Aitana López là người mẫu do AI tạo ra bởi một công ty Tây Ban Nha. Những người mẫu ảo đang chứng minh độ nổi tiếng thông qua tài khoản mạng xã hội nhiều lượt theo dõi. Ảnh: The Clueless Agency. |
Shereen Wu, một người mẫu gốc Đài Loan, bất ngờ khi bị thay thế bởi AI trong một show thời trang vào tháng 10/2023.
Cụ thể, dù Shereen Wu là người trình diễn chiếc váy đen trên sàn catwalk, gương mặt cô biến thành khuôn mặt của một người phụ nữ da trắng trong video được nhà thiết kế đăng tải trên trang cá nhân.
Câu chuyện trên phản ánh sự gia tăng của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghiệp người mẫu trị giá 2,5 nghìn tỷ USD. Các nhà mốt Levi’s, Louis Vuitton và Nike đều hợp tác với các công ty cung ứng mẫu AI, cho thấy sự ưa chuộng với mô hình mới mẻ này, theo Bloomberg.
Người mẫu ảo dần thay thế mẫu thật trong ngành công nghiệp thời trang. Ảnh minh hoạ: @thediigitals. |
Mối đe dọa với người mẫu
Trong một cuộc khảo sát do McKinsey công bố vào tháng 11/2023, 75% giám đốc điều hành trong ngành may mặc coi AI là ưu tiên hàng đầu vào năm 2024. Hơn 25% cho biết đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khâu sáng tạo và trình diễn.
Theo tổ chức người mẫu phi lợi nhuận Model Alliance, việc giảm thiểu số lượng người mẫu cũng kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Cụ thể, các chuyên gia trang điểm và làm tóc cũng có khả năng bị cắt giảm.
Sara Ziff, nhà sáng lập Model Alliance, cho rằng công nghệ mới nổi có thể tạo ra nhiều hậu quả khó lường. Tổ chức của Sara Ziff đã thúc đẩy các nhà lập pháp New York (Mỹ) ban hành điều luật bảo vệ lao động trong bối cảnh AI phát triển nhanh chóng.
Sở hữu 241.000 người theo dõi trên mạng xã hội, người mẫu ảo Shudu tham gia vào chiến dịch quảng cáo cho các thương hiệu như Karl Lagerfeld, BMW và Paco Rabanne. Shudu là sản phẩm trí tuệ nhân tạo do nhiếp ảnh gia Cameron James Wilson tạo ra vào năm 2017, lấy cảm hứng từ 2 người mẫu kỳ cựu Grace Jones và Alek Wek.
Sự nổi tiếng bất ngờ của Shudu truyền cảm hứng cho Wilson thành lập công ty chuyên cung cấp mô hình AI trong lĩnh vực thời trang mang tên The Diigitals. Về cách vận hành của mô hình này, Wilson cho biết doanh nghiệp của anh thường thuê người mẫu thật tham gia các dự án và thay thế khuôn mặt của Shudu vào sản phẩm truyền thông cuối cùng trước khi đăng tải.
Shudu là người mẫu ảo sở hữu đến 241.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội. Ảnh: @shudu.gram. |
Michael Musandu, nhà sáng lập công ty người mẫu AI Lalaland.ai, mong muốn phát triển mô hình này để đem đến sự đa dạng cho lĩnh vực thời trang.
“Là một người da màu, tôi chưa từng nhìn thấy những người mẫu cùng màu da với mình khi mua sắm trực tuyến”, Musandu nói.
Vào tháng 3/2023, Levi’s tuyên bố hợp tác với Lalaland.a để đa dạng hóa hình ảnh mẫu diện trang phục của thương hiệu.
Jane Belfry, người sáng lập công ty người mẫu BTWN, cho biết sự phổ biến của AI có thể xác lập những tiêu chuẩn mới đối với người mẫu trình diễn. Sự quy chuẩn hoá này khiến những người mẫu không đủ cao hay thừa cân so với mức quy định nhanh chóng bị loại bỏ.
Người mẫu ảo Aitana López có thể mang về hơn 11.000 USD/tháng cho công ty quản lý. Ảnh: The Clueless Agency. |
Nguy hiểm rình rập đối với ngôi sao
Vấn đề về bản quyền hình ảnh trở nên nhức nhối khi mẫu AI ngày càng xuất hiện nhiều trong lĩnh vực thời trang. Nhiều người mẫu cho biết chân dung của họ bị sử dụng trong quá trình sáng tạo mô hình nhân tạo mà không được xin phép.
Sara Ziff cho biết các “chân dài” thường ủy quyền ký kết hợp đồng cho công ty quản lý. Vì vậy, họ ít nhìn thấy các thỏa thuận trao đổi với thương hiệu, nhãn hàng.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 9/2023, nhiều người mẫu bày tỏ sự lo ngại về việc bị lạm dụng hình ảnh khi tính năng quét cơ thể ngày càng tiên tiến. Nỗi lo ngại này đặc biệt chính đáng khi chân dung của họ có khả năng bị sử dụng trong các sản phẩm truyền thông mang tính khiêu dâm.
Theo luật sư Vivek Jayaram, người sáng lập công ty luật Jayaram Law, quá trình xây dựng mô hình AI sử dụng số lượng lớn dữ liệu cóp nhặt trên các nền tảng cung cấp thông tin trực tuyến. Vì vậy, việc dùng hình ảnh của người nổi tiếng được đánh giá là khó tránh khỏi.
Một số ngôi sao như diễn viên Scarlett Johansson, Ryan Reynolds và Tom Hanks đều là nạn nhân của ngành công nghiệp này. Johansson đã khởi kiện một công ty sản xuất tác phẩm AI sử dụng trái phép hình ảnh của cô.
Trải nghiệm của Shereen Wu sau khi tham dự buổi trình diễn thời trang Art Hearts Fashion ở Los Angeles (Mỹ) cũng cho thấy một cách thức chiếm đoạt khác. Hợp đồng cô ký với nhà thiết kế không bao gồm các thông tin liên quan đến việc chuyển đổi sử dụng trí tuệ nhân tạo, tạo ra khoảng hở pháp lý để thương hiệu thay thế khuôn mặt AI vào.
Theo Shereen Wu, nhà thiết kế Michael Costello không chỉ lợi dụng cô mà còn chặn con đường phát triển của những người mẫu trẻ khác. Ngay sau khi Wu đăng bài trên trang cá nhân, Costello lập tức phản bác.
“Cáo buộc của người mẫu về việc sử dụng kỹ thuật số để thay đổi sắc tộc và hình ảnh được đánh giá là tương đối nghiêm trọng. Chúng tôi chịu trách nhiệm và muốn làm rõ vấn đề này”, đại diện của Costello cho biết.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.