Nỗi sợ không có tiền trang trải thúc thất nghiệp và không chắc khi nào sẽ tìm được việc mới ngăn cảnh nhiều người nộp đơn nghỉ việc. Ảnh: Artem Podrez/Pexels. |
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc Đại từ chức, hiện tượng bắt đầu ở Mỹ, trong đó ngày càng nhiều nhân viên bỏ việc để chăm sóc sức khỏe tinh thần, trở thành xu hướng.
Nhiều người không còn cố chịu đựng sự căng thẳng kéo dài trong công việc. Thay vào đó, họ coi tận hưởng cuộc sống là ưu tiên hàng đầu.
Ngay cả những chuyên gia cũng chọn từ chức, theo EL PAÍS.
Sheryl Sandberg, Giám đốc dự án Meta của Facebook, nghỉ việc vào năm ngoái.
“Đó là công việc vinh dự và đặc quyền, nhưng tôi không có thời gian để làm nhiều việc khác”, bà giải thích.
Gần đây hơn, cựu Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng từ chức.
“Chính trị gia cũng là con người. Chúng ta luôn cố gắng bằng tất cả sức lực và lâu nhất có thể, nhưng ai cũng có lúc phải dừng lại. Đây là lúc tôi nên ngừng bước”, bà chia sẻ.
Tuy nhiên, nói đến từ bỏ công việc, đối với đại đa số người lao động, thực tế và hoàn cảnh hoàn toàn khác với 2 người phụ nữ này.
Cố chịu đựng
Vài năm trước, Marta Ventura, nhà sử học 31 tuổi sống ở Madrid (Tây Ban Nha), phải nghỉ việc vì gặp vấn đề sức khỏe tinh thần. Cô làm việc cho nhà xuất bản nghệ thuật của một công ty lớn, nhưng sau 2 năm, công việc này trở nên độc hại.
Sếp cũ đặt ra cho Ventura và đồng nghiệp KPI không thể đạt được. Sau đó, người này cũng gây áp lực và xúc phạm họ vì không hoàn thành nhiệm vụ.
Không thể chịu đựng thêm, Ventura muốn bỏ việc, nhưng điều đó không dễ dàng.
“Đối với tôi, ý tưởng nghỉ việc vì sức khỏe tinh thần là một đặc ân. Không phải ai cũng đủ khả năng để làm điều đó”, cô nói.
Ventura khẳng định thế hệ của cô nhận thức rõ hơn bao giờ hết về quyền lợi tại nơi làm việc, các hành vi độc hại như bắt nạt, sỉ nhục và quấy rối.
“Nhưng thực tế, tôi phải trả tiền thuê nhà và hàng tá hóa đơn khác”.
Đối với Ventura, nghỉ việc mà không có nguồn tài chính đủ để hỗ trợ bản thân trong thời gian dài không phải là lựa chọn. Sự không chắc chắn rằng khi nào sẽ tìm được công việc khác đã kìm hãm cô lại.
“Tôi phải chịu đựng nhiều tháng bị quấy rối tại nơi làm việc vì tôi biết công ty sẽ không trả tiền thôi việc cho mình. Và nếu nghỉ, tôi cũng mất luôn tiền trợ cấp thất nghiệp. Tôi không đủ khả năng chi trả sinh hoạt phí”.
Dù bản thân bị trầm cảm và luôn trong trạng thái lo lắng, Ventura kiên trì cho đến khi công ty chủ động sa thải mình. Rốt cuộc, với cô, được hỗ trợ tài chính để nghỉ việc lại là một đặc ân khác.
Không phải ai cũng đủ khả năng để xin nghỉ việc để ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần. Ảnh: Mart Production/Pexels. |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa căng thẳng và lo lắng tại nơi làm việc là hội chứng kiệt sức.
Theo báo cáo của Fremap, đơn vị quản lý rủi ro bệnh tật và tai nạn xảy ra tại nơi làm việc thuộc cơ quan An sinh xã hội của Tây Ban Nha, chỉ tính riêng từ năm 2015 đến 2021, số ngày nghỉ phép do bệnh tâm thần tăng 17% ở tất cả nhóm tuổi. Tỷ lệ này tiếp tục tăng trong thời kỳ đại dịch.
Ngoài ra, sự chán ghét trong công việc đang gia tăng, đặc biệt kể từ Covid-19, theo báo cáo mới nhất của Hays - công ty tư vấn tuyển dụng phác họa chân dung về tình hình của nhân viên và doanh nghiệp ở Tây Ban Nha trong nhiều năm.
Năm 2022, 61% người lao động Tây Ban Nha cho biết họ cảm thấy không có động lực, tăng 14% so với năm 2021. Họ chỉ ra nhiều lý do khác nhau, nhưng nguyên nhân chính là kinh tế.
Tiền là yếu tố then chốt khi thay đổi công việc, với mục tiêu theo đuổi mức lương tốt hơn. Nhưng cùng với đó, nó cũng là thứ kìm hãm người lao động vì cảm giác sợ bị bỏ lại mà không có mức lương cố định.
Theo báo cáo, 65% người Tây Ban Nha nói rằng nếu được tăng lương, họ sẽ hào hứng làm việc trở lại; 35% muốn được công nhận nhiều hơn; 24% sẽ cải thiện năng suất nếu công việc linh hoạt hơn.
Đối với Christopher Dotty, Giám đốc khu vực Nam Âu của Hays, thực tế, tiền là yếu tố chính khi quyết định nghỉ việc, đặc biệt là ở quốc gia như Tây Ban Nha.
“Nhiều quyền lợi ở đây liên quan đến chuyện có công việc lâu dài và thâm niên, do đó, bỏ việc là không nên. Chỉ khi tiền nhà và đồ ăn được trang trải, người lao động mới dám nghĩ đến sự phát triển. Có lẽ ở Tây Ban Nha, chúng tôi đảm bảo sự an toàn và không có tâm lý chấp nhận rủi ro”, ông nói.
Isabel Aranda García, tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Tâm lý học Madrid, nói thêm: “Cuộc Đại từ chức không lan đến Tây Ban Nha vì chúng tôi có lý do để không sẵn sàng từ bỏ. Làm nhiều năm thì được tiền thâm niên, bỏ thì mất hết. Đó là nguyên nhân càng lớn tuổi, người lao động càng ít có khả năng thay đổi”.
Nhiều nỗi lo
Ở tuổi 40, Andrea Marín làm biên tập viên tạp chí văn hóa. Khi được thăng chức, mối quan hệ của cô với cấp trên trở nên không thể chịu đựng được. Họ không thể thống nhất quan điểm về bất cứ điều gì.
Bầu không khí trở nên căng thẳng hơn theo thời gian cho đến khi Marín không thể chịu đựng thêm. Sự lựa chọn rất rõ ràng: bỏ việc hoặc xin nghỉ phép.
Vì vậy, Marín đã cân nhắc.
Cô tự hỏi bản thân: “Tôi phải tiết kiệm bao nhiêu tiền để bỏ việc?”.
Marín nghĩ rằng với trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc, cô có thể cầm cự mà không phải làm việc trong một năm. May mắn, cô đã đạt được thỏa thuận với công ty.
Tuy nhiên, sự đau khổ về cảm xúc đã ảnh hưởng đến Marín trong một thời gian dài.
“Dù đã nghỉ việc, tôi rất lo lắng vì sợ không tìm được việc làm khác. Thật khó khăn để sống nhàn rỗi nếu bạn chỉ thuộc tầng lớp trung lưu. Tôi đoán tôi có thể xoay xở được bởi vì tôi độc thân và không có con”.
Kể từ khi cuộc Đại từ chức bùng nổ ở Mỹ, hơn 50 triệu người nghỉ việc từ năm 2020 đến 2022. Hiện tượng này cũng được nghiên cứu ở Tây Ban Nha: số đơn xin thôi việc tăng khoảng 170% vào năm 2022, với khoảng 70.000 đơn, theo dữ liệu Social Security.
Tuy nhiên, con số đó vẫn còn thấp so với tổng dân số đang làm việc.
Ngay cả Yolanda Díaz, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Lao động Tây Ban Nha, nhiều lần đề cập đến vấn đề này: “Tôi xin khẳng định không có làn sóng bỏ việc ở Tây Ban Nha”.
Việc giữ chân những tài năng trẻ đang trở nên thực sự khó khăn đối với các công ty. Ảnh: RodnaeProduction/Pexels. |
Theo các chuyên gia, tùy từng đất nước, người lao động dễ hoặc khó xin nghỉ việc hơn.
Deanna Hellman, Giám đốc dịch vụ nhân sự chuyên nghiệp tại Adecco, đưa ra so sánh giữa Tây Ban Nha và Mỹ.
“Ở Mỹ, không có khái niệm về trợ cấp thôi việc. Nếu không hài lòng với công việc, không có gì cản trở tôi ra đi. Thật dễ dàng để nhảy việc. Đó là lý do họ gần như không có tỷ lệ thất nghiệp”, bà nói.
Nhu cầu là chìa khóa ở đây: nhu cầu càng cao và nguồn cung càng thấp thì càng có nhiều thay đổi, như trường hợp của lĩnh vực công nghệ. Nhưng có một yếu tố quan trọng khác cần lưu ý: tuổi tác. Các thế hệ trẻ không còn cảm thấy bị ràng buộc với bất kỳ công ty nào.
“Nếu còn trẻ, một hợp đồng lâu dài sẽ không cản trở bạn. Việc giữ chân những tài năng trẻ đang trở nên thực sự khó khăn đối với các công ty”, Hellman cho biết.
Sandra Parmo, nhà tâm lý học và huấn luyện viên công việc, tổ chức các buổi tư vấn cho những chuyên gia muốn thay đổi công việc. Nhiều khách hàng của cô có hồ sơ tương tự: thay vì hoàn toàn từ bỏ công việc của mình, họ đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới từ sự an toàn của vị trí hiện tại.
“Ở Tây Ban Nha, chúng tôi có văn hóa bám trụ. Và thậm chí còn hơn thế nữa nếu bạn có trách nhiệm nuôi gia đình”.
Hầu hết khách hàng của Parmo là phụ nữ trẻ. Cô đồng ý với nhà tâm lý học Isabel Aranda rằng các thế hệ mới hiểu rằng cách tốt nhất để thăng tiến trong sự nghiệp là nhảy từ công ty này sang công ty khác.
Đối với Aranda, tâm lý và các ưu tiên đang thay đổi: “Những người thay đổi công việc đang quan tâm đến thương hiệu cá nhân và tìm kiếm công ty mang lại giá trị cho sự nghiệp của họ. Khái niệm làm một công việc cả đời và giữ chặt bằng mọi giá đã qua, giống như hôn nhân vậy”.
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.