26 năm cho đi những giọt hồng
Tại "Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu năm 2015", người giữ kỷ lục trong hoạt động tình nguyện này là ông Phùng Kim Lâm (53 tuổi, TP HCM) với 96 lần. Không chỉ gây bất ngờ với số lần hiến máu kỷ lục, câu chuyện về cuộc đời người đàn ông này cũng khiến nhiều người xúc động.
Từng làm nghề lái xích lô rong ruổi qua những con phố tại Sài Gòn, vì vậy, mỗi lần chở khách, ông Lâm thường xuyên được nghe và chia sẻ về những người bệnh đáng thương, tính mạng bị đe dọa chỉ vì... thiếu máu.
Ngày qua ngày, câu chuyện ấy thấm sâu trong tâm trí người đàn ông này. Ông luôn tự hỏi: “Tại sao người ta có thể trao nhau lời nói tốt đẹp, thậm chí cho vay tiền nhưng không phải ai cũng sẵn sàng hiến máu?".
Không có tiền, nhưng nghĩ mình có sức vóc khỏe mạnh, ông Lâm quyết định giúp người bằng chính những giọt máu.
Ý nghĩ đó đã thôi thúc ông đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy (hiện là Trung tâm Truyền máu khu vực Chợ Rẫy) để đăng ký hiến máu lần đầu tiên vào năm 1988, khi vừa tròn 26 tuổi.
Ông Phùng Kim Lâm. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. |
"Tôi nghèo tiền bạc nhưng giàu máu lắm"
Hai năm sau đó, đều đặn mỗi tháng, ông Lâm lại đến Bệnh viện Chợ Rẫy tình nguyện hiến 2 đơn vị máu (tiểu cầu).
Biết ông nhóm máu O phù hợp nhiều bệnh nhân, y bác sĩ còn ghi lại địa chỉ để đến hẹn “phát thư mời hiến máu”. Sự nhiệt tình của người đàn ông này còn khiến bác sĩ Trương Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy lúc đó quen mặt, cứ thấy ông là bắt tay, cảm ơn.
Thời điểm đó, mỗi lần tham gia hoạt động tình nguyện này, ông được bệnh viện bồi dưỡng 60.000 đồng, trong khi những người bán máu được trả gấp 3 lần (180.000 đồng). Dù chật vật kiếm sống hàng ngày, nhưng ông luôn coi việc làm này để giúp người nên chưa bao giờ có ý định bán máu.
Trong suốt những năm tháng khó khăn đã từng trải qua, có lẽ điều ý nghĩa nhất mà ông không thể quên chính là những lần trao đi giọt hồng.
Đó là khi hiến máu chỉ để có được 60.000 giúp đỡ một người phụ nữ nghèo xa lạ đang đưa con đi khám bệnh. Dù chỉ là một người chạy xích lô, nhưng ông vẫn sẵn sàng đứng lên kêu gọi mọi người quyên góp giúp đỡ người mẹ già bất lực vì không có tiền chạy chữa cho con trai mắc bệnh hiểm nghèo.
Hành động của ông đã được các y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy khâm phục, hưởng ứng. “Tôi còn nhớ, số tiền mọi người giúp đỡ bà cụ lúc đó lên tới 1 triệu đồng. Tôi càng không thể quên được ánh mắt của bà cụ rơm rớm nhìn tôi và nói: ‘Cả đời này tôi mang ơn chú’, ông Lâm kể.
Giờ đây, khi đã ngoài 50, không vợ con, một mình bươn chải kiếm sống với nghề xe ôm, nhưng ông Lâm vẫn luôn đều đặn tham gia hiến máu 3-4 tháng/lần, với số lượng nhiều nhất (450 ml).
Người đàn ông này luôn tâm niệm: "Tôi nghèo tiền bạc nhưng giàu máu lắm, ai cần tôi cho. Hiến máu với tôi là trách nhiệm của một con người với những cảnh đời bất hạnh. Nếu tôi ngưng hiến máu thì có nghĩa là tôi nghèo đủ thứ".
Đặc biệt, không chỉ dành cả đời với công tác cho đi những giọt hồng quý giá mà ông còn quyết định đem toàn bộ cơ thể mình cống hiến cho y học. Chia sẻ về quyết định này, ông Lâm nói: "Tôi rất vui khi đăng ký hiến xác thành công. Hiến máu là công việc tôi đã làm suốt cuộc đời này. Còn hiến xác là điều cuối cùng tôi có thể để lại cho cuộc đời này".
Ông Phùng Kim Lâm từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia với quân hàm thượng sĩ.
Ông Lâm có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất Việt Nam - 96 lần, nhưng chưa được xác nhận kỷ lục.
Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu (14/6) vừa qua, ông đã được trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế và Kỷ niệm chương của Phó Chủ tịch nước NGuyễn Thị Doan.