Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ nắm chặt tay, hôn tiễn biệt chồng trước khi hiến tạng

Khoảnh khắc chị Hoàng Thanh Phương nắm tay và hôn tiễn biệt anh Dương Hồng Quý - người đàn ông chết não đã hiến tạng cứu sống 5 bệnh nhân - khiến bác sĩ xúc động.

Ngày 24/12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Nhi đồng II (TP.HCM) cùng tiến hành họp báo để công bố thành công của hàng loạt ca ghép tạng từ cùng một người cho chết não.

Người Việt Nam đầu tiên hiến 6 tạng

Tháng 2/2018, câu chuyện về thiếu tá Lê Hải Ninh hiến đa tạng cứu 6 người khiến đã khiến nhiều người xúc động. Anh Dương Hồng Quý (43 tuổi trú tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) là người đã viết tiếp những nốt nhạc đẹp ấy.

Anh Quý phát hiện mình mắc bệnh về mạch máu não từ tháng 11/2018. Khi biết mình không thể qua khỏi, anh đã gọi các thành viên trong gia đình tới và đưa ra đề nghị được hiến tạng để cứu sống những người khác.

Khi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, được các bác sĩ tiên lượng không thể qua khỏi, vợ anh - chị Hoàng Thanh Phương - và cả gia đình đã cùng liên hệ để xin được hiến tạng của anh cho y học. Thời điểm đó, anh Quý đang nằm tại Bệnh viện Bạch Mai.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Lãnh đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã quyết định phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức để đưa bệnh nhân về Bệnh viện Việt Đức.

Trước khi các bác sĩ đưa anh đi, chị Phương cúi xuống bên anh, cầm tay anh thật chặt và cúi xuống hôn anh. Bởi chị biết họ đã thực sự phải đến giờ phút chia ly.

ghep tang anh 1
Nụ hôn tiễn biệt của chị Hoàng Thanh Phương dành cho chồng. Ảnh: Trung tâm điều phối tạng quốc gia.

Dù rất sợ mất anh và có những lúc không đồng ý với quyết định hiến tạng của chồng, nhưng cuối cùng chị vẫn thực hiện theo di nguyện của anh. Bởi chị yêu anh và muốn anh an lòng khi ra đi. Chị vẫn muốn anh còn tiếp tục được sống theo một cách khác.

Anh Dương Hồng Quý đã tặng lại tim, gan, hai phổi và hai thận cho 5 người bệnh nặng đang chờ đợi. Trong đó tim, gan, phổi, một thận được ghép tại Bệnh viện Việt Đức, một thận được chuyển cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng II (TP.HCM). Đây là người Việt Nam đầu tiên hiến 6 tạng giúp cứu sống 5 người bệnh.

ghep tang anh 2
Anh Dương Hồng Quý và gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Lần đầu tiên bác sĩ Việt ghép phổi thành công từ người chết não

Tại Hà Nội GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não, với kíp mổ hoàn toàn từ các thầy thuốc của bệnh viện.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, cho hay người hiến đa tạng là bệnh nhân nam, ngoài 40 tuổi, ở Ninh Bình, tiền sử khỏe mạnh. Chết não do bị phình mạch não vỡ, điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai không kết quả. Bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng ngay từ khi còn khỏe. Không may bị chết não, gia đình bệnh nhân đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng. Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để hiến tạng.

ghep tang anh 3
Các bác sĩ tiến hành lấy-ghép đa tạng. 

Bệnh nhân được ghép tạng là N.V.Đ (nam giới, 17 tuổi), được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng thở ô xy liên tục, suy dinh dưỡng rất nặng, chẩn đoán xác định bệnh mô bào ở phổi giai đoạn cuối. Tiên lượng tử vong rất cao trong thời gian ngắn. Giải pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật ghép hai phổi.

Nam bệnh nhân này đã bị bệnh lý nặng liên tục từ 5 năm trước, với các biểu hiện của bệnh kén hóa và nhiễm trùng phổi nặng. Bệnh nhân mổ một bên phổi phải và bơm thuốc gây dính màng phổi bên trái do kén khí phổi vỡ tái diễn, và điều trị rất nhiều lần tại các bệnh viện khác.

Lần này, bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai hơn 20 ngày do đợt nhiễm trùng cấp các kén phổi, đã ổn định và có thể chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xét ghép phổi.

Với nguồn tạng lấy được từ người hiến, các bác sĩ mất 14 giờ để tiến hành ghép phổi cho bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, chấp nhận tạng ghép, có thể tự thở. Tuy nhiên, toàn trạng bệnh nhân còn rất nặng, diễn biến hậu phẫu phức tạp do sức khỏe suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác.

Ngoài ra, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng thực hiện các ca mổ ghép khác cùng thời điểm là ghép tim cho bệnh nhân nam (60 tuổi), mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối. Ghép gan cho bệnh nhân nữ, 63 tuổi, mắc bệnh u gan. Ghép thận cho bệnh nhân nam, 41 tuổi, bị suy thận giai đoạn cuối.

Ca ghép thận xuyên Việt cho trẻ em đầu tiên từ người chết não

Tại TP.HCM, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng II đã chia sẻ thông tin về trường hợp ghép thận xuyên Việt đầu tiên cho trẻ em từ người cho chết não.

Trước đó, ngày 12/12, ca ghép thận đã được tiến hành tại bệnh viện với sự hỗ trợ của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia, các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức cùng lãnh đạo các ngành hàng không, hải quan,…

Quả thận đã vượt hơn 1.700 km từ Hà Nội vào TP.HCM để hồi sinh trong cơ thể một cậu bé 15 tuổi. Ngày 11/12, bệnh viện nhận được tin báo người chết chắc chắn cho thận nếu phù hợp. Ngay lập tức, lãnh đạo bệnh viện đã cho kích hoạt báo động đỏ đến toàn hệ thống. Ê-kíp phẫu thuật nhanh chóng thông báo cho bệnh nhân có tên trong danh sách chờ ghép đến bệnh viện làm một số xét nghiệm hòa hợp miễn dịch với người ghép tạng ngay sau khi mẫu máu của người cho chết não được chuyển đến TP.HCM vào lúc 22h cùng ngày.

Người nhận thận là bệnh nhi Đ.V.H (15 tuổi, quê Lâm Đồng) bị suy thận khoảng một năm nay do thiếu sản thận, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng II từ tháng 2 và được đăng ký vào danh sách ghép chết não quốc gia tháng 6. Bệnh nhân H. được cho nhập viện lúc 2h sáng ngày 12/12 và chuẩn bị sẵn sàng cho phẫu thuật ghép thận.

ghep tang anh 4
Ca ghép tạng diễn ra nhanh chóng và thuận lợi tại Bệnh viện Nhi đồng II (TP.HCM).

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành hội chẩn khẩn trước ghép lúc 14h ngày 12/12 cùng với các bác sĩ chuyên gia hàng đầu về tiết niệu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Tất cả nhân lực và các trang thiết bị cần thiết chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật được huy động khẩn trương và đầy đủ.

Đến 16h cùng ngày, thận hiến từ nam bệnh nhân chết não được bảo quản an toàn kỹ lưỡng trong thùng giữ đông chuyên dụng, được vận chuyển từ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đến TP.HCM bằng đường hàng không. Sau khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, xe cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng II đã đón nhận để đưa về bệnh viện ghép cho bệnh nhi.

Ca phẫu thuật ghép thận được diễn ra từ 21h ngày 12/12 đến 3h ngày 13/12 với sự hỗ trợ củ GS.TS Trần Ngọc Sinh, PGS.TS.BC Thái Văn Sâm, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu.

Sau phẫu thuật ghép thận, bệnh nhân Đ.V.H đã tỉnh táo hoàn, sinh hiệu ổn định, được rút nội khí quản. Siêu âm mạch máu sau mổ ghi nhận các miệng nối các mạch máu thông tốt và thận được tưới máu tốt. Các xét nghiệm chức năng thận và sinh hóa máu của bệnh nhân trong giới hạn bình thường. Hiện tại, bệnh nhân được bắt đầu cho ăn lại bằng đường miệng. Bệnh nhân hiện được tái khám cách 3 ngày, nếu ổn sẽ kéo dài thời gian hẹn tái khám, có thể đi học lại sau 6 tháng.

Tính đến ngày 21/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 01 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim  (6 ca hỗ trợ ghép ở các bệnh viện khác), 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.

Tùy viên Đại sứ quán Pháp đăng ký hiến tạng tại Việt Nam

Công tác trong lĩnh vực y tế và có người nhà được ghép tạng nên ông Mourez Thomas đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não.




Huệ Nguyễn - Bích Huệ

Ảnh: BSCC

Bạn có thể quan tâm