Jiankang nhớ chính xác ngày, giờ mình bị lừa khi tìm kiếm tình yêu trên mạng.
Đó là Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới 17/5/2020. Khi anh đang ăn tối với bạn cùng phòng ở Thượng Hải thì nhận được một cuộc gọi video.
Người gọi đến là "chàng trai trông dễ thương" mà anh từng trò chuyện và trao đổi liên lạc trên ứng dụng hẹn hò đồng tính Blued chỉ một tuần trước đó, theo Sixth Tone.
Chàng trai 27 tuổi không nghĩ nhiều và bắt máy. Trên màn hình xuất hiện hình ảnh nhạy cảm của một người đàn ông trong khoảng 10 giây rồi tắt máy. Sau đó, một tin nhắn được gửi đến, Jiankang nhấp vào liên kết bên trong và thấy một video khác chứa cảnh nhạy cảm có mặt mình.
Tại Trung Quốc, người đồng tính nam vẫn đối mặt nhiều rào cản vô hình trước xã hội. Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty. |
"Tôi đã hoảng sợ", Jiankang nói, nhớ lại khoảnh khắc nhìn thấy tin nhắn và phát hiện đường link trong đó chứa mã độc, xâm nhập danh bạ điện thoại của anh.
"Muốn thương lượng một chút không? Tôi sẽ cho bạn bè, đồng nghiệp và người thân của anh biết anh là một kẻ đồng tính", đối phương gửi tin nhắn đe dọa, sau đó yêu cầu 30.000 nhân dân tệ (4.700 USD) để giữ kín mọi chuyện.
Câu chuyện của Jiankang là một trong số hàng loạt vụ lừa đảo nhắm vào cộng đồng đồng tính nam ở Trung Quốc trên các ứng dụng hẹn hò, diễn đàn trực tuyến vài năm qua. Vấn đề này một lần nữa trở thành chủ đề bàn tán khi vào tháng 11, một số người đàn ông chia sẻ trải nghiệm tương tự Jiankang trên diễn đàn dành cho người đồng tính.
Nhắm vào người đồng tính nam
Là hiện tượng mới ở Trung Quốc, chiêu trò này từng xuất hiện tại nhiều nơi như Ghana, Ấn Độ, Australia, Anh theo mô tuýp: kẻ lừa đảo làm quen người đồng tính nam trên các ứng dụng hẹn hò, ép họ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm sau đó đe dọa phát tán chúng hoặc các đoạn tin nhắn.
Thủ đoạn này đặc biệt có tác dụng ở những quốc gia xem quan hệ đồng giới là bất hợp pháp, khiến nạn nhân không thể tìm đến cảnh sát và đành chấp nhận trả khoản tiền lớn cho kẻ xấu.
Kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý lo sợ của người đồng tính để tống tiền. Ảnh: EyeEm/People Visual. |
Ở Trung Quốc, đồng tính luyến ái không còn được xem là một tội hình sự nữa, song những lằn ranh và quy tắc vô hình vẫn tồn tại. Ngoài ra, dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, cả không gian trực tuyến và ngoại tuyến cho cộng đồng này vẫn đang dần bị thu hẹp.
Và mặc dù thái độ chung đối với cộng đồng LGBT đã thoải mái hơn trước, nhiều người vẫn không muốn công khai xu hướng tính dục của mình do mức độ chấp nhận trong xã hội vẫn còn thấp.
Trong số hơn 28.000 người thuộc cộng đồng LGBT Trung Quốc được hỏi, chỉ có khoảng 5% nói đã tiết lộ xu hướng tính dục, bản dạng giới hoặc biểu hiện giới của mình ở trường học và nơi làm việc, trong khi gần một nửa giấu gia đình, theo một nghiên cứu năm 2016 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.
"Với người đồng tính nam ở Trung Quốc, mối bận tâm lớn nhất thường là liệu cha mẹ và các thành viên trong gia đình có chấp nhận họ hay không. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng điều này", Wu Shangwei, phó giáo sư tại Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, nói.
Jiankang cho biết Blued đã xóa tài khoản của người đàn ông gọi điện cho anh ngay sau khi vụ lừa đảo được báo cáo. Tuy nhiên, một số kẻ lừa đảo đang bắt đầu "giăng lưới" xa hơn, không chỉ trên các ứng dụng hẹn hò.
Khó tìm sự giúp đỡ
Bai (25 tuổi, không phải tên thật) cho biết anh đã bị lừa trên Douban khi một người dùng tự nhận là đồng tính gửi cho anh một liên kết để tải xuống ứng dụng khiêu dâm đồng tính nam. Thông qua liên kết, người này đã truy cập được vào danh bạ điện thoại của Bai.
Kẻ lừa đảo yêu cầu 6.888 nhân dân tệ để giữ bí mật. Khi Bai từ chối đưa tiền, người này đã gọi điện thoại cho mẹ Bai, đe dọa sẽ tiết lộ xu hướng tính dục của con trai bà cho gia đình và bạn bè. Nhưng ngay cả mẹ Bai, người vốn vẫn muốn anh là "trai thẳng", cũng không lung lay.
"Lần này, mẹ đứng về phía tôi, cùng tôi đoàn kết chống lại kẻ lừa đảo. Sự việc cũng giúp cải thiện mối quan hệ của tôi với gia đình và đưa chúng tôi lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo vẫn sẽ lợi dụng sự thiếu hòa nhập, cởi mở với xã hội của người đồng tính để thực hiện hành vi tống tiền".
Người đồng tính nam khó có thể nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát khi bị lừa đảo vì sợ thông tin nhạy cảm có thể bị công khai. Ảnh: EyeEm. |
Thời gian qua, hàng nghìn người ở Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của những vụ "lừa đảo khỏa thân": những kẻ xấu đóng giả phụ nữ làm quen, lôi kéo nạn nhân nam gửi ảnh khỏa thân rồi dùng chúng để tống tiền. Từ năm 2011 đến năm 2020, khoảng 2.000 người ở hơn 20 tỉnh đã mất khoảng 24 triệu nhân dân tệ.
Trong khi nạn nhân bình thường có thể trực tiếp tố cáo các vụ lừa đảo này đến cảnh sát, nhiều chuyên gia cho rằng những người đồng tính nam không thể làm vậy vì lo sợ nhờ đến pháp luật có thể phản tác dụng.
"Những trò lừa đảo nhắm vào người đồng tính nam khác với nhắm vào người dị tính, chúng cố ý lợi dụng sự kỳ thị cộng đồng người đồng tính trong xã hội", phó giáo sư Wu nhận xét.
Theo Jiankang, nhiều người đồng tính nam trên các ứng dụng hẹn hò vẫn chưa nhận thức được những nguy hiểm đang rình rập mình và đôi khi rơi vào tình huống không mong muốn. Với Jiankang, anh từ chối trả tiền cho kẻ lừa đảo và cuối cùng người đàn ông đó ngừng nhắn tin cho anh.
"Từng có lúc tôi cảm thấy bơ vơ, muốn hỏi tại sao anh ta lại căm ghét những người đồng tính như vậy và dùng sự căm ghét đó để tấn công chúng tôi. Anh ta lợi dụng sự dễ bị tổn thương, sợ hãi của những người đồng tính không dám come out".
Một năm sau sự việc, Jiankang cho biết anh vẫn thấy cay đắng về trải nghiệm của mình song vẫn giữ ứng dụng và dùng nó một cách thận trọng hơn. Anh học cách tìm hiểu kỹ hơn trước khi nghe điện thoại hay nhấp vào các đường link nhận được và thậm chí cố gắng dạy dỗ những kẻ lừa đảo, như điều anh làm với người đàn ông lần trước.