Mâm cúng tổ tiên ở Hàn Quốc cầu kỳ, gồm nhiều món. Ảnh: Jens-Olaf Walter. |
Đối với nhiều khách hàng sống một mình hoặc không có thời gian để nấu tất cả món ăn cho mâm cúng, các sản phẩm chế biến sẵn, được bán nhiều trong các trung tâm thương mại, siêu thị, là lựa chọn hợp lý, theo Chosun Ilbo.
Trong cuộc khảo sát của cổng thông tin tìm kiếm việc làm Incruit trên 828 người mới đây về cách chuẩn bị mâm cúng tổ tiên, 56,3% cho biết sẽ mua tất cả hoặc một số món làm sẵn.
Zipbanchan, kênh cung cấp các bữa ăn được chế biến sẵn giao đến tận nhà, tung ra set Tết Nguyên đán bao gồm nhiều món truyền thống từ các vùng miền. Trong dịp chạy thử vào Tết Trung thu, doanh số bán hàng ghi nhận tăng 209% so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái.
"Ngay cả những người tiêu dùng lớn tuổi cũng dường như không còn e ngại việc mua các món làm sẵn cho mâm cúng tổ tiên", Park Jong Cheol, làm việc tại Zipbanchan, cho biết.
Nhiều người Hàn Quốc bắt đầu mua các món chế biến sẵn cho mâm cúng tổ tiên. Ảnh: Viện nghiên cứu Hàn Quốc. |
Một nhân viên tại The Banchan, một thương hiệu bán đồ làm sẵn khác do công ty hải sản Dongwon điều hành, cho biết: "Người tiêu dùng trẻ tuổi ưa chuộng các đồ ăn chế biến sẵn vì chúng tiết kiệm sức lao động và giá cả phải chăng".
Một bộ đầy đủ các món cho mâm cúng của The Banchan có giá 250.000 won. Trong khi đó, các gia đình cần khoảng 230.000 won nếu tự mua nguyên liệu sống để nấu.
Cửa hàng bách hóa Hyundai cũng đã tăng 50% số món ăn chế biến sẵn cho mâm cúng tổ tiên so với năm ngoái để phục vụ nhu cầu gia tăng. Trong khi đó, khách sạn Lotte ở Seoul cung cấp dịch vụ đặt món tùy chọn do đầu bếp khách sạn chuẩn bị.
Một nhân viên của khách sạn Lotte cho biết: “Trước đây, thực đơn gồm các set quà ngày lễ, nhưng hiện chúng tôi tập trung vào các món ăn bày trên bàn cúng tổ tiên hơn".
Tại Hàn Quốc, mâm thức ăn cúng thường gồm nhiều món, chuẩn bị cầu kỳ nên tốn không ít công sức. Ngoài hoa quả, canh bánh gạo, mâm cúng không thể thiếu rau củ chiên, thịt bò, cá, rau rừng, miến trộn...
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.