Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Nam sinh viên Bách Khoa và 6 năm nuôi mẹ liệt nửa người

Cha mất sớm, mẹ mang trong mình nhiều căn bệnh nên Nguyễn Hồng Phước (sinh năm 1995) vượt qua trầm cảm để cật lực làm thêm, trang trải cho cuộc sống.

Acecook Viet Nam anh 1

Acecook Viet Nam anh 2

C

ó nhiều người chùn bước trước khó khăn, nhưng cũng có những người lấy khó khăn để làm động lực vươn tới phía trước. Phước - cậu sinh viên năm 4 Khoa Điều Khiển – Tự Động Hoá, Đại học Bách Khoa TP.HCM lại mang trong mình suy nghĩ: "Em muốn mẹ không còn phải khổ nữa, vì mẹ xứng đáng được hạnh phúc sau những ngày tháng vất vả của cuộc đời". Và vì thế cậu cố gắng từng ngày để thực hiện hoài bão của mình.

Nguyễn Hồng Phước hiện là sinh viên năm 4 khoa Điều khiển - Tự động hoá, trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Trong quá trình học, Phước có 2 năm liền đạt thành tích sinh viên giỏi toàn diện.

Acecook Viet Nam anh 3

Trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, mẹ của Phước - cô Thái Thị Hồng Hoa (sinh năm 1960) chật vật nhớ lại những ký ức đã qua: "Trước tôi làm trong ngân hàng rồi chuyển sang làm giáo viên trong trường mầm non. Sau này lấy chồng thì tôi ở nhà để tiện chăm sóc con cái. Năm 38 tuổi, tôi bị liệt nửa người do tai biến, gia đình phải chạy vạy vay mượn khá nhiều tiền để chữa trị, từ đó kinh tế gia đình suy sụp".

Thương vợ con nên bố Phước cố gắng làm gấp 2-3 lần bình thường để trang trải cho gia đình. Cô kể lại: "Chú bệnh nhưng giấu cô, không chịu đi khám vì sợ tốn tiền. Chú bảo: ‘Anh khoẻ lắm, em cứ chăm sóc sức khoẻ của mình cho tốt, chăm sóc cho con đầy đủ'. Chú thường nhắc đi nhắc lại rằng đừng lo cho chú”.

Nhưng rồi chẳng ai biết trước được điều gì, năm 2011 cha Phước đột ngột qua đời sau cơn đột quỵ. Người trụ cột duy nhất trong gia đình mất đi, để lại một khoảng trống vô cùng lớn trong lòng người ở lại và đè gánh nặng mưu sinh lên vai người mẹ yếu ớt.

"Khoảng thời gian sau khi cha mất em bị trầm cảm khá nặng, hầu như không muốn tiếp xúc hay nói chuyện với ai, chỉ muốn ở một mình để nghĩ về cha. Học tập và đá banh là những hoạt động đem đến cho em niềm vui để khoả lấp đi những khoảng trống trong lòng" - Phước tâm sự.

Acecook Viet Nam anh 4

Để có tiền trang trải cho cuộc sống, cô Hoa quyết định bán nhà lớn mua nhà nhỏ để lấy một ít vốn kinh doanh, nhưng rồi kinh doanh thua lỗ hết lần này đến lần khác, cuối cùng 2 mẹ con phải đi mướn phòng trọ ở qua ngày.

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Phước chưa bao giờ làm mẹ thất vọng. Suốt 12 năm trời cậu luôn đạt thành tích học sinh giỏi. Không chỉ đỗ 2 trường đại học ai cũng mơ ước với số điểm cao là: Y Dược Phạm Ngọc Thạch và Bách Khoa TP.HCM. Phước còn may mắn là một trong những sinh viên được trao học bổng Acecook Việt Nam 2017 dành cho sinh viên khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng trong học tập và có ý chí phấn đấu.

"Ước mơ lớn nhất của em là được trở thành bác sĩ. Tuy nhiên ngành học này mất rất nhiều thời gian - khoảng 9 năm để ra nghề. Điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên em chọn Bách Khoa để có thể sớm đi làm, chăm sóc cho mẹ" - cậu tiếc nuối từ bỏ giấc mơ lớn nhất của mình.

Acecook Viet Nam anh 7

Chương trình học ở ĐH Bách Khoa khá nặng, đối với nhiều sinh viên việc theo kịp chương trình học đã là cả một sự cố gắng. Còn với Phước thì đó là cả một câu chuyện về nghị lực. Hơn ai hết Phước hiểu rằng mẹ đã lớn tuổi và không còn nhiều sức khoẻ để bươn chải, cậu phải mạnh mẽ hơn để trở thành chỗ dựa cho mẹ.

Ngoài giờ học Phước xin đi làm thêm ở nhiều nơi, lúc thì đi giữ xe, lúc thì đi phục vụ. Làm từ chiều đến tối mịt, thế nhưng việc học lúc nào cũng được bảo đảm tuyệt đối. Học kỳ nào Phước cũng được nhận học bổng của trường và cậu dùng số tiền đó để trả học phí cho kỳ học tiếp theo.

"Nhờ vậy mà 4 năm học em không phải tốn tiền học phí" - Phước cười. Suất học bổng 500 USD của Acecook Việt Nam 2017 sẽ được Phước dùng để học tiếng Nhật và giúp đỡ mẹ.

Để có thể đảm bảo việc học và đi làm kiếm tiền Phước đã tự tìm ra cách học riêng cho mình: "Khi lên lớp, mình cố gắng tận dụng tuyệt đối thời gian đó để hiểu, làm bài, khi về nhà là không phải học nữa, nhờ đó sẽ có thời gian để đi làm thêm. Việc học kỹ hiểu ngay, làm bài ngay trên lớp cũng giúp nắm sâu kiến thức hơn".

Cô Hoa tâm sự: "Nhiều khi thấy con làm việc vất vả tới tận khuya cô thấy thương lắm, cũng ráng đi xin một công việc tay chân nào đó để đỡ đần cho Phước phần nào vất vả. Nhưng tôi lớn tuổi lại mang nhiều bệnh tật, không ai người ta nhận. Làm gì cũng được, tôi không ngại vất vả, miễn có thể giúp Phước đỡ vất vả hơn là tôi sẽ làm".

Acecook Viet Nam anh 8

Sau một lần tham gia chương trình thiện nguyện giảng dạy cho các em bé cơ nhỡ, Phước nhận ra rằng công việc đi làm gia sư vừa đỡ vất vả lại vừa có ích hơn. Thế là cậu tìm hiểu và xin đi dạy thêm ở các trung tâm. Nhờ kiến thức vững và sự nghiêm túc trong công việc nên Phước được học trò và phụ huynh rất quý mến.

Hàng ngày sau giờ học Phước tranh thủ về nhà ăn cơm rồi đi dạy. Bữa cơm của 2 mẹ con vẫn thường trực là đậu hủ, cá khô và trứng. “Lâu lâu Phước than: ‘Mẹ ơi con ngán đậu hủ quá’, thế là tôi đổi món. Bình thường thì một tháng một lần 2 mẹ con sẽ ăn ngon một bữa, lúc đó tôi sẽ mua thêm cá hoặc thịt" - cô Hoa chia sẻ.

Biết hoàn cảnh gia đình, quý tinh thần vượt khó của Phước nên cô giáo chủ nhiệm lớp 9 cho cậu mượn chiếc xe máy để đi học, đi làm. Xe dù đã cũ, đôi lần bị chết máy khi Sài Gòn ngập nước, nhưng cũng nhờ nó mà Phước đi làm được nhiều, thu nhập cũng ổn định hơn.

Acecook Viet Nam anh 9

Hiện tại Phước đang tự học tiếng Nhật ở nhà để mở rộng cơ hội làm việc. Cậu tâm sự: "Em tự học những kiến thức căn bản. Cũng mong là trong tương lai sẽ có tiền để vào trung tâm học bài bản hơn. Thật may mắn, học bổng Acecook Việt Nam sẽ giúp em hoàn thành mục tiêu hoàn thành khoá học tiếng Nhật, cũng như hoàn thành giấc mơ lớn trong tương lai".

"Em thật sự rất hạnh phúc, không biết nói gì ngoài gửi lời cảm ơn chân thành đến Acecook Việt Nam, chúc công ty ngày càng phát triển và giúp đỡ được nhiều bạn có hoàn cảnh như em".

Giang Hoàng Nhơn

Thiết kế: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm