Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Người Hàn Quốc ở TP.HCM nhớ vị cơm tấm, bún bò Huế

Dù đã thử nhiều lần, HaYeong thừa nhận mình không thể nấu đồ ăn Việt đúng chuẩn. Những ngày giãn cách xã hội, cô gái Hàn Quốc chủ yếu thực hiện các công thức món Hàn, Âu.

nguoi Han Quoc tai TP.HCM anh 1

Dù đã thử nhiều lần, HaYeong thừa nhận mình không thể nấu đồ ăn Việt đúng chuẩn. Những ngày giãn cách xã hội, cô gái 26 tuổi chủ yếu thực hiện các công thức món Hàn, Âu.

Không chỉ HaYeong, một số người trẻ Hàn Quốc trong cuộc trò chuyện với Zing cũng thay đổi thói quen ăn uống, gặp khó khăn khi mua sắm thực phẩm mùa dịch.

Tuy vậy, họ dần thích nghi với việc nấu nướng và tin rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi.



Bữa ăn đơn giản nhưng phải có rau củ

Yelim Byeon, TP Thủ Đức

nguoi Han Quoc tai TP.HCM anh 2

Tôi và gia đình chuyển đến sống ở TP.HCM cũng được 4 năm. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 này, thành phố tôi sống bị ảnh hưởng nặng nề. Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải có lẽ là khi tìm mua thực phẩm, nguyên liệu nấu ăn, đặc biệt là rau.

Vì con trai mới 16 tháng tuổi nên tôi phải luôn ở bên cạnh và mua thực phẩm chủ yếu bằng hình thức online. Thời gian đầu, nhiều người lo lắng về nguồn cung thực phẩm có giới hạn nên đổ xô đi mua khiến một số đơn hàng của tôi bị hủy hoặc giao thiếu món.

Ưu tiên số một là các điểm bán thực phẩm gần nhà để giảm phí giao hàng như Big C hay Annam Gourmet... Một tuần, tôi đều đặn mua rau củ, thực phẩm khoảng 3 lần, lúc nghe tin có hàng về.

Tôi nhận ra việc bảo quản thực phẩm rất quan trọng trong giai đoạn này, làm sao để kéo dài thời gian sử dụng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Bây giờ, mỗi ngày tôi dành khoảng một tiếng cho việc nấu nướng. Thịt heo thường ướp theo kiểu Hàn Quốc rồi bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Các bữa ăn đều cố gắng đơn giản nhưng vẫn đầy đủ rau củ để tăng cường sức khỏe cả gia đình.



Thử nấu món Việt tại nhà nhưng thất bại

HaYeong, Bình Chánh

nguoi Han Quoc tai TP.HCM anh 3

Trước kia, tôi hay la cà hàng quán cùng bạn bè nên ăn được khá nhiều món Việt lạ, ngon.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể ra ngoài, tôi thèm món nào thì nấu món ấy cho tiết kiệm. Dù đã sống ở đây ngót nghét 10 năm, học hỏi bạn bè, người xung quanh cách chế biến đồ ăn Việt nhưng vẫn không thể nấu ra hương vị đúng chuẩn. Vì vậy gần 2 tháng nay, tôi chỉ trung thành với món Hàn Quốc hoặc mì spaghetti, steak...

Tôi chủ yếu tìm công thức nấu ăn trên Internet hoặc các món ngon mình vô tình bắt gặp khi lướt mạng xã hội. Ngày nay khá phổ biến các kênh nấu ăn cho người độc thân với nhiều món mới lạ mà cách chế biến đơn giản.

Về nguyên liệu chế biến, trước kia, tôi hay mua thực phẩm 2 tuần/lần ở siêu thị gần nhà. Bây giờ, tôi chỉ đặt mua online. Mỗi lần "đi chợ" mất khoảng 1-2 triệu đồng.

Nhiều lúc thèm món Việt, tôi lướt thử các app giao hàng nhưng không quán nào còn mở cửa. Tôi nhớ nhất bún bò Huế, hủ tiếu, bún riêu, bánh mì. Ngoài ra, tôi cũng sẽ đi ăn sushi ngay sau khi kết thúc giãn cách.



Chỉ ăn đồ hộp, mì tôm trong thời gian giãn cách

Jeon Eun Su, quận 7

nguoi Han Quoc tai TP.HCM anh 4

Tôi sống ở TP.HCM 14 năm, học chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam nên khá hiểu về văn hóa và ẩm thực của thành phố này. Tôi hay cùng bạn bè thưởng thức phở, bánh xèo, lẩu hải sản, cơm sườn bì chả và uống bia. Những người bạn Hàn Quốc đến Việt Nam du lịch đều gật gù đồng ý đồ ăn ở đây hợp khẩu vị, độc đáo.

Bình thường, mẹ là người chuẩn bị từng bữa ăn nên tôi không quá để tâm học nấu nướng. Gần đây, mẹ trở về Hàn Quốc, TP.HCM lại thực hiện giãn cách, tôi gặp khó khăn hơn bao giờ hết trong khâu ăn uống. Hàng quán đóng cửa cộng với việc không biết nấu ăn chính là bất lợi lớn nhất của tôi lúc này.

Tôi ngay lập tức đến cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn, cà phê, nước uống. Đồ ăn tôi tích trữ chủ yếu là mì ăn liền Hàn Quốc.

Có lẽ bây giờ, tôi nhớ nhất là không gian đường phố nhộn nhịp, sôi động trước thời điểm đại dịch bùng phát. Tôi nghĩ việc giãn cách lúc này là cần thiết, ai cũng nên có ý thức chung tay chống dịch để cuộc sống sinh hoạt nhanh chóng trở lại bình thường.



Ăn cùng gia đình chủ nhà người Việt

Julie Juhee Kim, quận 1

nguoi Han Quoc tai TP.HCM anh 5

Năm trước, tôi sang Việt Nam học đại học theo diện sinh viên trao đổi. Ở lại TP.HCM chỉ khoảng 1 căn trong căn phòng trọ nhỏ nên tôi không mua dụng cụ nấu nướng.

Tôi ăn hay gọi đồ về nhà hoặc ăn trực tiếp tại tiệm. Khu tôi sống tập trung khá nhiều quán bán đồ Hàn nên khi mới đến tôi cũng không bỡ ngỡ. Bạn bè cũng hay giới thiệu món Việt, tôi khá ấn tượng với bún thịt nướng.

Thời gian này ai cũng gặp khó khăn. Tôi may mắn gặp gia đình chủ trọ khá tâm lý, họ sẵn sàng nấu ăn và hỗ trợ những ngày này. Tôi chỉ cần đóng tiền mỗi tháng.

Tuần tới, tôi sẽ trở lại Hàn Quốc vì kỳ học đã kết thúc. Một năm ở TP.HCM, tôi chưa có cơ hội khám phá nhiều nơi, thưởng thức món ngon vì dịch bệnh. Tôi hy vọng thành phố sẽ sớm "khỏe mạnh" trở lại.

Đồ đông lạnh có thể bảo quản trong bao lâu?

Người nội trợ có thể đông lạnh thịt, cá, rau, trái cây... để bảo quản lâu dài. Tuy nhiên, sau thời gian nhất định, chất lượng và hương vị của thực phẩm đông lạnh giảm đi đáng kể.

Pizza mang về vị ổn nhưng tôi thích ăn ở tiệm hơn

Pizza đóng hộp là lựa chọn phù hợp cho những tín đồ món Italy trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhìn chung, hương vị bánh không quá khác biệt so với ăn tại nhà hàng.

Thảo Ly

Bạn có thể quan tâm