Chỉ còn một năm nữa, Trần Thị Quỳnh Anh (sinh năm 1995, Lạng Sơn) sẽ tốt nghiệp hệ thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Dân tộc Quý Châu (Trung Quốc).
Thế nhưng, phần lớn thời gian trong 3 năm qua cô phải nghe giảng từ xa, không được trải nghiệm môi trường, cuộc sống tại đất nước bản xứ.
Ngày các du học sinh như Quỳnh Anh có thể trở lại trường vẫn rất mông lung khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt các quy định phòng dịch, chưa cho phép sinh viên nhiều nước quay lại học tập.
“Giờ, mình không nhớ rõ trường bên đó trông như thế nào, hình ảnh bạn bè, thầy cô cũng chỉ còn gói gọn qua camera trong mỗi tiết học online. Mỗi lần trò chuyện với bạn cùng lớp trong nhóm chat, chán nản, hoang mang là tâm trạng chung của bọn mình”, Quỳnh Anh nói với Zing.
Khó khăn
Tháng 3/2019, Quỳnh Anh nhận được học bổng của chính phủ Trung Quốc, tới tỉnh Quý Châu học tập. 9 tháng sau, cô về Việt Nam đón Tết nhân kỳ nghỉ đông.
Tổng thời gian được nghỉ ngơi chỉ khoảng 10 ngày do phải quay lại trường sớm và vẫn còn ít đồ để ở nhà, Quỳnh Anh chỉ mang theo vỏn vẹn 3 bộ đồ, vali chủ yếu đựng bánh kẹo, quà tặng mọi người.
Về Việt Nam đón Tết, Quỳnh Anh không thể quay lại trường ở Trung Quốc do dịch bệnh. |
“Trong Tết, vì dịch Covid-19 bùng phát ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc và đã lan ra một số nước trong đó có Việt Nam, giáo viên giục bọn mình thu xếp quay lại sớm. Tuy nhiên sau đó, dù đã nhanh chóng đặt mua vé, mình vẫn không kịp đi vì biên giới đóng cửa”.
Không chỉ Quỳnh Anh, các bạn cùng lớp cô đến từ Thái Lan, Bangladesh, Mông Cổ… cũng chịu chung tình cảnh.
Năm đầu tiên chủ yếu ôn và học tiếng Trung Quốc, bước vào năm 2 với các môn chuyên ngành, Quỳnh Anh bị “khớp”, nhiều khi không theo kịp tiến độ bài giảng trên lớp vì gặp nhiều từ khó.
“Các giáo viên dạy bọn mình chủ yếu là thầy cô đã đứng tuổi, ít khi lên lớp online nên đôi lúc lớp học phải tạm ngừng vì trục trặc kỹ thuật, hay như khi thầy cô giảng bài chứa từ khó, mình cũng không thể hỏi luôn như khi học trực tiếp vì thầy cô ít để ý màn hình, đã giảng luôn đến phần mới”.
Bên cạnh đó, việc tìm tài liệu, sách phục vụ môn học cũng là điều thách thức đối với Quỳnh Anh và các bạn.
“2 năm trước, mình háo hức khi lên đường du học bao nhiêu thì giờ thất vọng và ngán ngẩm bấy nhiêu. Không được tiếp xúc với người bản địa, không trải nghiệm văn hóa địa phương, kiến thức thực tế mình thu được trong gần 3 năm qua gần như bằng 0. Đồ đạc để lại ký túc xá chắc cũng nấm mốc, hư hỏng cả rồi”.
Chưa từng được đặt chân đến trường
Không may mắn được làm quen trường học trong vài tháng như cô bạn thân Quỳnh Anh, Trương Tiểu Linh (sinh năm 1995) thậm chí chưa có cơ hội trực tiếp gặp mặt thầy cô, bạn cùng lớp.
Việc nhập học, làm quen kiến thức ở trường Linh đều phải thực hiện online. |
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch Hà Nội năm 2016, Tiểu Linh về Lạng Sơn làm việc.
Đến cuối năm 2019, muốn thử sức với môi trường mới, cô học tiếng Trung Quốc và xin học bổng du học ngành Truyền thông.
Ban đầu, vì điểm số chưa ấn tượng, Linh được nhận vào một trường ở Thượng Hải, chuyên ngành Kinh tế.
Thời gian này, dịch đã bắt đầu bùng phát nên việc nhập học, làm quen kiến thức cô đều phải thực hiện online.
Đến giữa năm 2020, cảm thấy bản thân vẫn yêu thích ngành Truyền thông hơn, Linh ôn tập và ứng tuyển lại, thành công được nhận vào Đại học Dân tộc Vân Nam.
“Hai năm, mình đã đổi trường, đổi ngành học nhưng chỉ có một điều không thay đổi là phải tiếp nhận mọi thứ từ xa do dịch bệnh.
Điều mình lo sợ nhất là 3 năm tới tình cảnh vẫn như hiện tại, mình phải tốt nghiệp trong khi chưa biết mặt mũi ngôi trường theo học ra sao”.
Khởi nghiệp
Mông lung khi bị kẹt lại Việt Nam, đôi bạn Quỳnh Anh, Tiểu Linh đứng trước nhiều băn khoăn và ngã rẽ. Vì lịch học không cố định, cả hai không thể đi làm thêm trang trải song nếu chỉ dành thời gian cho việc học lại thành ra quá nhàn rỗi.
Hai du học sinh quyết định khởi nghiệp, mở cửa hàng kinh doanh trong thời gian kẹt lại Việt Nam. |
“Gia đình mình cũng lo lắng, sốt ruột, gợi ý mình bỏ ngang để tìm việc ở Việt Nam cho ổn định nhưng mình không muốn vậy bởi đã nỗ lực đến tận bây giờ. Mình có một lựa chọn khác là bảo lưu một năm, chờ có thể sang trường học trực tiếp trở lại. Song nếu một năm nữa mọi thứ vẫn không thay đổi, mình bị trễ thêm một năm trong khi đã 27 tuổi rồi”, Quỳnh Anh kể.
Tương tự, Tiểu Linh phải bỏ dở nhiều kế hoạch ấp ủ khi không thể sang Trung Quốc.
Hiện, chính phủ nước này chưa công bố thời gian cụ thể các sinh viên đến từ Nam và Đông Nam Á có thể nhập cảnh để học tập trong bối cảnh biến chủng Omicron lan rộng.
Quyết định “phải làm gì đó” để có thêm thu nhập và tận dụng thời gian ngoài giờ học, tháng 10 vừa qua, hai người bạn quyết định thuê mặt bằng, mở một tiệm chuyên bán đồ ăn vặt phong cách Trung Quốc ở quê nhà.
“Phần lớn vốn mở cửa hàng bọn mình phải đi vay, thậm chí không bàn trước với gia đình. Đến gần ngày khai trương, mọi người mới được thông báo. Hai đứa đều biết giữa tình cảnh này mà còn đi vay mượn khởi nghiệp là liều lĩnh nhưng muốn thử để xem có thể đi được đến đâu”.
Ban đầu, hai cô gái dự tính theo dõi tình hình dịch bệnh, năm sau mới kinh doanh. Tuy nhiên trong một lần đi ăn, bắt gặp mặt bằng ở vị trí đẹp cho thuê với giá ưu đãi, đôi bạn đẩy nhanh tiến độ, xem đây như cái duyên.
Hàng ngày, Quỳnh Anh, Tiểu Linh vừa tranh thủ học online, vừa trông quán. |
Đi vào hoạt động được 2 tháng, cửa hàng của hai nữ du học sinh chưa đem lại nhiều lợi nhuận song bắt đầu có một số khách quen. Hàng ngày, Quỳnh Anh, Tiểu Linh vừa tranh thủ học online, vừa trông quán.
“Nếu thời gian tới có thể quay lại trường học, bọn mình sẽ ủy quyền quản lý cửa hàng cho người thân và điều hành từ xa. Kinh doanh trong quãng thời gian kẹt lại Việt Nam vì dịch song không vì thế mà bọn mình không tâm huyết và sẽ cố gắng phát triển, mở rộng cửa hàng”.