Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người lính già thổi kèn giữa nghĩa trang tưởng nhớ đồng đội

Những người có mặt tại nghĩa trang Thổ Tang, Vĩnh Phúc, đã không cầm được nước mắt khi nghe tiếng kèn tưởng nhớ đồng đội của người lính già.

Ngày 27/7, cả nước tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập của dân tộc. Những ngày này, dân mạng chia sẻ nhiều khoảnh khắc đẹp tri ân các liệt sĩ.

Bên cạnh đó, hình ảnh những người mẹ, người vợ liệt sĩ hay người lính có đồng đội vĩnh viễn không trở về từ chiến trường cũng gây xúc động mạnh.

5 năm thổi kèn tưởng nhớ đồng đội

Hơn 8h ngày 27/7, nhiều người có mặt tại nghĩa trang Thổ Tang không cầm được nước mắt khi nghe tiếng kèn Tây vang lên du dương từ một người lính già giữa đài tưởng niệm.

Từng nhịp giai điệu các bài hát quen thuộc trong thời chiến như Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo… vang lên giữa nghĩa trang khiến ai cũng sụt sùi cảm động.

hinh anh xuc dong ngay 27/7 anh 1
Hình ảnh người lính già thổi kèn tưởng nhớ đồng đội tại nghĩa trang. Ảnh cắt từ clip.

Người lính ấy bị nặng tai và mắt cũng không còn nhìn rõ. Thế nhưng, 5 năm nay, cứ mỗi ngày 27/7, không năm nào ông vắng mặt tại nghĩa trang Thổ Tang để thổi kèn tưởng nhớ đồng đội của mình.

"Ông rơm rớm nước mắt dâng nén hương lên các đồng chí, trên tay ông cầm chặt chiếc kèn Tây mà ông đã giữ gìn gần 70 năm nay. Ông thổi kèn vang lên khắp nghĩa trang để tặng các đồng đội của mình. Tiếng kèn làm ai nghe cũng xúc động nghẹn ngào mà không cầm được nước mắt.

Tài khoản Ánh Phạm: Nhìn ảnh mẹ ngồi lặng trước mộ người thân mà ứa nước mắt! Chiến tranh quá nghiệt ngã. Cầu mong điều đó sẽ không bao giờ xảy ra trên đất nước này một lần nào nữa!

Bùi Đức Bình: Mình đã khóc khi xem ảnh. Đúng là có những nỗi đau không thể nào nguôi.

Tuyết Dũng: Những người đi qua chiến tranh trân trọng lắm tình đồng đội. Cha tôi là một người như thế! Mỗi khi một đồng đội ra đi, ông buồn cả tuần, lúc nào khỏe là ông lại đi thăm bạn bè.

Đoàn Loan: Xúc động quá! Những người lính chiến đấu đến hơi thở cuối cùng ở chiến trường đầy máu và nước mắt. Thật hào hùng và oanh liệt!

Chúng con - tất cả những người được sống trong đất nước hòa bình - cảm ơn các anh hùng liệt sĩ, cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tuổi trẻ của mình để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc".

Đó là những dòng chia sẻ nghẹn ngào của chị Lê Thúy - đại diện cho những người trẻ - nói lên suy nghĩ khi chứng kiến người lính già thổi kèn tưởng nhớ đồng đội vào dịp 27/7.

Chị Lê Thúy cho hay chị vô tình chứng kiến cảnh tượng này khi đi viếng người thân tại nghĩa trang Thổ Tang.

“Mình nghe tiếng đàn hay quá nên đi tìm thì thấy người lính già đứng thổi kèn giữa nghĩa trang. Hình ảnh ấy chạm tới trái tim của nhiều người khiến mình xúc động và muốn chia sẻ lên mạng”, chị Lê Thúy cho hay.

Chị Thúy đã có cuộc trò chuyện với người lính già. Ông tên Lê Đức Hợi (84 tuổi, quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang), tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1952, sau đó tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ vào năm 1967. Ông bị hai viên đạn bắn vào đầu trong hai cuộc chiến nên sức khỏe khá yếu.

“Ông kể đi bộ đội từ năm 18 tuổi. Lý do ông có mặt tại Nghĩa trang Thổ Tang bởi nơi đây có rất nhiều đồng đội yên nghỉ. Ông biết thổi kèn đã khoảng 40 năm và thổi được rất nhiều bài hát”, chị Lê Thúy kể lại.

Sau hôm nay, hình ảnh người lính ấy mặc chiếc áo giản dị, chân đi đôi dép tổ ong đã khá nhiều tuổi thổi từng giai điệu quen thuộc trong thời chiến có lẽ sẽ khiến những người trẻ nhớ mãi và tự hào về cha ông.

Người lính già thổi kèn tưởng nhớ đồng đội Tiếng kèn của ông Đức Hợi vang lên giữa nghĩa trang khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Vợ hàng năm tới thăm mộ chồng liệt sĩ

Tại một diễn đàn mạng ngày 26/7, ba bức ảnh chụp một người phụ nữ tóc đã bạc màu thắp hương trước ngôi mộ liệt sĩ và ngồi khóc lặng lẽ được chia sẻ kèm dòng chú thích: "Năm nào con cũng gặp mẹ! Cùng hướng về ngày 27/7".

Khoảnh khắc đó khiến nhiều người không ngăn được giọt nước mắt xúc động. Chủ nhân của các bức ảnh là anh L.H.(đề nghị không nêu tên), hiện công tác tại Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội.

hinh anh xuc dong ngay 27/7 anh 2
Anh L.H. cho hay 3 năm nay anh đều thấy người phụ nữ tóc đã điểm bạc ngồi lặng lẽ thắp hương trước phần mộ người thân tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Thạch Thất, Hà Nội vào ngày 27/7 hàng năm.

Người này chia sẻ với Zing.vn rằng từ 3 năm nay, anh cùng đồng đội tham gia chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ của Đoàn Thanh niên đơn vị như dọn vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan môi trường, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...

Tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Thạch Thất (nằm ở xã Thạch Xá) vào ngày 27/7 hàng năm, anh đều thấy một phụ nữ lớn tuổi, dáng gầy gò, tóc đã bạc màu ngồi một mình, thẫn thờ trước phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hoa (quê quán xã Chàng Sơn, Thạch Thất).

Anh xúc động và ấn tượng với hình ảnh của bà, nên quyết định chia sẻ lên mạng cho mọi người cùng tri ân.

"Ba năm nay, mình đều gặp mẹ ở đây. Có lẽ, mẹ đã ngồi đó mỗi dịp ngày 27/7 từ nhiều năm rồi. Mẹ dáng gầy gò, năm nay mình thấy bà yếu đi nhiều. Đặc biệt, mình chỉ thấy mẹ ngồi một mình, lặng đi trước phần mộ người thân rất lâu.

Bức ảnh mẹ ngồi ôm đầu khóc ở hàng cây bên cạnh được chụp lại vào lần thứ hai mình gặp bà. Mình không rõ mẹ là ai, nhưng thực sự rất xúc động và thương bà nhiều lắm", anh L.H. nghẹn ngào chia sẻ.

L.H. tâm sự ông ngoại anh cũng là liệt sĩ. Chứng kiến đức hy sinh của những người phụ nữ đã nuôi nấng, chăm sóc mình từ nhỏ là cụ, bà ngoại và mẹ, anh H. không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn.

Ông Nguyễn Văn Huấn (Trưởng công an xã Chàng Sơn) xác nhận với Zing.vn liệt sĩ Nguyễn Văn Hoa, quê quán xã Chàng Sơn, hiện an nghỉ lại nghĩa trang huyện Thạch Thất.

Vợ liệt sĩ Hoa là bà Nguyễn Thị Tô (tuổi đã cao), cư trú tại xã Chàng Sơn. Ông bà sinh được hai người con. Sau khi chồng đi B và hy sinh trong chiến trận, bà Tô không đi bước nữa, ở vậy nuôi con khôn lớn, thành đạt.

"Con trai cả của bà Tô là ông Nguyễn Quốc Lịch, 55 tuổi, hiện là kỹ sư xây dựng, sống tại TP Đà Nẵng. Ông được cho là kiến trúc sư đầu tiên của xã. Con gái bà là Nguyễn Thị Thìn (53 tuổi). Bà Tô hiện sống cùng cháu ở xã Chàng Sơn", ông Huấn cho biết.

Chiến sĩ cảnh sát L.H. cho hay Đoàn Thanh niên của Công an huyện Thạch Thất tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ như tặng quà cho thân nhân liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, cấp căn cước công dân cho các đối tượng chính sách, người cao tuổi cơ sở.

Tối 26/7, gần 2.000 đoàn viên, thanh niên thủ đô có mặt tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) tham gia lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ.

1.700 phần mộ người có công, các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Mai Dịch được bạn trẻ thắp sáng bằng những ngọn nến, nén nhang và bằng cả trái tim biết ơn.

Cô giáo trẻ viết thư gửi 'những người còn sống mãi'

“Lần đầu đến Thành cổ Quảng Trị, nghe hướng dẫn viên nói mỗi tấc đất đều là xương thịt các anh, thắp nén hương, tôi chợt thấy đau và hơi thẹn trong lòng”, cô giáo Lan Phương viết.

Thu Thảo - Hàn Triệt

Ảnh: L.H., Lê Thúy

Bạn có thể quan tâm