Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Người hùng Olympic' phá vỡ định kiến giới trong thể thao Philippines

"Người hùng Olympic" Carlos Yulo cũng từng bị nghi ngờ về giới tính khi thi đấu thể dục nghệ thuật - môn thể thao bị coi là chỉ dành cho phụ nữ ở Philippines.

Carlos Yulo (24 tuổi), VĐV thể dục nghệ thuật của Philippines, được ví là "người hùng" khi trở thành VĐV đầu tiên của Đông Nam Á giành được hai tấm HCV tại Thế vận hội năm nay.

Thành tích của anh được người dân Philippines ca ngợi. Yulo còn được so sánh với Hidilyn Diaz - VĐV nữ đã giành HCV cử tạ tại Olympic Tokyo cách đây 3 năm - khi cả hai người đều góp phần phá bỏ định kiến trong thể thao, giành chiến thắng ở các bộ môn được cho là do giới còn lại thống trị.

"Người Philippines đã được ăn mừng huy chương vàng của một phụ nữ ở môn cử tạ và một người đàn ông ở môn thể dục dụng cụ. Mong rằng điều này sẽ gửi đi thông điệp rằng thể thao không có giới tính và chúng ta nên ngừng để cho định kiến ​​giới hạn tương lai của các VĐV", một người viết trên X (Twitter).

Chiến thắng ở môn bị coi là "chỉ dành cho nữ"

Bóng chuyền và thể dục dụng cụ bằng cách nào đó được coi là môn thể thao dành cho nữ giới tại Philippines. Vì vậy, nếu bạn là nam và chơi hai môn thể thao này, bạn chắc chắn sẽ bị nghi ngờ về mặt tình dục.

Bản thân Yulo cũng được cho là không thoát khỏi những đồn đoán về giới tính, cho đến khi anh công khai tình cảm với bạn gái trên mạng xã hội vào năm 2022.

Cuộc ăn mừng thành tích của Yulo trên khắp đất nước đã thổi bùng niềm hy vọng từ những người ủng hộ bình đẳng giới rằng chiến thắng lịch sử của ngôi sao 24 tuổi sẽ giúp phá vỡ định kiến ​​giới tính lâu đời trong thể thao và các lĩnh vực khác tại Philippines.

Công chúng và các chuyên gia nhấn mạnh rằng đã đến lúc các bậc phụ huynh ở Philippines nên gạt bỏ các chuẩn mực giới tính lâu đời trong thể thao để con cái họ được phát huy hết tài năng của mình.

"Một số 'tài năng' vẫn bị gắn với giới tính nhất định. Đàn ông được cho là mạnh mẽ, trong khi phụ nữ được kỳ vọng duyên dáng. Những kỳ vọng hoặc khuôn mẫu giới tính này không chỉ hạn chế tiềm năng của cá nhân mà còn của toàn xã hội. Những thành kiến cũng được thấy trong thể thao", Vince Liban, thành viên của nhóm vận động hành lang về giới do thanh niên lãnh đạo PANTAY, cho biết.

"Tôi coi Carlos Yulo và Hidilyn Diaz là những nhà vô địch, không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà còn về sự bình đẳng. Họ là bằng chứng tuyệt vời cho thấy chúng ta có thể phá vỡ những khuôn mẫu hạn chế nam, nữ và các VĐV có khuynh hướng tình dục, bản dạng giới khác nhau phát huy toàn bộ tài năng của họ", Liban nói.

Cuộc thảo luận về thành tích thể dục dụng cụ của Yulo cũng được so sánh với bóng rổ - môn thể thao thống trị, được nhiều người hâm mộ nhất đất nước, thu hút mạnh mẽ các nhà tài trợ tư nhân vì lợi nhuận khổng lồ của nó.

Bóng rổ được coi là biểu tượng của nam tính người Philippines - thứ gây tranh cãi giữa cộng đồng LGBTQ+ tại nước này và những cá nhân coi bóng rổ là thước đo về khuynh hướng tình dục và bản dạng giới của họ.

nguoi hung Olympic Philippines anh 3

Ở Philippines, bóng rổ là biểu tượng của nam tính, trong khi bóng chuyền và thể dục dục cụ được coi là môn thể thao cho nữ giới. Ảnh: New York Times.

Tác giả Ian Rosales Cosacot đã viết trên X, trong một chủ đề được chia sẻ hơn 2.000 lần, rằng: "Trong một thời gian dài nhất, bóng rổ thực sự là biểu tượng của nam tính tại Philippines, vì nó thể hiện sự nam tính biểu diễn mà nhiều người đàn ông Philippines cho là tồn tại. Khi còn nhỏ, tôi nhớ những người đàn ông trưởng thành xung quanh tôi uống bia và vỗ ngực khi cổ vũ cho đội bóng rổ yêu thích của họ trên TV".

Khi Mỹ chiếm đóng Philippines vào năm 1898, sau hơn 3 thế kỷ nước này chịu sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha, họ đã mang nhiều khía cạnh văn hóa của mình đến gần hơn với người Philippines, bao gồm các môn thể thao như quyền Anh và bóng rổ, được phổ biến thông qua hệ thống trường công mà Mỹ đã triển khai trên khắp cả nước.

"Người Tây Ban Nha đã bình thường hóa chủ nghĩa nam quyền, và người Mỹ đã giới thiệu bóng rổ. Vì chế độ gia trưởng, những môn thể thao này vẫn tồn tại", Athena Charanne Presto, một nhà xã hội học từ Đại học Philippines, cho biết.

Các môn thể thao trở thành thước đo giới tính

Presto cho biết nhiều người Philippines đã bị đánh giá về giới tính hoặc khuynh hướng tình dục dựa trên năng lực hoặc sở thích của họ trong thể thao, đặc biệt là bóng rổ, cho thấy định kiến ​​giới đã ăn sâu như thế nào trong thể thao.

"Tôi đã chứng kiến ​​nhiều người, đặc biệt những người là thành viên của cộng đồng LGBTQ+, bị ép phải chơi bóng rổ khi còn nhỏ, hoặc những người được tặng một quả bóng rổ vào ngày sinh nhật, ngay cả khi họ không thích môn thể thao này", nhà xã hội học nói.

Presto nói thêm rằng kỳ vọng về giới tính tương tự cũng được áp lên phụ nữ, khi sở thích chơi bóng rổ của phái đẹp sẽ bị coi là không phù hợp với chuẩn xã hội.

Thay vào đó, những phụ nữ yêu thể thao được cho là nên tập luyện để trở thành VĐV bóng chuyền - bộ môn mà các giải chuyên nghiệp nữ rất phổ biến tại Philippines.

Năm 2023, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines phát hiện ra rằng 99,5% người nước này có định kiến ​​​​với phụ nữ.

"Nếu bạn là phụ nữ, bạn không nên chơi bóng rổ, nếu không bạn sẽ bị gắn mác là đồng tính nữ. Từ những gì bạn thấy ở trường, phương tiện truyền thông, thậm chí trong gia đình, các tin tức phổ biến nhất là về đội bóng rổ nam và đội bóng chuyền nữ cho thấy các chuẩn mực và khuôn mẫu giới tính tồn tại ở cấp độ thể chế", Presto cho biết.

Cosacot, khi được This Week in Asia liên hệ, cho biết: "Tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi cho các dòng tweet của mình, kể chi tiết về áp lực từ cha mẹ hoặc gia đình - thường là từ những người họ hàng nam lớn tuổi - ép con trai chơi bóng rổ để chứng minh bản lĩnh đàn ông của chúng, và rồi thất vọng khi thất bại".

Liban cho biết: "Số đông người dân Philippines hiện tại không chỉ coi chiến thắng của Carlos Yulo là niềm tự hào cho đất nước, mà còn hiểu rằng đối với những đứa trẻ muốn đuổi ước mơ trong thể thao thì định kiến ​​và khuôn mẫu giới chính là kẻ thù của thành công".

Tuy nhiên, Presto cho rằng một sự kiện duy nhất như chiến thắng tại Olympic của VĐV là không đủ để thay đổi kỳ vọng về giới tính trong thể thao. "Trên mạng xã hội, mọi người đang ăn mừng và điều đó là đúng. Nhưng cần phải thừa nhận rằng một sự kiện duy nhất không thể thực sự trở thành khoảnh khắc mang tính bước ngoặt".

Nhà xã hội học này nói thêm rằng cần có "cách tiếp cận toàn xã hội" để thể thao trở nên toàn diện hơn và "nỗ lực của chính phủ và xã hội phải song hành".

Nguồn tài trợ và phân bổ nguồn lực của chính phủ từ lâu đã là nỗi đau đối với nhiều VĐV Philippines. Ủy ban Thể thao Philippines sẽ nhận được hơn 720 triệu peso (12,6 triệu USD) tiền quỹ vào năm tới, thấp hơn 37% so với năm nay.

Việc thiếu sự hỗ trợ đã khiến một số VĐV tài năng chấp nhận lời mời đại diện cho quốc gia khác. Ví dụ, VĐV cờ vua Wesley So đã chuyển sang đại diện cho Liên đoàn cờ vua Mỹ vào năm 2015 và hiện là kỳ thủ được đánh giá cao nhất tại nước này.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Hành động 'chống quấy rối' của nam VĐV gây sốt tại Olympic

Động tác lấy khăn tắm che quần bơi của VĐV nhảy cầu người Đức được coi là sự đáp trả trước việc nhiều VĐV nam bị nhìn chằm chằm vào bộ phận nhạy cảm suốt kỳ Olympic.

Đinh Phạm

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm