“Tôi đã bán xe của bạn gái đi vì giá xăng quá cao, chuyển sang du lịch bằng xe ngựa”- đoạn video do nam diễn viên hài Justice Alexander đăng tải hồi đầu năm nay có hơn 10 triệu lượt xem.
Dù nam diễn viên sau đó cho biết việc mình chuyển sang dùng ngựa để di chuyển chỉ là câu nói đùa, clip vẫn có đông người xem, chia sẻ vì nói lên “nỗi lòng” hiện tại của người dân Mỹ: giá xăng ở mức cao kỷ lục, theo NY Times.
Ngay cả khi có biện pháp điều chỉnh theo lạm phát, giá xăng vẫn đang ở mức đắt đỏ nhất trong nửa thế kỷ qua. Thực tế này khiến nhiều người dân bắt đầu nghĩ ra nhiều cách xoay xở, tiết kiệm tiền đổ xăng từng chút dù chỉ là vài USD.
Dù giá xăng tăng lên mức kỷ lục, doanh thu tại các trạm xăng của Mỹ vẫn lao dốc vì người tiêu dùng giảm mua xăng dầu. Ảnh: Wall Street Journal. |
Đi sang bang khác đổ xăng
“Điều cần làm là tính một vài phép toán”, Ava Patterson (bang Illinois) làm công việc phục vụ bàn nhà hàng, cho biết.
Khi thấy bình xăng sắp cạn, Ava sẽ mở điện thoại và bắt đầu kiểm tra một ứng dụng có tên GasBuddy, nơi hiện giá xăng ở các trạm gần nhất. Tiếp đó, cô tính toán số tiền phải trả nếu đổ đầy bình ở từng trạm và chọn nơi có giá thấp nhất.
Cô thường chọn các trạm thuộc thị trấn nhỏ trên tuyến đường đi, nơi giá xăng rẻ hơn một chút. Sau đấy, cô sẽ báo lại mức giá lên ứng dụng để kiếm điểm thưởng, giúp cô đổi xăng miễn phí nếu tích đủ điểm.
Theo cách thức hiện tại, Ava có thể tiết kiệm được 2,3 USD mỗi lần đổ nhiên liệu. Hiện giờ, cô tốn khoảng 80 USD để đổ đầy ôtô của mình.
Đồng thời, Ava cũng cắt giảm việc lái xe bằng cách không đến xem các buổi thi đấu thể thao vào cuối tuần. Song song, nữ phục vụ thay đổi lịch trình làm việc.
Giá xăng tăng cao khiến nhiều người Mỹ phải xem xét lại kế hoạch di chuyển. Ảnh: Reuters. |
“Tôi bắt đầu nhận số ca trong ngày nhiều hơn cho cùng một công lái xe đi làm. Lương phục vụ nhà hàng thường không cố định, vì vậy tôi thường do dự mỗi khi ra khỏi nhà”, cô bày tỏ.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Xe hơi Mỹ được thực hiện vào đầu năm nay, 75% người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành nói họ sẽ thay đổi lối sống và thói quen dưới tác động của giá xăng tăng. Những người ít lái xe trước đó, sẽ càng cắt giảm hơn nữa.
Mặt khác, nhiều người sẵn sàng lái xe xa hơn, đến nơi đổ xăng rẻ hơn, dù con số phải trả không thấp hơn nhiều.
Tawaine Hall (36 tuổi), một kỹ sư mạng ở Fort Worth, lái xe 45 phút từ nhà để tận dụng giá xăng thấp hơn khoảng một USD so với giá xăng gần nơi anh sống. Ngoài ra, Hall mua thêm thẻ quà tặng của Walmart, giúp giảm giá tại các trạm xăng thuộc chuỗi siêu thị này.
Jordan Rowe (27 tuổi) cũng lái xe mất 25 phút để đến trạm có chấp nhận ứng dụng tích lũy điểm, tiện hơn cho những lần đổ xăng sau.
Elizabeth Hjelvik chuyển sang đi xe đạp. Ảnh: NY Times. |
Đi chung xe với đồng nghiệp
Trong một số trường hợp, chi phí cao đã làm phát sinh các phương án đi chung xe trên khắp đất nước.
Jennifer Gebhard, Giám đốc điều hành của Cơ quan Giao thông Vận tải Khu vực Trung tâm Indiana, cho biết trong thời gian xảy ra đại dịch, nhóm của cô vận hành một đội gồm 10 xe tải. Giờ, con số đã lên 30 xe.
Nhiều doanh nghiệp địa phương liên hệ với văn phòng của Jennifer để thuê xe chở nhân viên trong những tháng gần đây, với chi phí chia đầu người.
Alexa Lopez (30 tuổi, Florida) từng đi mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa bất cứ lúc nào theo ý thích mà không cần suy nghĩ kỹ. Trong cơn lạm phát, giờ cô chỉ đi 2 tuần/lần. Từ chỗ “mua bất cứ thứ gì”, Lopez giờ thừa nhận cô không còn thoải mái mua đồ ăn nhẹ, khoai tây chiên cho con trai mình như trước.
Lần đầu sau nhiều năm, ngay cả người có thu nhập ở mức khá cũng phải chi tiêu tằn tiện, khi những lo ngại ngày càng gia tăng rằng nền kinh tế Mỹ đang trên bờ vực suy thoái.
Elizabeth Hjelvik (26 tuổi), sinh viên ở Đại học Colorado, theo dõi ngân sách chi tiêu của mình một cách chặt chẽ. Gần đây, cô bắt đầu đạp xe đến trường và chuyển sang làm việc ở nhà thường xuyên hơn, cắt giảm cả những chuyến về nhà thăm bố mẹ đẻ ở bang khác.
Eddie Perez, người kinh doanh dịch vụ xe limousine, phải tăng giá dịch vụ và đề nghị các tài xế tắt máy bất cứ khi nào có thể. Ảnh: NY Times. |
Kaitlyn Thomas (25 tuổi), một cư dân ở New York, cho biết đôi khi cô lên mạng để kiểm tra giá xăng của bang lân cận. Tuần tới, cô sẽ chuyển đến bang Pennsylvania để có thể đi bộ đến chỗ làm.
Laura Romine (22 tuổi) dọn vào trong chiếc xe tải của mình để vừa sống, vừa đi du lịch bằng phương tiện này. “Tuy nhiên, giờ phương án này không giúp tôi tiết kiệm được mấy”, cô nói. Laura chuyển sang tìm chỗ đỗ xe cố định và dừng đi du lịch.
Ở bang Arizona, Eddie Perez sở hữu một công ty chuyên cung cấp các chiếc xe buýt, limousine tổ chức tiệc. Trước kia, chuyện mở động cơ trong lúc xe không chạy là điều bình thường. Giờ, Perez thường xuyên nhắc nhở tài xế phải tắt máy khi có thể, đồng thời tăng giá dịch vụ.
Tương tự, George Jacobs, giám đốc điều hành của Windy City Limousine và Bus Worldwide ở Chicago, nói rằng giá dầu diesel tăng đã “tổn hại nghiêm trọng đến việc làm ăn”.
Anh đang tính đến phương án bổ sung xe buýt điện vào đội xe của mình. Trong khi đó, các tài xế thuộc công ty cố gắng mua xăng ở bên ngoài tiểu bang, khi họ di chuyển dọc đường.