"Khi muốn hát, tôi chỉ cần bật ứng dụng karaoke lên và dùng micro ở nhà. Gần đây, tôi thích dành nhiều thời gian cho trò chơi nhập vai và board game hơn", Zhang Jingwei, người từng lui tới các quán karaoke ít nhất một lần mỗi tháng, nói với Sixth Tone.
Xuất hiện ở Trung Quốc vào những năm 80, thường được gọi là KTV, karaoke nhanh chóng trở thành hoạt động quen thuộc với nhiều người vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, kéo theo sự bùng nổ kinh doanh trên cả nước.
Tuy nhiên, tình yêu giới trẻ dành cho karaoke đang nhạt dần.
Theo ước tính của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, lượng khách đến các địa điểm KTV giảm liên tục trong những năm qua và lên tới con số 80% khi đại dịch bùng phát.
Giới trẻ Trung Quốc không còn thích lui tới quán karaoke. Ảnh: Xinhua. |
Tuần trước, công ty tài chính Yicai cho biết chỉ còn 56.300 đơn vị kinh doanh liên quan đến karaoke ở Trung Quốc, so với hơn 120.000 vào thời điểm đỉnh cao năm 2015. Nhiều chuỗi kinh doanh nhượng quyền cũng đóng cửa hầu hết địa điểm, cắt giảm nhân viên vì cạnh tranh gay gắt.
Không chỉ vậy, danh sách ca khúc cho các khách hàng lựa chọn cũng không còn phong phú do liên quan đến vấn đề vi phạm bản quyền và quy định về nội dung bài hát của chính phủ Trung Quốc.
“Số quán karaoke ngày càng giảm và các lựa chọn bài hát cũng không còn đa dạng như trước", Xu Shirui (21 tuổi) sinh viên ở thành phố Trường Xuân, bình luận dưới bài đăng có chủ đề: "Tại sao giới trẻ không đi KTV nữa?".
"Chỉ có 1, 2 người hát trong khi phần lớn cắm mặt vào điện thoại", "Thật là áp lực khi phải hát trước mặt người khác" là những ý kiến khác.
Các trò chơi nhập vai hấp dẫn đang thu hút nhiều người trẻ. Ảnh: AFP. |
Theo Toni Yang, nhà tư vấn thương hiệu chuyên về văn hóa thanh thiếu niên, nhu cầu về các loại hình giải trí mới, đa dạng ngày càng khiến giới trẻ không còn mặn mà với karaoke.
"Đi KTV thường sẽ có những người hát hay và người thích uống rượu, trong khi những người còn lại đơn giản là khán giả ngồi nghe và chia tiền. Như thế là không công bằng".
Bên cạnh đó, thể loại trò chơi nhập vai giết người, giải quyết các vụ án giả cũng bắt đầu nở rộ và đang dần thay thế hoạt động ca hát, uống rượu trong các căn phòng kín.
Hiện, có khoảng 45.000 điểm tổ chức các trò chơi nhập vai giết người theo kịch bản trên khắp Trung Quốc. Theo công ty tư vấn iiMedia, ngành công nghiệp này được dự đoán đạt 17 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) vào cuối năm nay.
"Với hầu hết người trẻ tuổi, chơi game nhập vai thích hơn là hát ở KTV. Ở đó, mọi người có thể tạm thời trút bỏ những ức chế trong cuộc sống thực trong khi hát karaoke thích hợp cho kết giao, mở rộng mối quan hệ xã hội hơn. Không chỉ vậy, mọi người có thể thể hiện sự khác biệt về cá tính, sức mạnh của mình trong các trò chơi nhập vai", Yang cho biết.
Người già hứng thú
Trong khi những người trẻ tuổi không còn tỏ ra mặn mà, nhóm khách lớn tuổi lại ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho karaoke. Trong nửa đầu năm 2021, lượng khách 60-70 tuổi tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi nhóm 70-80 tăng gấp đôi, theo nền tảng dịch vụ trực tuyến Meituan.
Fang Minhua (65 tuổi) sống tại Thượng Hải, là một trong số đó. Fang cho biết những người tầm tuổi ông đang tranh thủ tận hưởng thú vui được xem là xa xỉ mà bản thân bỏ lỡ khi còn trẻ.
Sau khi nghỉ hưu, Fang học hát cùng vợ và hay cùng bạn bè đến quán karaoke. Cả nhóm thường dành hàng giờ cùng hát, nhảy những ca khúc có từ những năm 80.
Người già Trung Quốc coi KTV như địa điểm gặp gỡ, giải trí cùng bạn bè. Ảnh: IC. |
“KTV không còn dành riêng cho những người trẻ tuổi nữa. Vào buổi chiều, giá dịch vụ cũng rất rẻ. Hát karaoke khiến cuộc sống về hưu của tôi thêm phong phú và giúp tôi thỏa mong muốn được hát trước mọi người".
Các đơn vị kinh doanh KTV cũng đang thích ứng với xu hướng này, chào đón nhóm khách quen mới với nhiều gói ưu đãi. Ví dụ, người dân trên 60 tuổi sẽ được hát karaoke miễn phí ở một số điểm nhất định tại thành phố Thanh Đảo, một số quán KTV ở Giang Tô lại có các buổi hát miễn phí và giá rẻ cho các nhóm trên 50 tuổi.
Mao Xining, sinh viên ở Thượng Hải, công nhận xu hướng này. Trong khi Mao không còn thường xuyên đi KTV, đây lại trở thành thú tiêu khiển thường xuyên của mẹ cô và nhiều người bạn của bà ở Giang Tây.
“Họ thích đến KTV vì ở đây không tốn quá nhiều chi phí cho một buổi gặp gỡ và giải trí. Ở Thượng Hải, chi phí KTV cao hơn và cũng có nhiều lựa chọn giải trí thay thế".