Luật cấm người mẫu có chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) quá thấp bước đi trên sàn catwalk được xem là biện pháp nhằm chống lại chứng biếng ăn của giới chân dài. Các công ty quản lý có thể bị phạt tới 80.000 USD và phạt tù 6 tháng nếu nhận các người mẫu gầy dưới mức cho phép vào làm việc.
Điều luật này ra đời với ý nghĩa nhân đạo nhưng trở thành rào cản, thậm chí là nỗi ám ảnh của nhiều nhà tạo mốt. Bởi lẽ, hầu hết các nhà tạo mốt cho đến hôm nay vẫn bảo vệ quan điểm “người mẫu thì phải gầy mới đẹp” của mình. Để giữ vững lập trường của họ, các công ty quản lý người mẫu và nhà tạo mốt đã cố tình dẫn dắt người mẫu “lách” luật.
Trong bài phỏng vấn trên tạp chí New York Observer, cựu người mẫu Jennifer Sky (38 tuổi) đến từ Brooklyn, New York - Mỹ đã có những tiết lộ khủng khiếp về việc đối phó với luật pháp của người mẫu, nhà tạo mốt và cả các công ty quản lý. Cô cho rằng luật cấm mẫu siêu gầy hoạt động nghề ở châu Âu sẽ không thể đạt hiệu quả lâu dài vì “giới thời trang đã nghĩ ra cách để “lách” luật, đó là cho những người mẫu gầy mặc quần áo lót có thể chứa đồ tăng trọng của hãng Spanx”.
Một cảnh trình diễn thời trang của người mẫu tại New York Fashion Week 2015. |
Jennifer Sky kể rằng cô đã tham gia Tuần lễ Thời trang Tây Ban Nha sau khi nước này ban hành luật cấm mẫu gầy vào năm 2006 và được khuyên nên giấu những đồ tăng trọng vào quần áo lót.
Biện pháp đó tiếp tục được áp dụng ở nhiều nước khác khi luật cấm này ban hành khắp châu Âu vào tháng 4 vừa qua. Họ tìm mọi cách để tăng trọng lượng cơ thể của mình một cách tạm thời trước khi được kiểm tra cân nặng mà trong đó, nạp vào người một lượng nước thật lớn là một ví dụ. Jennifer Sky tiết lộ thêm: “Họ (công ty quản lý) cho chúng tôi mặc những chiếc quần lót Spanx để có thể nhét thêm các túi cát vào người, bằng cách đó, ngay cả những người mẫu gầy nhất cũng đủ trọng lượng theo quy định. Thậm chí, có người nhét cả túi cát vào bên trong tóc để tăng cân”.
Với những biện pháp “lách” luật đang được giới người mẫu tận dụng, có vẻ luật mới ở châu Âu về việc cấm người mẫu gầy trên sàn catwalk sẽ lợi bất cập hại. Luật cấm này đã gây phẫn nộ trong giới người mẫu. Nhiều ý kiến cho rằng điều luật xét tuyển người mẫu dựa trên BMI không có tác dụng gì vì cấu tạo cơ thể của nhiều người mẫu vốn dĩ đã rất gầy.
“Vấn đề là bản thân mỗi người có ý thức được tình trạng sức khỏe của mình hay không mới là điều đáng nói.Có nhiều người rất gầy nhưng sức khỏe họ rất tốt” - nhiều người mẫu có chung quan điểm. Cựu người mẫu Lauren cũng nói rằng thay vì ban hành điều luật về cân nặng hay BMI của người mẫu, các nhà quản lý nên đề ra luật cấm những người mẫu dưới 18 tuổi được hoạt động. Bằng cách đó, điều kiện làm việc có thể được cải thiện và những phụ nữ trưởng thành sẽ không lấy những cô mẫu tuổi teen làm hình mẫu sắc đẹp lý tưởng của mình nữa.
Ý kiến của Laurent xem chừng đang nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của nhiều người. Bởi lẽ, tình trạng người mẫu dễ dàng “sa ngã do cám dỗ” ở tuổi vị thành niên là khá phổ biến. Hẳn nhiên, luật cấm mẫu siêu gầy hoạt động ở nhiều nước ở châu Âu hoàn toàn có lý khi những hình mẫu này luôn khiến công chúng bị ám ảnh vì sự yếu ớt.
Điều đáng lo là với công chúng trẻ, người mẫu gầy đang trở thành biểu tượng của sắc đẹp. Và để đạt được hình mẫu đó, họ phải nhịn ăn lâu ngày dẫn đến chứng biếng ăn và suy kiệt. Ngay chính người mẫu cũng có cách giữ dáng khủng khiếp là móc họng sau mỗi khi ăn để ngăn ngừa tăng trọng lượng. Dù vậy, việc cấm mẫu dưới 18 tuổi làm việc như đề xuất của cựu mẫu Laurent cũng cần thiết và được nhiều người ủng hộ.