Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Người Kiến’ - Bộ phim siêu anh hùng đầy khác biệt

Trình làng nhân vật Ant-Man trong mùa hè 2015, Marvel Studios đem tới cho khán giả một tác phẩm siêu anh hùng mang nhiều nét mới lạ.

Ant-Man xoay quanh nhân vật Scott Lang (Paul Rudd), người từ một tên đạo chích từng bị bỏ tù rồi trở thành siêu anh hùng Người Kiến. Lang được coi là truyền nhân của thành viên sáng lập biệt đội Avengers, giáo sư Hank Pym (Michael Douglas).

Với bộ đồ đặc biệt có khả năng biến người bình thường trở nên nhỏ bé như kiến cùng sức mạnh phi thường, Scott Lang có nhiệm vụ bảo vệ công thức bí mật tạo nên bộ đồ siêu đẳng do Pym sáng tạo nên. Đối thủ của anh là CEO tập đoàn Pym Technologies, Darren Cross (Corey Stoll). Hắn mang tham vọng thương mại hóa bộ đồ như một loại vũ khí, khiến thế giới đứng trước nguy cơ bị tàn phá.

Người Kiến là siêu anh hùng mới nhất đến từ Marvel Studios.

Có kinh phí sản xuất 130 triệu USD, Ant-Man có vẻ “nhẹ ký” hơn nhiều so với siêu bom tấn nhà Marvel Studios hồi đầu mùa hè là Avengers: Age of Ultron. Tuy nhiên, “nhỏ nhưng có võ”, bộ phim vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu tại khu vực Bắc Mỹ trong tuần đầu ra rạp.

Trên thực tế, dự án Ant-Man gặp phải rất nhiều khó khăn trước khi ra rạp. Edgar Wright, người ấp ủ ý tưởng xây dựng bộ phim từ năm 2006, rời bỏ ghế chỉ đạo trước khi phim bấm máy chỉ vài ngày do những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa anh và ban lãnh đạo Marvel Studios. Sau đó, Ant-Man được tiếp tục dưới bàn tay chỉ đạo của đạo diễn Peyton Reed.

Ant-Man hơi giống Guardians of the Galaxy khi bộ phim mang đậm nét hài hước và nhịp nhàng nhờ sự tung hứng của các diễn viên Paul Rudd, Michael Peña, TI và Wood Harris khi họ là thành viên của một nhóm trộm. Song, đại chúng thắc mắc rằng liệu một gã đàn ông chỉ biết thu nhỏ kích cỡ thì có thể làm được trò trống gì trong thế giới của những Iron Man, Captain America hay Hulk?

Nhiều người từng nghi ngờ không biết liệu Người Kiến có thể sánh ngang với các siêu anh hùng quen thuộc trong series Avengers hay không.

Peyton Reed giới thiệu Ant-Man cho khán giả qua phong cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Sự hài hước cùng tình yêu thương là hai yếu tố khiến người xem dễ đồng cảm với nhân vật. Tài tử Paul Rudd, người thường được biết đến qua những vai hài duyên dáng, có một cuộc lột xác ngoạn mục để vào vai Scott Lang/Ant-Man.

Thân hình cơ bắp khỏe khoắn, khuôn mặt điển trai, đôi mắt “biết nói” quyến rũ và những câu thoại hài hước, tất cả giúp Rudd chiếm trọn cảm tình trong lần đầu hóa thân thành siêu anh hùng. Ở Scott Lang của Paul Rudd vẫn có điều gì đó rất “con người”, rất gần gũi, không quá giáo điều hoặc vĩ đại như những siêu anh hùng khác.

Từ xuất thân là phường trộm cắp, vào tù ra tội, Scott Lang không chiến đấu vì nhân loại, vì tổ quốc hay lý tưởng cao đẹp. Anh chỉ đơn thuần muốn trở thành người hùng trong mắt đứa con gái bé nhỏ. Chính động cơ giản dị này lại là thứ khiến Người Kiến trở nên nổi bật trong dàn siêu anh hùng Marvel từ trước đến nay.

Về bản chất, Ant-Man là câu chuyện xoay quanh hai người cha.
Về bản chất, Ant-Man là câu chuyện xoay quanh hai người cha.

Ant-Man có thể được coi là bộ phim tình cảm gia đình với nhân vật chính là siêu anh hùng. Mối quan hệ cha con là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ phim, đồng thời kết nối Scott Lang với Người Kiến đời trước, tức tiến sĩ Hank Pym. Cả hai người đàn ông tưởng chừng cứng rắn đều mang trong mình nỗi lo canh cánh về con gái.

Kể từ khi mẹ qua đời, mối quan hệ cha con giữa Hank Pym và cô con gái duy nhất Hope Van Dyne ngày càng trở nên xa cách. Nhưng vì muốn chống lại âm mưu xấu xa của Darren Cross mà cô quay lại thuyết phục cha mình cho phép cô mặc bộ đồ Người Kiến.

Tuy nhiên, Hank Pym lại từ chối và giao bảo bối lại cho Scott Lang. Sau rất nhiều chông gai, những khúc mắc giữa Hank Pym và Hope mãi mới được giải tỏa. Trong khi đó, quá khứ tù tội khiến Scott Lang luôn mặc cảm khi đứng trước cô con gái bé nhỏ. Mong ước được một lần trở thành người hùng trong mắt con chỉ trở thành hiện thực sau khi anh hoàn thành nhiệm vụ dành cho Người Kiến.

Bên cạnh những nhân vật chính diện, vai phản diện Yellowjacket của Darren Cross chưa được tốt như mong đợi. Đây vẫn là điểm yếu cố hữu của Marvel Studios khi họ hiếm khi xây dựng được nhân vật phản diện xứng tầm. Động cơ phạm tội của Yellowjacket quen thuộc đến mức nhàm chán. Tính cách nhân vật không nổi trội và hơn hết là trận đánh then chốt cuối phim cũng không hấp dẫn như khán giả kỳ vọng.

Khán giả được trải nghiệm cuộc sống thông qua con mắt của những người bạn tí hon trong phim.

Điều đáng khen nhất của Ant-Man là thành công tạo ra một “thế giới thu nhỏ” phong phú. Thông qua góc nhìn của Người Kiến, khán giả được trải nghiệm cuộc sống thú vị của loài kiến nhỏ xíu nhưng sinh động. Những cảnh Người Kiến chiến đấu bằng cách biến to rồi thu nhỏ là rất cuốn hút và độc đáo. Chưa có bộ phim siêu anh hùng nào lại thiết lập bối cảnh chiến đấu sống còn trong… mô hình đồ chơi tàu hỏa như bộ phim mới. Các kiến thức liên quan đến vật lý và sinh học được áp dụng trong phim cũng rất logic, thể hiện sự chu đáo và tận tâm của những nhà làm phim.

Tuy nhiên, mạch phim lê thê ở đoạn đầu có thể khiến nhiều khán giả mất kiên nhẫn. Hiệu ứng 3D chỉ ở mức trung bình nên chưa đem đến cảm giác mãn nhãn. 

Cuối cùng, phim có hai đoạn sau credits, hé lộ các tình tiết liên quan đến tác phẩm tiếp theo của Marvel Studios là Captain America: Civil War (2016).

Có thể không lập được kỳ tích như Guardians of the Galaxy, Ant-Man vẫn cho thấy những nỗ lực trong việc tìm kiếm sự đa dạng và đột phá trong dòng phim siêu anh hùng của Marvel Studios. Dĩ nhiên, họ vẫn cần tiếp tục khắc phục một số điểm yếu mắc phải từ vài tác phẩm gần đây, đặc biệt là ở tuyến nhân vật phản diện.

Zing.vn đánh giá: 3,5/5

Ant-Man (tựa Việt: Người Kiến) khởi chiếu trên toàn quốc từ 24/7.

 

Lam Sơn

Bạn có thể quan tâm