Một cặp vợ chồng chưa có con, nằm trong độ tuổi 30 cho biết cả hai hiếm khi ăn kim chi vì không nấu nướng ở nhà nhiều và nếu có cũng thường mua các suất ăn làm sẵn, chỉ cần hâm nóng rồi sử dụng.
"Sau khi chúng tôi kết hôn, cha mẹ hai bên thường xuyên cho chúng tôi kim chi và các món ăn kèm khác. Tuy nhiên, chúng tôi thường phải đổ bỏ phần lớn và quyết định không nhận đồ ăn từ cha mẹ nữa. Thay vào đó, chúng tôi mua những phần kim chi nhỏ khi muốn ăn mì gói hoặc làm món kim chi hầm ở nhà", người vợ nói.
Tại Hàn Quốc, lượng tiêu thụ kim chi đã và đang giảm do các loại thực phẩm phương Tây ngày càng được ưa chuộng.
Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc đã nghiên cứu về dinh dưỡng của người dân xứ củ sâm và phát hiện lượng kim chi trung bình hàng ngày mọi người sử dụng giảm từ 79,43 gram/người vào năm 2008 xuống còn 59,87 gram/người vào năm 2019, giảm 24,6%.
Kim chi là món ăn phổ biến tại Hàn Quốc. Ảnh: The Straits Times. |
Xu hướng này cũng khiến doanh số bán tủ lạnh trữ kim chi - loại tủ từng rất phổ biến - bị sụt giảm. Để thu hút khách hàng, các nhà sản xuất phải bắt đầu bổ sung nhiều chức năng mới cho tủ lạnh kim chi.
Ví dụ, dòng Dios của LG có các chế độ bảo quản phù hợp cho kim chi làm sẵn từ các hãng khác nhau, trong khi tủ lạnh kim chi của Winia có thể bảo quản cả bia, rượu.
Nhiều người lớn tuổi ở Hàn Quốc vẫn muốn cùng con cháu tự làm kim chi để sử dụng. Tuy nhiên, không ít người trẻ lại cho rằng kimjang - hoạt động các gia đình, hàng xóm cùng nhau làm kim chi, được ghi vào danh sách Di sản Phi vật thể của UNESCO - là lỗi thời.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc không còn thích kim chi hay hoạt động kimjang. Ảnh: The Guardian. |
"Ngày nay chúng ta không còn ăn nhiều kim chi như trước và tôi chẳng hiểu tại sao năm nào tôi cũng phải hy sinh cả một ngày cuối tuần để làm món này. Mẹ chồng tôi bị đau lưng, phải đi khám sau mỗi mùa kimjang nhưng không hiểu sao bà ấy vẫn tiếp tục làm kim chi", một nhân viên văn phòng 37 tuổi bày tỏ.
"Tình trạng này là không thể tránh được vì ngày càng nhiều người trẻ đã quen với các món ăn phương Tây và nhiều phụ nữ có việc làm. Nếu thế hệ lớn tuổi, những người biết cách làm kim chi, qua đời hoặc không còn khả năng làm nữa, truyền thống này có thể biến mất", Kim Jung-sook, người đứng đầu Học viện Kimchi Gwangju, nhận định.
"Chúng ta cần bán sẵn các bộ dụng cụ làm kim chi với đa dạng khẩu vị của từng vùng trên cả nước, đào tạo các chuyên gia để truyền thống làm kim chi tại nhà được tiếp tục. Kim chi ngày càng phổ biến ở nước ngoài nhờ các lợi ích về sức khỏe, hy vọng chúng ta có thể giữ vững vị thế là quê hương của kim chi và kimjang".