Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người hùng' tên Tạch vạch lỗ hổng kiểm soát chất lượng ôtô

Đó là ý kiến của một kỹ sư làm việc lâu năm trong dây chuyền sản xuất xe Toyota ở Việt Nam, người luôn đau đáu về chất lượng ô tô lắp ráp trong nước.

Trong quá trình đi tìm những dấu mốc làm thay đổi văn hóa triệu hồi xe và những vấn đề liên quan đến chất lượng lắp ráp trong nước, nhóm PV Báo Giao thông đã gặp lại KS. Lê Văn Tạch (ảnh bên), người từng “một mình chống lại Toyota VN” để phơi bày sự thật về vấn đề chất lượng mà liên doanh xe Nhật Bản không muốn công khai.

Hơn bốn năm kể từ thời điểm người được mệnh danh “thay đổi lịch sử triệu hồi xe ở Việt Nam” xuất hiện từ “bóng tối” đấu tranh cho quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, cuộc sống của KS. Lê Văn Tạch đã có nhiều thay đổi. Thế nhưng, nỗi niềm về việc phát hiện lỗi và mong muốn nâng cao chất lượng ô tô trong anh vẫn không nguôi.

Trải lòng với Báo Giao thông, KS. Lê Văn Tạch chỉ ra khá nhiều điểm bất cập trong quy trình kiểm tra chất lượng và phát hiện lỗi trên các dây chuyền lắp ráp ô tô trong nước.

- Sau “biến cố” năm 2011, cuộc sống và công việc của anh giờ ra sao?

Sau sự việc đó, công việc của tôi đã có thay đổi dù vẫn tiếp tục làm việc tại Toyota Việt Nam. Công việc mới của tôi là làm vận chuyển (logistic) và không liên quan đến chuyên môn khi vào công ty.

Còn về cuộc sống gia đình cũng không có vấn đề gì ảnh hưởng lớn. Chúng tôi có giai đoạn từng cảm thấy lo sợ và căng thẳng nhưng hiện vẫn rất hạnh phúc.

- Ở công việc mới, anh có còn quan tâm tới các vấn đề chất lượng của ô tô nói chung và xe Toyota nói riêng?

Trên thực tế, ngay sau sự vụ đó, họ (Toyota VN - PV) không để tôi bước chân vào nhà máy nữa và tôi chỉ làm việc ở bên ngoài dây chuyền sản xuất. Dù đã làm ở vị trí khác nhưng tôi vẫn rất quan tâm tới các vấn đề chất lượng trong sản xuất của Toyota. Tôi luôn nhờ các bạn, đồng nghiệp làm ở các bộ phận liên quan theo dõi và chia sẻ thông tin cùng. Quy trình sản xuất, rồi chất lượng xe Toyota đã có những thay đổi gì sau các nỗ lực của anh.

KS. Lê Văn Tạch.

KS. Lê Văn Tạch.

Theo phản ánh từ đồng nghiệp chứ tôi chưa có cơ hội nhìn nhận và đánh giá thực tế, nhờ vụ việc của tôi mà trong dây chuyền sản xuất đã được cải thiện hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, vẫn có những thiết bị tôi đề xuất có tính chất quyết định tới chất lượng của hai dòng xe quan trọng là Innova và Fortuner hiện chưa được đầu tư thỏa đáng. Những thiết bị đó có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và độ ổn định khi vận hành cho hai dòng xe này, có thể chưa được đáp ứng.

Theo phản ánh của đồng nghiệp, hầu hết các đề xuất của tôi về việc nâng cao chất lượng xe lắp ráp đã được Toyota Việt Nam đáp ứng, nhưng trừ một thiết bị có giá trị lớn thì chưa. Tôi cũng chưa rõ họ xử lý thế nào để giải quyết vấn đề chất lượng xe khi không có cái máy mà tôi đã từng thấy trên dây chuyền ở Thái Lan vốn dùng để giám sát và đảm bảo độ ổn định của xe. Tuy nhiên, giá trị đầu tư cho thiết bị này có thể lên tới hàng triệu đôla.

- Anh đánh giá thế nào về quy trình rà soát lỗi, triệu hồi xe lỗi của Toyota nói riêng và ô tô nói chung tại Việt Nam? Còn những lỗ hổng nào cần xử lý để phát hiện lỗi sớm trên xe?

Theo tôi, vẫn còn lỗ hổng lớn trong quá trình rà soát chất lượng sản phẩm ô tô ở Việt Nam. Tôi cho rằng khi một sản phẩm được làm ra, việc quan trọng là phải kiểm soát được chất lượng trong công đoạn sản xuất.

Tôi không rõ các cơ quan chức năng có can thiệp, có xuống trực tiếp để giám sát chặt chẽ các thiết bị trong quá trình sản xuất, hay chỉ kiểm tra khi chiếc xe đã được lắp thành hình.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ kiểm tra khi chiếc xe đã thành hình thì việc này gần như là vô nghĩa. Vì khi đã lắp xong, có tới 70-80% hạng mục kỹ thuật không thể kiểm soát được vì đã được lắp kín. Trong đó, có nhiều hạng mục đặc biệt quan trọng sẽ không thể kiểm soát được chất lượng và chỉ kiểm tra được vài hạng mục với vài chục %. Do đó, nếu không có đánh giá trực tiếp trên dây chuyền, không kiểm tra ngẫu nhiên sẽ dễ bị lọt lỗi.

Tôi cho rằng, cần có đoàn đánh giá được quy trình công nghệ, quy trình quản lý cũng như chất lượng thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Các cơ quan chức năng cần hàng tháng, hàng quý xuống kiểm tra ngẫu nhiên để rà soát lại, chứ như hiện nay thì chưa thể kiểm soát hết lỗi.

Ngoài ra, các nhà sản xuất luôn tìm cách hạn chế mức đầu tư thiết bị, nên rất cần các cơ quan nhà nước kiểm tra chặt các thiết bị đưa vào sản xuất xem có đảm bảo hay không, mức độ hoạt động ổn định thế nào. Nếu chỉ kiểm soát xe thành phẩm thì sẽ rất khó đánh giá xe có đủ đảm bảo chất lượng vận hành.

- Anh có đề xuất gì để nâng cao chất lượng và kiểm soát lỗi trong quá trình sản xuất ô tô, gửi tới cơ quan quản lý hay không?

Tôi đã từng gửi thư kiến nghị và đề xuất tới Cục Đăng kiểm Việt Nam phản ánh ba lỗi trên xe Toyota. Một năm sau đó, tôi nhận được câu trả lời khẳng định phản ánh của tôi là đúng.

Tuy nhiên, số lượng xe lỗi của Toyota do tôi phản ánh, đặc biệt là các xe liên quan đến lỗi cân bằng áp suất hệ thống phanh, lỗi nghiêm trọng nhất trong ba lỗi tôi đã nêu, mới chỉ được Toyota Việt Nam thừa nhận nhưng khắc phục rất ít trong thực tế.

Theo số liệu tôi có được, số xe lỗi lên tới 60.000 xe, nhưng thực tế Toyota Việt Nam mới chỉ triệu hồi có vài trăm xe. Tôi sẵn sàng đứng ra bảo vệ con số này trước hội đồng khoa học hay chuyên gia ô tô.

Cho đến thời điểm này, tôi vẫn đang băn khoăn về độ an toàn của những chiếc xe mắc lỗi trên đã lọt ra thị trường, bởi trong các lỗi kỹ thuật, lỗi mất cân bằng áp suất hệ thống phanh là một trong những lỗi nghiêm trọng nhất của xe. Và như vậy, các xe mắc lỗi như thế có đủ điều kiện để vận hành trên đường hay không và nó có thể gây rủi ro cho người tham gia giao thông như thế nào?

http://www.atgt.vn/nguoi-hung-ten-tach-vach-lo-hong-kiem-soat-chat-luong-oto-o-vn-d107366.html

Theo Giang Huyền - Toàn Hoà/Giao Thông

Bạn có thể quan tâm