Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người làm nghề bếp phải có cái tâm

Thời gian gần đây, nghề đầu bếp bỗng trở thành một nghề thời thượng được nhiều người theo đuổi.

Từ việc các cuộc thi truyền hình về nấu ăn luôn đạt lượng theo dõi khủng, những khóa học nấu ăn được tổ chức thường xuyên và cho tới khi nấu nướng được đưa vào đào tạo một cách chính quy tại trường trung cấp nghề thì nghề bếp đã chính thức được nâng lên một tầm cao mới trong xã hội hiện đại.

Dưới đây là cuộc trò chuyện với thạc sĩ Ngụy Lệ Hồng - giảng viên chuyên ngành Quản lý bếp và Ẩm thực tại trường Trung cấp nghề Việt Giao (quận 10, TP.HCM).

Thạc sĩ Ngụy Lệ Hồng.

- Có một thực tế là giới trẻ ngày càng nhiều người theo đuổi nghề bếp. Theo cô, vì sao nghề này bỗng dưng có sức hút như vậy?

- Đầu tiên tôi muốn nói rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, đã tới lúc nghề bếp nên được đặt đúng vị trí của nó. Ăn uống là nhu cầu cơ bản của con người, khi mức sống càng phát triển, yêu cầu về ăn uống của họ càng cao. Vì vậy, nấu ăn đang dần được chuyên nghiệp hóa.

Còn việc giới trẻ lựa chọn nghề bếp không phải vì dễ, mà chính vì sự gần gũi với cuộc sống. Những kinh nghiệm về nấu ăn có thể được tích lũy hàng ngày và lòng đam mê cũng từ đó mà được vun đắp. Và một khi đã bắt tay vào nấu bạn sẽ nhận ra rằng nấu nướng có những nghệ thuật rất riêng. Mà đặc trưng của tuổi trẻ là sự sáng tạo và ưa khám phá, vậy thì việc bị cuốn hút bởi những món ăn không phải là điều khó hiểu lắm.

- Có ý kiến cho rằng, nấu ăn chỉ cần năng khiếu là đủ, không cần phải qua trường lớp gì. Ý kiến của cô về vấn đề này như thế nào?

- Đây là quan điểm không chính xác. Năng khiếu chỉ là một yếu tố giúp bạn thuận lợi hơn trong việc nấu nướng chứ không phải là yếu tố quyết định. Năng khiếu không thể chỉ cho bạn cách nấu sao cho an toàn, nguyên liệu nào không được kết hợp với nhau để tránh gây hại cho sức khỏe, hay bài trí như thế nào để đạt tính thẩm mỹ được. Những cái đó cần một quá trình nghiên cứu và học tập lâu dài.

Khi tự học cách nấu ăn thì chúng ta chỉ tích lũy được một số kinh nghiệm mang tính truyền lại thôi. Muốn nấu ăn giỏi và làm nghề được phải qua trường lớp, vì đây là công việc đòi hỏi nhiều yếu tố mang tính kỹ thuật và phương pháp khoa học.

Chương trình đào tạo chuyên nghiệp cung cấp cho sinh viên cách nấu ăn an toàn, nguyên liệu nào kết hợp được với nhau, cách bài trí đạt tính thẩm mỹ cao.

- Vậy cô có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang muốn lựa chọn nghề bếp để lập nghiệp?

- Trước hết các bạn phải có tâm với nghề từ đó mới yêu nghề được. Nghề bếp đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng vì vậy khi chế biến một món ăn phải xem nó như là một phần con người mình, từ đó mới dồn hết tâm huyết và tạo ra nét đặc sắc riêng.

Thứ hai là muốn đứng vững trong ngành này, ngoài khả năng thiên phú thì các bạn phải có sự đào tạo bài bản.Ở một số nước phương Tây, nấu ăn đã được đào tạo ở bậc đại học, điều này chứng tỏ tâm quan trọng của nó và trong tương lai gần thì Việt Nam cũng phải phát triển theo hướng đó.

Nghề bếp đòi hỏi các bạn trẻ phải có tâm và sáng tạo không ngừng.

- Cô nhấn mạnh tới sự đào tạo bài bản. Vậy theo cô, việc đào tạo ẩm thực tại nước ta đã thực sự đáp ứng được yêu cầu chưa?

- Thời gian trước đây, bếp được đào tạo đại trà theo kiểu các khóa học ngắn hạn tại các nhà văn hóa phụ nữ hay các trung tâm sinh hoạt cho chị em. Nhưng hiện nay nhiều trường đã mạng dạn đưa Bếp vào đào tạo chính quy và có khung chương trình riêng của nó rồi, các trường trung cấp nghề đang làm rất tốt điều nay.

Tôi đánh giá cao các trường đào tạo có sự liên kết với nhà hàng, đảm bảo tính ứng dụng, theo sát nhu cầu của xã hội. Như trường mà tôi đang giảng dạy, các em được học với những đầu bếp đang làm việc tại các khách sạn, nhà hàng. Ngoài kiến thức chuyên môn thì kinh nghiệm trong nghề là một lợi thế vô cùng quý giá cho các em sau này. Thứ hai là đào tạo theo mô hình này sẽ tạo ra được một thế hệ kế thừa rất vững vàng.

- Là một người lâu năm trong nghề, cô đánh giá như thế nào về tương lai của nghề bếp hiện nay?

- Hiện nay, theo tình hình phát triển chung của du lịch, khách sạn nhà hàng, nhu cầu thực khách lại tăng cao nên tương lai nghề bếp chắc chắn sẽ rất phát triển. Vì vậy các bạn trẻ hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình và chắc chắn sẽ thành công.

Mô hình đào tạo có sự liên kết với nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực… đảm bảo tính ứng dụng theo sát nhu cầu của xã hội.

Tư liệu: Việt Giao

Bạn có thể quan tâm