Ngành thời trang thế giới dần chấp nhận những sự khác biệt về màu da, giới tính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khía cạnh này vẫn chưa được số đông đón nhận.
Những người mẫu phi giới tính nói Zing về việc họ vượt qua khó khăn và dần hoàn thiện bản thân để tiếp tục theo đuổi đam mê.
Vio Hồ: "Mẫu phi giới tính vấp phải rào cản xã hội"
Sau khi được một thương hiệu thời trang mời làm mẫu và tham gia Vietnam's Next Top Model 2014, Vio quyết định gắn bó với nghề này. Anh cho biết mình rèn luyện trong vòng 2 năm để đạt được ngưỡng người mẫu phi giới tính.
"Tôi chán người mẫu cứ phải đô con, có cơ. Tại sao người mẫu nam không được gầy?", Vio Hồ nhớ lại lời của Nam Trung. Đó cũng là điểm đặc biệt giúp Vio ghi dấu ấn với ban giám khảo tại cuộc thi.
Vio Hồ không còn là cái tên xa lạ trên những sàn diễn lớn trong nước. |
"Lợi thế khi làm người mẫu phi giới tính là có chiều cao ổn định và vóc dáng không bị 'nuốt' bởi những trang phục cồng kềnh, có những nét thu hút đặc biệt hơn so với mẫu nam, nữ bình thường. Tuy nhiên, bất lợi là vẫn chưa được phổ biến, rào cản xã hội", Vio Hồ nói với Zing.
Tất nhiên, "lời ra tiếng vào" là điều anh không thể tránh khỏi khi quyết định làm người mẫu. Anh không quan tâm lắm và chỉ nghĩ cách làm thế nào để chinh phục mọi người và khiến họ cảm nhận được mình.
Gia đình của Vio không ủng hộ, chỉ những xích mích nhỏ cũng có thể gây ra mâu thuẫn. Anh hiện không ở chung với cha mẹ, ra thuê nhà ở riêng. Anh từng nói bản thân muốn tìm cách trốn khỏi nhà vì quá mệt mỏi. Cả cha và mẹ đều không đồng ý việc anh làm người mẫu phi giới tính. Tuy nhiên, họ dần có suy nghĩ thoáng hơn khi thấy anh xuất hiện nhiều trên truyền thông.
Thỉnh thoảng, anh cũng nghe vài lời kỳ thị giới tính dành cho mình cũng như nhiều lần bị chê không phù hợp với tiêu chí nhãn hàng. Tuy nhiên, anh cho biết mình quen với việc đó vì biết bản thân đang chọn một con đường tạo sự khác biệt, nổi bật giữa dàn tân binh.
Bolo Nguyễn: "Vài người có cái nhìn khắt khe"
Bolo sinh ra tại Vĩnh Long, hiện làm việc và sinh sống ở Hà Nội. Công việc của Bolo là giáo viên dạy nhảy và người mẫu. Bolo từng góp mặt tại các sàn diễn hớn như Vietnam International Fashion Week, Vietnam Runway Fashion Week…
Ý định trở thành người mẫu của Bolo bắt đầu từ việc xem chương trình Vietnam's Next Top Model. Thời gian đầu, Bolo cho biết mọi thứ rất khó khăn vì người mẫu phi giới tính lúc đó còn là khái niệm rất mới lạ và chưa được chấp nhận nhiều. Năm 2018-2019, mọi thứ bắt đầu cởi mở, thoải mái hơn. Từ đó, người mẫu phi giới tính có "đất" diễn nhiều hơn.
Bolo Nguyễn hy vọng mình có thể truyền cảm hứng đến các bạn trẻ cùng đam mê. |
Người mẫu sinh năm 1994 tâm sự: "Tôi nghĩ sự biến hoá linh hoạt là điểm mạnh của các người mẫu phi giới tính. Khi bản thân ở vị trí cân bằng của 2 giới tính, họ có thể làm nhiều hơn những người khác. Tuy nhiên, vài người thoáng và cũng sẽ có người có cái nhìn khắt khe hơn với chúng tôi. Đó là một điểm giới hạn khi làm nghề".
Dù mạnh mẽ, Bolo cũng không ít lần thấy buồn, tủi và có chút nản lòng, tự hỏi mình đã cố gắng như vậy nhưng sao vẫn chưa được công nhận. Thậm chí, Bolo từng nghĩ mình đi sai đường. Sau khi gạt qua hết những điều tiêu cực, Bolo cảm thấy việc chưa được công nhận, bị chê chỉ là do bản thân chưa cố gắng đủ để thay đổi. Từ đó, Bolo chăm chỉ, học hỏi nhiều hơn để hoàn thiện.
Ngoài ra, Bolo nghĩ bản thân có thể giúp những bạn trẻ tuổi ấp ủ ước mơ giống mình sẽ thấy đó là động lực, để thúc đẩy cộng động ngày càng phát triển.
"Tôi nhớ có vài bình luận ác ý trên mạng dành cho mình. Tôi đã phản hồi lại theo chiều hướng vui vẻ. Cứ như vậy, các bạn ấy cũng không còn cớ để nói tôi thêm nữa", Bolo kể thêm.
Mộng Thường: "Những câu kỳ thị ngoại hình nghe hoài cũng quen"
Anh bắt đầu làm người mẫu từ tháng 7/2017. Ban đầu, anh không ngờ mình sẽ gắn bó với nghề mẫu, chỉ biết bản thân có niềm đam mê với lĩnh vực nghệ thuật. Nhờ được nhiều anh chị chỉ dẫn và tự tìm đến các buổi casting thời trang, anh bén duyên với nghề. Nói về việc làm người mẫu phi giới tính, Thường cho biết đó là con đường anh đã vạch sẵn ngay từ đầu.
Đôi lúc, anh nhận khá nhiều lời góp ý về ngoại hình của mình. Anh từng buồn và suy nghĩ rất nhiều nhưng không nản lòng. Thay vào đó, anh có các anh chị đi trước ở bên, hướng dẫn mình cách vượt qua tiêu cực và nhận được nhiều sự yêu mến hơn.
Suy nghĩ tích cực là cách giúp Mộng Thường vượt qua những khó khăn khi làm người mẫu. |
Anh kể với Zing: "Lời kỳ thị ngoại hình tôi có gặp nhưng tất cả chưa quá đáng đến mức làm tôi nhớ lâu. Tôi từng bị chê 'sao vai thô quá, to quá hay bàn chân bạn này sao dài quá xấu quá'. Những câu nói lặp đi lặp lại ấy nghe riết tôi cũng quen".
Trần Tín: "Sống vì mình chứ đâu phải người khác"
Người mẫu gốc TP.HCM bén duyên với nghề từ năm 2017. Anh từng góp mặt tại nhiều sàn diễn lớn trong nước. Gần đây nhất, anh gây chú ý tại Vietnam's Next Top Model mùa thứ 9.
Trước khi làm người mẫu, anh là make up artist. Từ khi nhận lời mời chụp cho một local brand, anh được biết đến nhiều hơn và quyết định nghiêm túc theo nghề. "Cảm giác đứng trước ống kính mới chính là mình, thực sự sung sướng", anh nói.
Sau đó, anh quyết định lấn sang mẫu runway. Với Tín, anh luôn toát ra sự tích cực khi suy nghĩ: "Mỗi chúng ta là một ngôi sao, khi đúng thời điểm bạn sẽ toả sáng. Tuy nhiên, mỗi người phải biết nỗ lực và theo đuổi đam mê đến cùng, không được chán nản, bỏ cuộc".
Truyền tải được cái hồn của nhà thiết kế muốn gửi gắm một cách trọn vẹn nhất là điều Trần Tín quan tâm khi làm người mẫu. |
Theo anh, ngành thời trang thế giới và trong nước đã và đang cởi mở hơn từng ngày, cho phép mọi cá nhân có cơ hội sáng tạo, sống đúng với danh tính thật của mình. Những người mẫu phi giới tính nổi tiếng đã truyền cảm hứng cho anh như Andreja Pejić, Leon Dame.
Tại thị trường Việt Nam, Tín nghĩ chưa có nhiều sàn diễn để các người mẫu phi giới tính tự tin thể hiện mình. Từ lúc vào nghề, anh cũng tự biết mình có chiều cao hạn chế và nghe thoáng qua các anh chị chọc ghẹo. Nhưng anh cho rằng mọi người nói đúng và lấy đó để tạo nên ưu điểm.
Đôi khi, Tín đọc được những lời bình luận chê bai như "sao gầy vậy, chân bé thế?" nhưng không thấy buồn. "Người ta nghĩ sao thì chịu thôi. Mình sống vì mình chứ đâu phải vì người khác nghĩ thế nào đâu", anh bày tỏ.
Mạc Trạc Long: "Sống có ích thì không có gì phải hổ thẹn"
Trạc Long bén duyên với nghề người mẫu từ năm 2012. Từ những năm học cấp 2, cấp 3, anh đã là người mẫu ảnh cho các báo tuổi teen. Trong một diễn đàn dành cho cộng đồng LGBT, anh đã đảm nhận vị trí host cho một cuộc thi về các chủ đề chụp ảnh. Chương trình được dần được biết đến và ủng hộ nên anh có cơ hội để làm người mẫu chuyên nghiệp.
Người mẫu sinh năm 1990 cho biết do cơ địa, anh rất khó tăng cân. Để làm người mẫu nam, anh lại không đủ chiều cao. Với gương mặt mang nhiều nét nữ tính, anh được các nhà thiết kế chú ý.
Theo quan điểm của anh, người mẫu phi giới tính ở Việt Nam vẫn còn khá mới. Dù có lợi thế về thể lực, sức chịu đựng khi mặc những trang phục khó nhằn, thần thái, mọi người vẫn chưa thực sự chấp nhận.
Lơ đi là cách giúp Mạc Trạc Long tập trung vào công việc. |
"Ai làm bất kỳ nghề nào liên quan đến ngoại hình cũng sẽ chịu lời ra tiếng vào. Người thích sẽ khen nhưng ai không thích thì chẳng tiếc lời miệt thị. Với tôi, hành động luôn là cách thể hiện tốt hơn lời nói. Mình cứ cố gắng hoàn thiện bản thân, sống có ích thì không có gì phải hổ thẹn", anh chia sẻ cách vượt qua những lời chê bai.
Mạc Trạc Long bị miệt thị về giới tính nhiều hơn ngoại hình. Những lời nói khó nghe "muôn hình vạn trạng" kể hoài cũng không hết nên anh chọn cách lơ đi để không bị ảnh hưởng tâm trạng và tập trung vào những điều mình đang làm.