Ngày 20/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết cơ quan tố tụng đã hoàn tất việc chi trả tiền bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng cho ông Trần Văn Thêm (84 tuổi, ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Trao đổi với Zing.vn, bà Trần Thị Xuân, con gái lớn của ông Thêm, cho biết ban đầu gia đình yêu cầu bồi thường 12 tỷ đồng cho hơn 2.000 ngày ngồi tù oan của bố mình.
"Sau quá trình thương lượng, người nhà chấp nhận số tiền nói trên khi ông còn khỏe mạnh và minh mẫn", bà Xuân chia sẻ.
Con gái người tù oan cho biết kể từ ngày được minh oan, sức khỏe của ông Thêm khá hơn trước, tinh thần thoải mái. Đến nay, ông và gia đình đã hoàn thành tâm nguyện minh oan.
Sau 2.000 ngày ngồi tù oan, ông lão sinh năm 1935 nhận bồi thường 6,7 tỷ. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo hồ sơ tố tụng, khuya 23/6/1970, ông Thêm và em trai tên Văn đi mua hàng về tới địa bàn xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phú khi đó) thì trời tối nên họ vào chòi cắt tóc ven đường để ngủ. Khoảng 1h ngày hôm sau, khi đang lơ mơ ngủ thì cả 2 bị ai đó đánh vào đầu.
Nghe tiếng kêu cứu, người dân đưa anh em ông Thêm vào trạm xá xã Đồng Tĩnh rồi sau đó chuyển lên bệnh viện huyện Tam Dương. Khi chuyển tiếp đến Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú thì người em qua đời.
Các cơ quan tố tụng sau đó cho rằng ông Thêm là hung thủ giết người. Tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình người này.
Một năm sau, cấp phúc thẩm tuyên y án vì cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông Thêm về tội Giết người và Cướp tài sản.
Năm 1974, Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Vĩnh Phú điều tra lại vụ án. Cảnh sát khai quật hộp sọ người em trai rồi đưa về Viện Khoa học hình sự giám định. Kết quả cho thấy không đủ chứng cứ kết tội ông Thêm.
Cùng thời gian đó, tại trại giam Phố Lu (tỉnh Lào Cai), phạm nhân Phan Thanh Nhàn đang cải tạo khai là thủ phạm gây ra vụ giết người nói trên. Từ kết quả thực nghiệm hiện trường và lời khai của Nhàn, cảnh sát thu chiếc búa là hung khí gây án. Nhàn khai đã dùng vật này đánh chết ông Văn, chém ông Thêm bị thương.
Sau nhiều năm kêu oan, đêm 30 Tết năm 1976, ông Thêm được cấp giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương. Thời điểm đó, ông đã ở trại giam 5 năm 6 tháng 7 ngày.
Sau khi được thả tự do, khoảng 1 tháng sau ông Thêm nhờ người làm đơn kêu oan. Ngày 11/8/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai đối với ông lão.