Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẹ có hai con gái đều mắc bệnh ung thư vú

Khi con gái thứ hai bị bệnh, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh có thể là yếu tố gen.

Trong 10 năm (năm 2004 và năm 2014), bà An Thị Khanh (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) hai lần đón nhận tin 2 cô con gái của mình bị mắc căn bệnh ung thư vú. Khi con gái thứ hai bị bệnh, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh có thể do yếu tố gen.

“Con gái thứ hai của tôi cũng từng điều trị tại một bệnh viện tuyến trung ương. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ có thông báo với gia đình, con gái tôi không phẫu thuật hay xạ trị được. “Còn nước còn tát”, gia đình tôi không bỏ cuộc và vẫn tiếp tục đồng hành cùng con trong hành trình giành giật sự sống”, bà Khanh nói.

Điều may mắn đã xảy ra với gia đình khi cả hai người con của bà sau một thời gian điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, tới nay sức khỏe vẫn ổn định. Hiện con gái thứ 3 của bà Khanh chưa phát hiện ung thư vú nhưng vẫn đi khám định kỳ.

Ung thu vu anh 1
Theo bà Khanh, khi con gái thứ hai bị bệnh, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh có thể do yếu tố gen. Ảnh: HN

“Tôi cũng từng bị u xơ tử cung và đã cắt bỏ cách đây 20 năm. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu không cắt bỏ sớm có lẽ tôi cũng có khả năng mắc bệnh. Từ kinh nghiệm của bản thân và gia đình, theo tôi, mọi người nên đi tầm soát ung thư càng sớm càng tốt để phát hiện sớm bệnh và có hướng điều trị đúng”, bà Khanh chia sẻ.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết so với 10 năm trước đây những hiểu biết của người dân về việc đi khám sức khỏe định kỳ cũng như tự khám vú, hay tham gia các chương trình khám sàng lọc miễn phí ngày càng gia tăng.

“Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi cũng tham gia các chương trình sàng lọc phát hiện bệnh ung thư vú do Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị khác tổ chức. Trong nhóm được sàng lọc, năm đầu tiên có 6 trường hợp, năm thứ 2 là 5 trường hợp, năm thứ 3 là 3 trường hợp được chúng tôi phát hiện sớm bệnh căn bệnh này. Tỷ lệ người dân tái khám sau mỗi năm tăng cho thấy họ đã quan tâm tới sức khỏe của mình và đi khám định kỳ”, PGS.TS Phương cho hay.

Ung thu vu anh 2

PGS.TS Phạm Cẩm Phương. Ảnh: HN.

Trước đây những trường hợp phát hiện ung thư vú thường khi sờ thấy khối u to ở vú, thậm chí một số trường hợp có tổn thương di căn hạch nách và di căn hạch cổ. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn muộn di căn hạch nách và cổ đã thấp hơn, phát hiện bệnh ung thư vú khi khối u kích thước dưới một cm.

Trong đó, các đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh ung thư vú được chỉ ra là những người có tiền sử gia đình có bà, dì, mẹ, con gái, chị, em gái bị ung thư; có đột biến gen BRCA1, BRCA2; tuổi cao từ 40 trở lên; phụ nữ có tiền sử chiếu xạ vùng ngực; hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) có thể đi tầm soát ở tuổi 35 thay vì 40 tuổi như với các phụ nữ bình thường khác; phụ nữ mang thai muộn (trên 30 tuổi), không mang thai, không cho con bú; béo phì, hút thuốc lá; có tiền sử mắc bệnh ung thư trước đó: buồng trứng, nội mạc tử cung…

“Các chương trình sàng lọc thường tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao là những đối tượng có khả năng mắc bệnh cao để tăng tỷ lệ phát hiện bệnh và giảm chi phí. Các đối tượng khác vẫn có nguy cơ bị bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều. Chúng tôi đã từng điều trị cho các trường hợp ung thư vú khá trẻ; bệnh nhân chỉ 24, 28, 30 tuổi",  PGS.TS Phương nói.

Về tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú do có đột biến gen BRCA1, BRCA2, ở Việt Nam, trước đây cũng có một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ dương tính với gen này không nhiều. Trên thế giới, tỷ lệ dân số mang hai gen này thấp (dưới 10%), tuy nhiên nếu mang gen BRCA1, BRCA2 ,nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng đối với nữ, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt đối với nam tăng từ 35-85% tùy theo từng nghiên cứu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 30% số người mắc ung thư vú sẽ truyền cho đời sau nếu mang gen BRCA1, BRCA2.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mang gen này cũng phát triển thành ung thư mà chỉ một tỷ lệ nào đó sẽ bị bệnh. Vì với mỗi cơ địa khác nhau cũng như các yếu tố tác động từ môi trường sống cũng là yếu tố ảnh hưởng.

Để dự phòng bệnh ung thư vú, PGS.TS Phương chỉ ra 3 bước:

- Bước 1: Giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ biết chắc chắn sẽ gây ra bệnh ung thư như hút thuốc lá; hạn chế ăn thực phẩm nấm mốc, các chất tăng trọng, bảo quản, thuốc trừ sâu; tiêm dự phòng vắc xin.

- Bước 2: Sàng lọc phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh.

- Bước 3: Bệnh nhân biết có bệnh rồi làm thế nào để đưa ra được các phương pháp điều trị tối ưu nhất với mục đích kéo dài thời gian sống.

Từ đó, PGS.TS Phạm Cẩm Phương khuyến cáo để phát hiện sớm ung thư vú, phụ nữ cần khám sức khỏe định kỳ, nhất là đối tượng nguy cơ cao, khám đúng chuyên khoa ung bướu, chia sẻ các dấu hiệu bất thường (lắng nghe cơ thể), xét nghiệm gen.

“Bệnh ung thư vú có tỷ lệ mắc ngày càng tăng ở nữ giới. Cần tiến hành sàng lọc phát hiện sớm cho phụ nữ trên 40 tuổi. Chẩn đoán và điều trị bệnh có nhiều tiến bộ từ đó giúp chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả cao”, PGS.TS Phương nhấn mạnh. 

Cuộc chiến của cậu bé 4 tuổi ung thư não được đá bóng cùng Quang Hải

Tom gọi bệnh viện nơi cậu bé điều trị là "khách sạn". Ở đó, cậu bé 4 tuổi đã có 16 lần xạ trị, 2 ca phẫu thuật và hôn mê gần một tháng vì căn bệnh ung thư não.

Huệ Nguyễn

Bạn có thể quan tâm