Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tết ở TP.HCM của cô gái Việt từng làm việc với Givenchy, Louis Vuitton

Sau 3 năm Covid-19 khó khăn và tập trung lo cho dự án cá nhân, Lillian quyết định về Việt Nam ăn Tết để có dịp sum vầy với gia đình.

Tet 2023 anh 1

Lillian sang New York du học từ năm 17 tuổi. Ảnh: Duke Winn.

Hơn 7 năm sinh sống, làm việc tại New York (Mỹ) và 3 tháng ở Paris (Pháp), Lillian X. Lý (Lý Xuân Huệ, 25 tuổi) rất ít có dịp về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán.

Sau nhiều năm mới lại đón Tết ở quê hương, Lillian cảm thấy hạnh phúc và ấm áp. Những người bạn thân tại New York cũng đang ở TP.HCM nên với cô, dịp này trở nên trọn vẹn vì không chỉ có gia đình mà còn có bạn bè bên cạnh.

Ngoài quần áo cùng đồ dùng cá nhân, hành lý của Lillian về thăm nhà năm nay còn có thêm quà tặng cho cha mẹ như những món đặc sản từ châu Âu và quà kỷ niệm khi cô sống và du lịch ở đây.

“Tết này, tôi sẽ ở Sài Gòn để sum họp cùng gia đình và bạn bè, đặc biệt là tận hưởng khoảnh khắc lặng yên hiếm hoi của thành phố thân thương này”, Lillian nói với Zing.

Thích nhất đón giao thừa

Khi đón Tết ở Việt Nam, Lillian thường phụ cha mẹ cúng đêm giao thừa và cùng cả nhà đi chùa cầu an.

Mùng 1, theo phong tục của người Hoa như gia đình Lillian, đây là ngày dành cho người thân và kiêng kỵ việc tiếp khách. Mọi người sẽ ở nhà sum vầy ăn uống và sinh hoạt cùng nhau.

Mùng 2, gia đình Lillian qua nhà họ hàng và người thân chúc Tết, tặng quà để bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc.

Trong các mùng tiếp theo, Lillian cùng gia đình dành thời gian du xuân ở nhiều địa điểm. Năm nay, cả nhà cô đoàn tụ đông đủ và tạo nên kỷ niệm đáng nhớ.

Lillian thích nhất khoảnh khắc đón giao thừa vì đó là lúc cô chiêm nghiệm lại cũng như biết ơn những bài học cuộc sống năm cũ rèn dạy và hứng khởi chào đón năm mới với nhiều niềm hy vọng.

Khi ở New York, Lillian cảm thấy may mắn khi kết thân với nhóm bạn Việt Nam mà cô coi như gia đình thứ hai ở nơi đất khách quê người.

Vào dịp Tết Nguyên đán, cả nhóm thường ăn tối, đón giao thừa, đi chùa cùng nhau rồi sáng hôm sau vẫn đi làm như thường lệ.

Là người mê ăn uống cũng như ẩm thực, Lillian không thể bỏ qua những món ăn ngày Tết như thịt kho tàu, bánh chưng và bánh tét chiên, xôi gấc, bánh trôi nước,...

“Ở nước ngoài cũng có mấy món này, tôi cũng thử nhiều chỗ và có những nơi rất ngon, nhưng tôi vẫn thấy thiếu thứ gì đó”, cô nói.

Những năm tháng xa nhà, Lillian thấy nhớ nhất không khí Tết khi gia đình được đoàn tụ. Cảm giác được ở bên người thân khiến cô thấy bình yên.

Dù rất thích ở một mình, Lillian đôi khi vẫn thấy cô đơn và tự nhủ quên đi để tiếp tục cuộc sống của riêng mình. Ở bên gia đình, cảm giác bình yên với cô theo kiểu bảo bọc và ấm áp hơn khi có thể chia sẻ mọi suy nghĩ trong lòng và được chấp nhận, yêu thương.

Với suy nghĩ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, Lillian học cách tự cân bằng để trưởng thành. Đón Tết xa nhà là một trong số trải nghiệm như thế.

Sống ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Khi khoảng 3-4 tuổi, trong một lần đi chơi cùng cha mẹ, Lillian thấy tấm poster quảng cáo du học gồm những biểu tượng của các thành phố nổi tiếng trên thế giới như tháp Big Ben ở London, tháp Eiffel ở Paris, Opera House ở Sydney,... Đột nhiên, cô chỉ vào tượng Nữ thần Tự do và thốt lên “Con muốn tới đây du học”.

Khi đó, cha mẹ Lillian chỉ bất ngờ. Nhiều năm sau, cô thật sự biến mong ước thành hiện thực.

Năm 17 tuổi, Lillian rời vòng tay gia đình để theo học ngành Quản lý kinh doanh thời trang tại Fashion Institute of Technology - ngôi trường thời trang đứng đầu thế giới nằm tại trung tâm thành phố New York.

Tại đây, Lillian lĩnh hội kiến thức về ngành thời trang, đặc biệt trong lĩnh vực PR/Marketing.

Với 7 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang và làm đẹp, Lillian từng làm việc trong những dự án và sự kiện thời trang New York Fashion Week, Paris Fashion Week với nhiều thương hiệu xa xỉ, danh giá như Bulgari, Givenchy, Jaeger-LeCoultre, Louis Vuitton, Marc Jacobs, MET Gala 2021, Tom Ford, Tory Burch, Salvatore Ferragamo, Van Cleef & Arpels,...

Ngoài ra, Lillian còn có cơ hội làm việc với các agency thời trang đứng đầu thế giới là KCD Worldwide và PR Consulting.

New York vốn được biết đến là thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới. Bản thân Lillian xem nơi này như là nhà.

“Năng lượng ở thành phố này rất đặc biệt. Đây là nơi hội tụ những người tài năng trên thế giới theo cách đa dạng nhất. Môi trường sống ở đây rất cạnh tranh. Ai cũng phải làm việc rất vất vả không chỉ để thỏa mãn đam mê mà còn trang trải cho cuộc sống”, cô kể.

Với Lillian, sự “trầy trật” khi sống ở New York không phải vấn đề lớn vì cô còn sức khỏe và đam mê.

Lillian mô tả cuộc sống ở New York rất chuyển động. Cô thuê và rất thích chuyển căn hộ để trải nghiệm các khu dân cư khác nhau ở New York. Mỗi khu phố sẽ có những năng lượng khác nhau cũng như kiến trúc đặc trưng.

Lillian được trải nghiệm Midtown South, Midtown East, Roosevelt Island, Park Slope, South Slope, Williamsburg,... Đây đều là những khu phố an toàn và có nhiều địa điểm ăn chơi hấp dẫn.

Đôi khi, Lillian cảm thấy New York ưu ái mình khi mang đến rất nhiều cơ hội để phát triển. Cô không chỉ học hỏi từ môi trường học tập và làm việc, mà còn kết thân được với nhiều người bạn tài năng. Những mối quan hệ đáng quý này góp phần làm phong phú cơ hội và trải nghiệm của cô.

Ngoài New York, Lillian từng ở Paris hơn 3 tháng. Cô ở khu Sentier (quận 2) cũng rất an toàn. Thành phố nhìn rất đẹp theo kiểu cổ điển, nhưng nhịp sống chậm hơn New York rất nhiều. Để so sánh, Lillian vẫn yêu sự hối hả của New York.

Với Lillian, lựa chọn sống ở New York là quyết định sáng suốt. Ở Mỹ, cô chỉ có thể chấp nhận ở New York.

“Ở đây, người ta thường nói 'New York or Nowhere' (New York hoặc không nơi nào khác) vì thành phố này thực sự rất nhiệm màu”, Lillian kể.

4 năm ăn Tết xa nhà, Tết nào cũng rơi nước mắt của cô dâu Việt ở Đức

Từ khi rời Việt Nam đến sinh sống ở xứ người, Min rất sợ Tết. Năm nào đến giao thừa, cô cũng trốn vào một góc để khóc.

Các nhà sách đang trở lại

Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.

Thảo Thu

Bạn có thể quan tâm