Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẫu da đen giỏi thế nào lương cũng ít hơn đồng nghiệp da trắng

Trong khi đó, văn hóa người da đen và công sức của họ tiếp tục bị chiếm dụng và bòn rút lợi nhuận bởi các thương hiệu thời trang trên thế giới.

Zing trích dịch bài đăng của Washington Post, đề cập chia sẻ của doanh nhân, người mẫu kỳ cựu Beverly Ann Johnson về vấn đề phân biệt đối xử người da đen trong ngành công nghiệp thời trang.

Tôi là người mẫu người Mỹ gốc Phi đầu tiên xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue tháng 8/1974. Ruth Whitney, tổng biên tập tạp chí thời trang Glamour thời đó, tuyên bố rằng tôi đã “phá vỡ mọi rào cản màu da”.

Màn ra mắt đặc biệt ấy của tôi được mong chờ làm thay đổi ngành công nghiệp thời trang. Do vấn đề chủng tộc ngày càng lan rộng trên nước Mỹ, những câu chuyện bị phân biệt đối xử trong làng thời trang và tại Vogue được chú ý nhiều hơn.

Sau lần xuất hiện năm 1974, tôi tiếp tục làm người mẫu trang bìa 2 lần nữa cho Vogue và hàng trăm tạp chí khác, trong đó có tạp chí Elle Pháp. Tuy nhiên, tôi nhận được mức lương thấp hơn so với những đồng nghiệp da trắng.

Không chỉ riêng người mẫu, những nhân viên khác cũng chẳng có nhiều cơ hội trong ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp. Nhiều lần tôi bị khiển trách khi yêu cầu nhiếp ảnh gia, thợ trang điểm và làm tóc người da đen cho các buổi chụp hình bởi đa số toàn người da trắng.

Nạn chiếm dụng văn hóa, công sức người da đen

Từ lâu, văn hóa truyền thống của người da đen bị chiếm dụng, bòn rút lợi nhuận dưới danh nghĩa “lấy cảm hứng”.

Năm 2018, Gucci ra mắt dòng áo cổ lọ với viền môi đỏ giống gương mặt người da đen. Năm 2019, Burberry thiết kế áo hoodie với dây thòng lọng quấn quanh cổ.

Khi bị xã hội lên án, những hãng thời trang danh tiếng này xin lỗi với lời hứa “không bao giờ tái phạm”. Nhưng chỉ được một thời gian, họ sẽ lại đi vào vết xe đổ và tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm chiếm dụng văn hóa.

Trên thực tế, văn hóa người da đen có những đóng góp to lớn cho ngành công nghiệp thời trang thế giới. Tuy nhiên, họ lại không được trả công xứng đáng.

Dù họ hoạt động trong nghề từ lâu, những nhà thiết kế thời trang và chuyên gia làm đẹp vẫn không được các thương hiệu, nhãn hàng trọng dụng và đầu tư chỉ vì mang màu da đen.

Trong hơn 50 năm qua, tôi đấu tranh mạnh mẽ để giành quyền được trả lương xứng đáng. Bên cạnh đó, tôi và các đồng nghiệp cố gắng đưa nhiều người mẫu, nhiếp ảnh gia, nhà tạo mẫu tóc và thợ trang điểm da đen tài năng vào ngành nhất có thể.

Nhưng khi nhìn lại, vẫn còn nhiều điều mà chúng tôi chưa làm được trong cuộc đấu tranh quyền lợi cho những người cùng màu da.

nguoi mau da den anh 5

Beverly Johnson có hàng chục năm kinh nghiệm trong làng mẫu thời trang. Ảnh: Vogue.

Năm 2018, Beyoncé đề nghị Tyler Mitchell chụp ảnh bìa tạp chí Vogue tháng 9 cho cô. Nhờ đó, chàng trai trở thành nhiếp ảnh gia da đen đầu tiên chụp ảnh bìa cho Vogue trong lịch sử 125 năm của tờ tạp chí danh tiếng này.

Mặc dù vậy, sự thành công của Mitchell cũng chỉ như một đốm lửa nhanh chóng tàn rụi, bởi sau đó Vogue không mời thêm bất cứ thợ ảnh da đen nào chụp cho trang bìa nữa.

Sau hơn 30 năm làm tổng biên tập của tạp chí Vogue, “bà đầm thép” Anna Wintour cũng thừa nhận vấn đề phân biệt màu da tồn tại trong làng thời trang nói chung và Vogue nói riêng.

Tôi cảm thấy thật bất ngờ khi người quyền lực nhất trong ngành bây giờ mới nhận ra vấn đề vốn nhức nhối suốt hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, đó cũng là điều đáng mừng bởi quyền lực của Wintour hiện nay cho phép bà ấy tái cấu trúc trong ngành thời trang.

nguoi mau da den anh 6

"Bà đầm thép của làng thời trang" Anna Wintour được hy vọng sẽ tái cấu trúc lĩnh vực này cho những người da đen có nhiều cơ hội làm việc hơn. Ảnh: Getty Images.

Thời gian qua, tôi đề xuất bộ quy tắc “Beverly Johnson” tới công ty truyền thông toàn cầu Condé Nast, nơi Wintour giữ một ghế trong ban giám đốc. Theo đó, cứ mỗi buổi phỏng vấn ở bất kỳ vị trí nào, dù là giám đốc hay biên tập viên, đều phải có ít nhất 2 ứng viên da đen tham dự.

Không chỉ riêng Condé Nast, tôi cũng đề nghị các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp và thời trang thực hiện bộ quy tắc này.

Sau 46 năm kể từ lần đầu xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue, tôi không muốn bản thân đơn thuần chỉ là một biểu tượng thời trang. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc. Vấn đề này đã nhức nhối quá lâu trong ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp rồi.

Siêu mẫu Nga bị dọa giết, chửi rủa chỉ vì cưới cầu thủ da màu

Ekaterina Dorozhko thường xuyên bị đe dọa, chửi bới vì lấy chồng là người da màu. Khi lên tiếng ủng hộ phong trào bảo vệ người da đen, lời chỉ trích dành cho cô ngày càng tăng.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm