Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mở quán cơm chay 5.000 đồng: Sống cho người khác

Chúng tôi biết anh Trần Phước Hòa hai năm trước, khi anh vừa mở quán cơm chay Thiên Phước 5.000 đồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.11, TP HCM được vài tháng.

Nay gặp lại, anh nói đã mở thêm một quán ở Q.Bình Tân và một tại Tiền Giang. Không những sưởi ấm trái tim người nghèo, ba quán cơm còn giúp cuộc sống của anh Hòa và những người chung tay lập ra thêm phần ý nghĩa.

Để có những khay cơm với 4 - 5 món mỗi ngày gồm đậu hủ, món xào, “gà” ram, rau canh, dưa hấu... từ chiều hôm trước anh đã đến chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức cách nhà hơn chục cây số mua nguyên liệu và tham gia từ khâu chuẩn bị đến khi quán bán xong.

Anh Hòa hỏi han ân cần khách dùng cơm.
Anh Hòa hỏi han ân cần khách dùng cơm.

Người đàn ông 38 tuổi chưa có ý định lập gia đình vì bận lo chuyện thiên hạ này nói với chúng tôi: “Việc quan sát bà con đến ăn ở quán, hỏi họ dăm ba câu đã thành thói quen của tôi. Tôi cảm thấy ấm lòng mình khi họ được no bụng”.

Những người phục vụ tại quán, cả những tình nguyện viên, đều được anh dặn dò về sự ân cần với khách. “Mình phải lo cho khách chu đáo mới an tâm được. Không thể vì bán cơm giá rẻ mà chất lượng xuề xòa, phục vụ kém để bà con buồn lòng” - anh Hòa nói.

Nhiều người đến quán kể với chúng tôi anh Hòa tốt lắm. “Mỗi tuần đều có một bữa quán tặng bún thịt nướng vì sợ tụi tôi ăn cơm hoài thì ngán, cuối tháng có chương trình cắt tóc miễn phí” - một bà cụ trạc 60 tuổi nói với vẻ cảm kích. Không những vậy, ai tật nguyền chưa có xe lắc để đi bán vé số được anh hỏi han cặn kẽ hoàn cảnh, nếu khổ quá anh mua tặng.

Cùng với các tình nguyện viên, lâu lâu anh lại đi khảo sát ở miền Tây, đến nay xây được năm cây cầu cho dân nghèo ở dưới đó. Lo chưa xong chuyện quán cơm, anh lại tổ chức hai chuyến đưa hơn 200 người nghèo đi chơi biển Vũng Tàu cuối năm 2014 và gần đây là bữa tiệc kết hợp văn nghệ cho bà con ở tận Kon Tum.

Có lẽ cảm được tấm lòng của anh, nhiều người quen thân hoặc chỉ biết anh trên thế giới mạng đã tiếp sức cho quán. Một số mạnh thường quân chủ chốt của quán được anh ghi bảng treo trang trọng trong quán như để nhắc mình mỗi ngày cố gắng làm cho quán hoạt động tốt hơn, như vừa rồi anh đã lắp máy lạnh cho quán thứ nhất khi thấy bà con ngồi ăn trong cảnh nóng bức.

Ở quán thứ hai trên đường Tên Lửa (Q.Bình Tân) khai trương năm 2014, anh còn mở một thư viện nho nhỏ để trẻ em có thể đọc sách, nghỉ trưa. Và quán thứ ba ở Cai Lậy (Tiền Giang) được mở mới đây (tháng 5) như một sự nối dài cho nỗ lực của anh và mọi người có tấm lòng đối với những bữa cơm cho người nghèo.

Khi chúng tôi hỏi động lực nào khiến anh làm được nhiều điều cho người khác như vậy, anh Hòa trả lời rất giản dị: “Có lẽ tôi thích cảm giác nhẹ nhõm khi ngả lưng mỗi tối, nhớ lại trong ngày mình đã làm được điều tốt như thế nào”.

Rồi anh ước ao: “Tôi chỉ mong sao ba quán cơm của mình hoạt động tốt để có thêm khả năng mở quán thứ tư phục vụ bà con là mãn nguyện rồi”.

Nghe anh nói câu ấy, chúng tôi thấy trong mắt anh lấp lánh ánh hạnh phúc của một con người thích san sẻ nỗi khó khăn của người khác và lấy “sự no bụng” của kẻ khác làm niềm vui sống cho chính mình.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150531/song-cho-nguoi-khac/754665.html

Theo Yến Trinh - Vũ Thủy/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm