Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẫu gầy cần chứng nhận của bác sĩ để làm việc ở Pháp

Người vi phạm có thể bị phạt 75.000 EUR và 6 tháng tù giam

Theo CBS News, sau nhiều năm đe dọa cấm cửa người mẫu siêu gầy, cuối cùng các nhà làm luật của Pháp đã cụ thể hóa điều này bằng một điều luật được thông qua ngày 17/12.

Theo đó, để được làm việc hợp pháp tại Pháp, tất cả người mẫu phải có giấy phép của bác sĩ xác nhận có cơ thể và số cân nặng khỏe mạnh. Khi kiểm tra, những người không thể cung cấp giấy xác nhận có thể bị phạt tù đến 6 tháng cùng 75.000 EUR (khoảng 1,8 tỷ đồng).

Người mẫu trình diễn trong show xuân hè 2016 của Saint Laurent tại Paris hồi tháng 10. Ảnh: AFP

Có sự mạnh tay này là vì ở Pháp hiện có khoảng 30.000 - 40.000 người bị chẩn đoán mắc chứng biếng ăn, trong đó có rất nhiều người đang ở độ tuổi thanh thiếu niên. Rối loạn ăn uống, điển hình là chứng biếng ăn, được xác định là có tỷ lệ người chết nhiều hơn bất kỳ bệnh nào khác. Và làng thời trang với hình ảnh lung linh của những người mẫu mình dây được cho là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng này.

Nhiều năm qua, các công ty người mẫu, nhà thiết kế và tạp chí đã liên tục bị chỉ trích vì gây áp lực buộc người mẫu phải duy trì cơ thể size 0, đôi khi đứng bên bờ vực của cái chết và sự sống. Trước áp lực của công chúng, nhiều tạp chí và tuần lễ thời trang đã có những hạn chế với người mẫu thiếu cân và người mẫu nhỏ tuổi.

Trước khi thông qua luật này, Pháp áp dụng giới hạn chỉ số cơ thể BMI cho người mẫu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra BMI bình thường không đồng nghĩa với một cơ thể khỏe mạnh.

"Một người có chỉ số BMI thấp không có nghĩa là họ mắc chứng rối loạn ăn uống. Và một người có chỉ số BMI trung bình hay cao hơn cũng không có nghĩa là họ không bị bệnh này" - Claire Mysko, Giám đốc chương trình của Hiệp hội rối loạn ăn uống quốc gia Mỹ, phát biểu trên VOA News hồi tháng 4.

Photoshop cũng bị phạt

Điều luật của Pháp không chỉ áp dụng cho những người mẫu bước trên sàn catwalk bằng xương bằng thịt mà cả với hình ảnh của họ.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2017, các ấn phẩm xuất bản có hình ảnh người mẫu được chỉnh sửa - dù làm to ra hay nhỏ đi - đều phải được ghi chú thích "đã qua chỉnh sửa".

Các cá nhân, đơn vị vi phạm sẽ bị phạt ít nhất 37.500 EUR (khoảng 922 triệu đồng) cho tới 30% chi phí cho quảng cáo. Để dễ hình dung, có thể lấy số liệu năm 2013, hãng mỹ phẩm Pháp L'Oreal đã chi tới 2,34 tỷ USD để quảng cáo.

H.G

Bạn có thể quan tâm