước khi quay trở về. Chỉ cần bạn dám cho bản thân cơ hội bắt đầu viết nên chương trình ‘Hello World’ của mình, thế giới sẽ chào đón bạn”, anh nhắn nhủ.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.