Trào lưu người mẫu béo bắt đầu từ khi nào?
Mặc dù không phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước châu Á, nhưng tại Mỹ, dòng thời trang dành cho đối tượng phụ nữ quá khổ phát triển từ khá lâu. Ban đầu, các người mẫu chủ yếu hoạt động tự do, trực tiếp liên hệ với các nhà thiết kế, hãng thời trang cũng như tạp chí.
Tuy nhiên, đến khoảng giữa thập niên 1970, các công ty quản lý chính thức ra đời, giúp các người mẫu tìm kiếm show cũng như hoạt động chuyên nghiệp hơn. Mary Duffy là người đi tiên phong sau khi thành lập công ty có tên gọi Big Beauties Little Women vào năm 1977. Tiếp sau đó, một loạt công ty khác như Plus Models (1978), Ford Models (1978), W Curve (1994)… xuất hiện.
Tính đến giữa thập niên 1980, người mẫu plus-size hàng đầu có thể kiếm được từ 150.000 – 200.000 USD/ năm.
Một số công ty khác được thành lập trong mấy năm gần đây có thể kể đến như Muse Model Management (2011) hay Jag Models (2013) với khoảng 30 người mẫu size từ 8-18, tuy nhiên, họ không dán nhãn các người đẹp của mình là “plus-size”.
Không chỉ riêng ở Mỹ, hiện nay, các công ty người mẫu dạng này cũng phát triển rầm rộ ở nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Italy, Australia, Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha…
Những nàng béo mặc bikini
Khoảng giữa những năm 2000, các nhà thiết kế bắt đầu để mắt đến người mẫu plus-size và sử dụng họ trong chiến dịch quảng cáo cũng như trình diễn catwalk. Cụ thế, năm 2006, hai nhà mốt Jean-Paul Gaultier và John Galliano trở thành tâm điểm chú ý khi tuyển người mẫu béo tham gia show thời trang mùa xuân 2006 tại Paris.
Sau đó, vào năm 2011, Gaultier tiếp tục chiêu mộ Marquita Pring và Crystal Renn khi ra mắt bộ sưu tập xuân hè. Ngoài ra, Mark Fast cũng là một trong những thương hiệu đi đầu trong việc phá tan định kiến thời trang chỉ dành đất cho những người mẫu size từ 0-4. Hãng này đều đặn thuê người mẫu béo cho các show ở London Fashion Week vào năm 2009, 2010, 2011 và 2012.
Tuy nhiên, phải đến mấy năm gần đây, trào lưu người mẫu plus-size mới thực sự bùng nổ. Khởi đầu là sự thành công ngoài sức tưởng tượng của chân dài sinh năm 1992 Kate Upton. Mặc dù tên cô không đi kèm với cụm từ “người mẫu plus-size”, nhưng Kate sở hữu thân hình đầy đặn khác xa những cô nàng “cò hương” trên sàn catwalk. Kể từ khi xuất hiện trên trang bìa tạp chí Sports Illustrated 2012 - tạp chí áo tắm danh tiếng nước Mỹ, cô trở thành gương mặt quảng cáo đắt giá và liên tục được mời chụp ảnh bìa.
Kate Upton và Robyn Lawley. |
Sở hữu thân hình nóng bỏng, vòng một bốc lửa, người đẹp 9X được hầu hết các tạp chí đàn ông săn đón như GQ, Esquire, Maxim... Dần dần, những tạp chí lớn và uy tín như Vogue, Harper's Bazaar, Vanity Fair cũng không thể làm ngơ trước sức hút của cô.
Năm 2013, Kate Upton còn được vinh danh ở hạng mục Người mẫu của năm tại lễ trao giải Style Awards lần thứ 10. Với thành công mà cô đạt được trong sự nghiệp của mình, có lẽ không ai dám nhận xét Kate chỉ biết khoe thân trong những bộ áo tắm hai mảnh.
Mức độ phủ sóng dày đặc của Kate Upton trong lãnh địa thời trang khiến Sports Illustrated có thêm niềm tin khi quyết định chiêu mộ chân dài Australia, Robyn Lawley cho ấn phẩm 2015 và tuyên bố cô là “người mẫu plus-size” đầu tiên xuất hiện trên tạp chí này.
Chân dài sinh năm 1989 thừa nhận chính Kate Upton đã mang đến cho cô cơ hội quý báu này. Trước đó, Robyn được ca ngợi là một trong những người mẫu plus-size xinh đẹp và được yêu thích nhất làng mốt. Cô từng tham gia chiến dịch quảng cáo của thương hiệu Ralph Lauren, Chantelle, Barneys và xuất hiện trên tạp chí Vogue Italy, Cosmopolitan.
Vẻ đẹp ngoại cỡ đổ bộ làng thời trang
2014 được coi là năm lên ngôi của một loạt chân dài sở hữu đường cong đầy đặn. Ông Gary Dakin, người đứng đầu công ty Jag Models, cho biết hiện nay nhu cầu tuyển chọn người mẫu ngày càng đa dạng. Bên cạnh người mẫu size 0-4, các nhà mốt bắt đầu săn lùng những cô nàng với thân hình hấp dẫn và nhìn có sức sống hơn. Trong khi đó, Cindi Leive – tổng biên tập tạp chí Glamour cũng nhấn mạnh, bà muốn trao cơ hội cho tất cả các cô gái (bất kể size nào).
Một trong những gương mặt ghi dấu ấn trong năm qua phải kể đến chân dài 27 tuổi, Ashley Graham (size 14-16). Không chỉ xuất hiện trên trang bìa tạp chí The Sunday Times UK, Ashley còn chụp ảnh cho tạp chí danh tiếng Vogue. Mới đây nhất, khi được chọn làm gương mặt quảng cáo cho nhãn hàng Swimsuits For All, chân dài chia sẻ: “Tôi biết những đường cong của mình thực sự rất quyến rũ và tôi muốn mọi phụ nữ biết điều đó, nhất là những cô gái trẻ. Chẳng có lý do gì để chúng ta phải che giấu nó”.
Ảnh thời trang ấn tượng của người mẫu Ashley Graham. |
Cũng trong năm 2014, ấn phẩm lịch nổi tiếng Pirelli lần đầu tiên chụp hình người mẫu béo và chân dài vinh dự được chọn là Carine Roitfeld, 30 tuổi, size 16. Ngoài ra, cô gái xinh đẹp đến từ nước Mỹ, Jennie Runk tiếp tục trở thành gương mặt đại diện cho dòng sản phẩm mới của H&M.
Không chỉ chụp ảnh tạp chí, các người mẫu plus-size còn chứng minh sức hút bằng việc đổ bộ lên sàn diễn thời trang. Có thể kể đến show của Jenny Packham tại tuần lễ thời trang váy cưới (New York) hồi tháng 4/2014. Trong đó, hai người mẫu đặc biệt đảm nhận vai trò mở và kết màn. London Fashion Week mùa xuân hè 2015 thậm chí còn có một show dành riêng cho người mẫu béo. Điều này chưa từng có tiền lệ.
Gần đây nhất, vào khoảng tháng 1, công ty người mẫu MiLK Model Management (có cơ sở tại London) khiến làng thời trang quốc tế xôn xao khi công bố chiêu mộ người mẫu size 22, Tess Holliday. Tạp chí Plus Model tuyên bố cô là người mẫu sở hữu số đo “khủng” nhất từ trước đến nay. Đại diện công ty MiLK Model chia sẻ, họ đặt niềm tin vào Holliday vì cô có sức ảnh hưởng rất lớn với cộng đồng mạng. Đó là một cô gái tự tin và yêu cơ thể mình hơn bất cứ ai.
Tess Holliday. |
Tranh cãi quanh việc béo hay không béo
Sau hàng loạt chiến dịch quảng cáo liên quan đến người mẫu ngoại cỡ, nhiều trang tin quốc tế vẫn khẳng định đây không phải tín hiệu tích cực bởi một số người chưa thực sự ở mức béo. Chẳng hạn như trường hợp của Robyn Lawley, nhiều người không công nhận cô là người mẫu plus-size. Robyn sở hữu size 12, trong khi size trung bình của một phụ nữ ngoại cỡ Mỹ là 14.
Đứng trước những ý kiến trái chiều, người đẹp lên tiếng: “Tôi không quan trọng việc mình có phải người mẫu plus-size đúng chuẩn hay không. Tôi chỉ biết mình là người mẫu và đang cố gắng giúp những phụ nữ xung quanh tôi tự tin hơn”.
Tương tự, chân dài xinh đẹp Myla Dalbesio (size 10) cũng gây tranh cãi khi tham gia chiến dịch quảng cáo nội y của Calvin Klein, bên cạnh những cô gái dáng chuẩn như Jourdan Dunn hay Lara Stone. Cư dân mạng phản đối kịch liệt khi tạp chí Elle gọi Dalbesio là người mẫu béo.
Myla Dalbesio gây tranh cãi khi được gọi là người mẫu béo. |
Trong bài phỏng vấn sau đó với kênh truyền hình Today, Myla Dalbeso giải thích: “Tôi không đủ gầy để được xếp vào nhóm người mẫu straight-size (0-4), nhưng cũng chưa đủ béo để được xếp vào nhóm plus-size”. Theo Dalbeso, những người mẫu với số đo ở mức lưng chừng như cô thường bị từ chối thẳng thừng khi đi casting. Cô mong muốn việc tham gia chiến dịch của thương hiệu nổi tiếng Calvin Klein sẽ giúp mình có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.